Phi tần nhà Đường và những chiêu bài câu dẫn Hoàng đế nhờ mượn tay hoa, bướm
Vào giai đoạn hưng thịnh của triều nhà Đường, vị vua nổi tiếng Đường Huyền Tông cũng từng gặp phải nỗi phiền não giống Tấn Vũ Đế năm xưa. Thế nhưng sự thực là hậu cung của vị vua này thậm chí vượt xa Vũ Đế, tương truyền số cung nhân mỹ nữ thời bấy giờ có lúc lên tới cả 40 ngàn người.
Ảnh minh họa
Đối với số lượng phi tử đông đúc này, việc dùng xe dê để chọn người thị tẩm đã không còn khả thi, mà "chiêu bài" rắc muối, dùng cành dâu để dụ dê từ sớm đã được nhiều người nằm lòng.
Sau một hồi suy tính, Đường Huyền Tông đã dựa trên cơ sở thuận theo tự nhiên của vua Tấn năm xưa để sáng tạo ra một cách làm mới.
Theo đó, mỗi ngày khi tới giờ chọn người thị tẩm, nhà vua sẽ cho các mỹ nữ đứng xếp thành từng hàng, để họ cài hoa tươi trên đầu. Con bướm trong tay nhà vua đậu vào bông hoa của phi tần nào thì người đó sẽ được thị tẩm.
Để có được ơn mưa móc của Hoàng đế, hậu phi trong cung vì vậy liền ngày đêm suy tính nghĩ cách để… dụ bướm!
Bấy giờ, có phi tần khôn ngoan đã nghĩ ra cách rắc phấn hoa lên trang sức trên đầu. Thế nhưng cách làm này thực chất cũng đem tới không ít rủi ro. Bởi phấn hoa vừa có khả năng gây ra dị ứng, lại vừa có nguy cơ dẫn dụ ong hoặc một vài loại côn trùng khác.
May mắn là phương pháp mượn bướm chọn hoa của Đường Huyền Tông cũng không duy trì quá lâu. Tới khi nhà vua độc sủng Dương Ngọc Hoàn thì những màn chọn lựa cầu kỳ và mưu mô này cũng dần trở nên thưa thớt trong hậu cung Đường triều.
Quy định kỳ lạ của Thanh triều khiến các phi tần 25 tuổi đã bị... xếp xó
Mặc dù sở hữu trong tay cả hậu cung tương đối đông đảo, thế nhưng sự thực các Hoàng đế Thanh triều lại không có mấy người ham mê tửu sắc mà bỏ bê việc triều chính.
Sở dĩ có được cục diện này là bởi vương triều Đại Thanh từ khi lập quốc đã đặt ra vô số quy định ngặt nghèo liên quan tới việc thị tẩm. Quá trình lâm hạnh phi tần của nhà vua cũng được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan có tên là Kính Sự phòng.
Đánh giá một cách khách quan, hầu hết các Hoàng đế Thanh triều đều là những người chăm chỉ và tương đối bận rộn. Thời gian biểu hàng ngày của nhà vua chủ yếu xoay quanh công việc triều chính, học tập, bên cạnh đó là thỉnh an hoặc tiếp kiến các hoàng thân quốc thích.
Với cường độ làm việc cao như vậy, việc nhà vua có thể chiếu cố tới tất cả phi tần chốn hậu cung dường như là điều không thể. Đối với Thiên tử mà nói, vai trò chủ yếu của những thê thiếp này chung quy vốn chỉ là để duy trì huyết thống hoàng tộc.
Quy định về độ tuổi được phép thị tẩm và mang long thai đối với các phi tần cũng là một trong những công cụ phục vụ cho mục đích nói trên.
Theo ghi chép của các tài liệu chính sử, những cung tần, mỹ nữ của nhà vua chỉ được hầu hạ Thiên tử thường xuyên cho tới trước năm 25 tuổi. Từ sau độ tuổi này trở đi, họ sẽ hạn chế được đưa vào danh sách thị tẩm.
Ngoại lệ hiếm hoi của Thanh cung: Tuổi lục tuần vẫn hầu hạ Hoàng đế
Nếu tuổi 25 được xem là cột mốc đánh dấu việc phi tần bị đưa vào danh sách hạn chế thị tẩm thì khi bước sang tuổi 50, họ sẽ chính thức ngừng hầu hạ Hoàng đế về chuyện chăn gối.
Tất nhiên, nếu một mỹ nhân nào đó được Hoàng đế sủng ái lâu dài, quy định về tuổi tác nói trên ít nhiều cũng có thể cho qua.
Sự thực là hậu cung Thanh triều từng ghi nhận một số phi tần được xem là ngoại lệ khi được hầu hạ Thiên tử ngay cả lúc tuổi tác đã cao. Đức phi Ô Nhã thị - phi tần của Hoàng đế Khang Hi và là mẹ ruột của Ung Chính cũng nằm trong số đó.
Đức phi Ô Nhã thị nhập cung năm 14 tuổi và sinh hạ Ung Chính đế khi mới bước sang tuổi 19. Bà cũng là phi tần đã sinh hạ 6 người con cho Khang Hi, trong đó Thập Tứ a ca Dận Đề ra đời vào năm Ô Nhã thị đã 28 tuổi.
Đức phi là một trong số ít những phi tần của Thanh triều được Hoàng đế cả đời sủng ái. Ngay cả khi đã bước và tuổi ngũ tuần, tình cảm của bà và Khang Hi vẫn rất mặn nồng.
Bà cũng là người đã hầu hạ vị Hoàng đế này thẳng tới lúc ông qua đời ở tuổi 68. Không lâu sau đó, Ô Nhã thị cũng buông tay trần thế ở tuổi 63 và được con trai truy phong làm Hoàng Thái hậu.