Cơ chế đột phá cho TPHCM “phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng phù hợp với TPHCM, nhưng nếu chỉ thực hiện trên địa bàn nhất định có thể bó hẹp, hạn chế hiệu quả chính sách.
Cơ chế đột phá cho TPHCM “phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng”
Nút giao thông ngã ba Cát Lái (TP Thủ Đức) nằm ở điểm cuối của đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối với Xa lộ Hà Nội (Ảnh: Hoàng Giám).

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết có 2 loại chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể, gồm: Các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54, áp dụng tại các địa phương khác, và các chính sách mới lần đầu tiên được quy định.

Trong những chính sách mới có 4 nhóm vấn đề lần đầu được quy định, gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Cơ chế đột phá về phát triển giao thông, đô thị

Cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD - Transit Oriented Development) là một trong những quy định mới, mang tính đột phá, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra).

Đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… Mô hình này sẽ lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông. TOD còn làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị.

Nhưng theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nếu theo dự thảo nghị quyết, TPHCM chỉ được thực hiện trên địa bàn nhất định, đó là: "vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thu‌ộc đị‌a phận thành phố".

"Quy định này có thể bó hẹp, hạn chế hiệu quả chính sách", cơ quan thẩm tra nêu quan điểm và cho rằng có những vị trí, địa bàn khác ngoài các khu vực nêu trên, nếu triển khai có thể sẽ mang lại hiệu quả cao.

Nhìn chung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách ủng hộ cơ chế này vì cho rằng đây là bước đổi mới năng động, tiệm cận và vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng.

Chính sách này góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại.

Góp ý thêm, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng đột phá hơn, theo đó cần áp dụng chung cho cả thành phố để chính sách có quy mô tương xứng, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo thành phố, hoàn thiện hạ tầng giao thông, đẩy lùi ùn tắc, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định "vùng phụ cận" để tránh việc lạ‌m dụn‌g thu hồi đất, ảnh hưởng đến người dân, có thể dẫn đến khiếu kiện.

Cân nhắc mức độ ưu đãi để không "tạo khác biệt quá lớn"

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết với những chính sách thuộc nhóm "đã quy định trong Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM", qua 5 năm triển khai cho thấy không phải tất cả đều hiệu quả. Vì vậy cần rà soát, phân tích tính phù hợp với đặc thù của TPHCM, xem chính sách phát huy ở mức độ nào, có thật sự cần thiết hay không.

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của, TP Thủ Đức (Ảnh: Nam Anh).

Ví dụ chính sách cho phép HĐND thành phố được quyết điều chỉnh mức, tỷ lệ, loại phí, lệ phí và được hưởng 100% số thu tăng thêm, không tính vào tỷ lệ điều tiết.

Có ý kiến cho rằng 5 năm qua, TPHCM chưa ban hành loại phí, lệ phí ngoài danh mục phí, lệ phí mà mới chỉ điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Do vậy, đề nghị không quy định nội dung này.

Trong nhóm chính sách kế thừa Nghị quyết 54 và có sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhắc đến cơ chế cho phép TPHCM được vay với tổng mức dư nợ không quá 120% số thu được hưởng.

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất này vì cho rằng nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án đến năm 2030 của thành phố là rất lớn, trong khi theo tính toán, từ sau năm 2026, thành phố không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp. Do vậy, để tạo thêm dư địa, nguồn lực cho thành phố thì việc quy định nâng trần mức vay cho như Dự thảo Nghị quyết là cần thiết.

Nhưng cũng có ý kiến dẫn chứng thực tế khi triển khai Nghị quyết 54 với tỷ lệ vay không quá 90%, thành phố chỉ thực hiện 31,9% mức dư nợ cho phép. Do vậy, đề nghị giữ tỷ lệ vay không quá 90% số thu được hưởng theo phân cấp.

Cơ quan thẩm tra cũng ủng hộ có cơ chế, chính sách vượt trội thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học nhưng lưu ý cân nhắc mức độ ưu đãi để "không tạo khác biệt quá lớn".

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút rộng; điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản; số lượng doanh nghiệp, dự án tại thành phố là rất lớn, dẫn đến việc áp dụng ưu đãi có thể tác động đến ngân sách Nhà nước.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động thận trọng, đặc biệt tác động đối với ngân sách, đưa ra dự ước cụ thể để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật