Lĩnh vực tài chính đã chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng như vậy vào trước đó và gần đây nhất là vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, lần này, thời gian cho việc đạt thỏa thuận tương đối ngắn, khiến các ngân hàng lo ngại.
Giám đốc điều hành (CEO) Citigroup, Jane Fraser, cho rằng bất đồng về trần nợ lần này đáng lo ngại hơn trong các lần trước. CEO của JPMorgan Chase & CO, Jamie Dimon, cho biết ngân hàng này tiến hành họp hàng tuần về những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ.
Trái phiếu chính phủ Mỹ là cơ sở của hệ thống tài chính toàn cầu. Do đó, việc đánh giá đầy đủ tác động nếu nước này vỡ nợ sẽ là khó khăn.
Tuy nhiên, các CEO nhận định sẽ có những biến động lớn trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu và các thị trường khác.
Các CEO trên phố Wall, những người tư vấn về trái phiếu chính phủ, cảnh báo vấn đề của thị trường trái phiếu sẽ nhanh chóng lan sang các thị trường chứng khoán phái sinh, cho vay thế chấp và hàng hóa, khi nhà đầu tư hoài nghi về giá trị pháp lý của trái phiếu vốn được sử dụng rộng rãi để đảm bảo cho các giao dịch và các khoản vay.
Việc nợ vượt trần dù trong thời gian ngắn có thể sẽ khiến lãi suất tăng, giá cổ phiếu lao dốc và dẫn tới những vi phạm đối với các thỏa thuận vay.
Theo Moody’s Analytics, các thị trường vốn ngắn hạn có thể đóng băng.
Các ngân hàng, các công ty môi giới và các nền tảng giao dịch đang chuẩn bị trước cho khả năng thị trường trái phiếu chính phủ gián đoạn cũng như những biến động rộng hơn.
Sự chuẩn bị bao gồm việc cân nhắc cách thức thanh toán trái phiếu chính phủ, phản ứng của các thị trường vốn, việc đảm bảo về công nghệ, năng lực của nhân viên và tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch lớn cùng với việc đánh giá tác động đối với các hợp đồng với khách hàng.
Các nhà đầu tư lớn vào trái phiếu cho rằng việc duy trì thanh khoản ở mức cao là cần thiết để có thể đối mặt với biến động giá tài sản và tránh việc phải bán ra ở thời điểm có thể là tồi tệ nhất./