Kể từ khi chính phủ Trung Quốc chính thức dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt, ngành du lịch nội địa và cả quốc tế đã phục hồi đáng kể. Tuy nhiên trong dịp lễ 1/5 tới, lượng tìm kiếm và đặt phòng khi du lịch nước ngoài vẫn chưa phục hồi trở lại.
Theo SCMP trích dẫn dữ liệu của Ctrip – nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - số lượng tìm kiếm về du lịch nước ngoài trên đây đạt 120% trong dịp nghỉ lễ 1/5 so với năm 2019 nhưng các tìm kiếm về khách sạn ở nước ngoài lại giảm 30%.
Mặt khác, nhà cung cấp dữ liệu hàng không FlightGlobal lại cho biết đã có tổng cộng 14.540 chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc đã được lên kế hoạch cho tháng 5, thấp hơn 64,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, khoảng cách đang được thu hẹp dần từ đầu năm nay khi khi các hãng hàng không dần khôi phục các chuyến bay của mình.
Trong số các điểm đến quốc tế, các chuyến đi ngắn ngày tới các thị trường Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Macao, Indonesia và Philippines chiếm ưu thế, Ctrip cho biết.
Nhận định về nguyên nhân cho việc này, Giám đốc điều hành của ứng dụng du lịch nhóm Friends and Family Jia Jianqiang cho biết: “Do những hạn chế về chuyến bay, chính sách về thị thực và tổng số ngày nghỉ lễ, hoạt động du lịch nước ngoài vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như trước Covid”.
Dù vậy, vẫn có những sự tăng trưởng đáng kể được ghi nhận. Trong một bài phỏng vấn được đăng trên tài khoản WeChat của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, giám đốc này dự báo du lịch nước ngoài năm 2023 sẽ phục hồi 60% so với năm 2019.
Du khách tham quan Vạn Lý Trường Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/5/2021. Ảnh: Getty Images
Tuy du lịch quốc tế chưa phục hồi, du lịch nội địa của Trung Quốc lại đang thể hiện những dấu hiệu vô cùng tích cực. Lượng đặt phòng khách sạn, chuyến bay và các điểm tham quan ở Trung Quốc đại lục cho kỳ nghỉ sắp tới trên Ctrip và ứng dụng du lịch Fliggy đều đã vượt qua cùng kỳ năm 2019 từ khoảng 2 tuần trước khi người dân bắt đầu nghỉ chính thức.
Các nền tảng Meituan và Dianping cũng cho biết lượng đặt phòng du lịch nội địa đang đạt 200% so với cùng kỳ năm 2019, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Những điểm đến trong nước phổ biến nhất hiện đang là thành phố Tam Á tại đảo Hải Nam, Đại Lý và Lệ Giang ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây An ở tỉnh Thiểm Tây và thủ đô Bắc, theo trang web đặt tour Tuniu.
Du lịch trong nước phục hồi tốt thể hiện các dấu hiệu tích cực ban đầu trong tiêu dùng nội địa – một trong những yếu tố được kỳ vọng là động lực chính cho nền kinh tế Trung Quốc năm 2023. Điều này càng quan trọng khi Bắc Kinh đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay. Trên thực tế, doanh số bán lẻ tại nước này đã tăng 10,6% trong tháng 3 vừa qua, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các thách thức đã kết thúc. Theo SCMP trích dẫn ông Yu Chunhai, phó hiệu trưởng Trường Kinh tế của Đại học Nhân dân, “nhu cầu đi du lịch cao có nhiều khả năng là phản ứng tức thời của người tiêu dùng trong thời kỳ đầu hậu Covid”.
Ngược lại, “các khoản tiêu dùng hàng ngày khác sẽ cần một khoảng thời gian dài hơn nữa để phục hồi do thu nhập hộ gia đình không gia tăng đáng kể”. Tiền gửi ngân hàng của Trung Quốc cũng tăng 3,8 nghìn tỷ USD vào năm 2022 với mức tiết kiệm cao kỷ lục – điều mà ông Yu cho rằng thể hiện sự thiếu tin tưởng vào nền kinh tế của người dân.
Ngoài ra, các chỉ số giá cả chậm lại cùng sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định yếu trong quý 1/2023 cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều. Nền kinh tế Trung Quốc cũng gặp phải các rào cản như tỷ lệ người trẻ tuổi thất nghiệp cao và thị trường bất động sản chững lại – những yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới chi tiêu của người dân.
Du khách tham quan Cố Cung tại Bắc Kinh ngày 1/5/2020. Ảnh: Xinhua