Văn Quyết có thể nói là trường hợp cá biệt của bóng đá Việt Nam. Trong 5 án phạt gần nhất của VFF, Văn Quyết nghỉ tổng cộng 19 trận, gồm 3 hành vi phi thể thao với đối thủ và 2 lần liên quan đến trọng tài. Năm lần như sau:
Năm 2016, Văn Quyết từng bị cấm 5 trận vì xô ngã trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh. Năm 2017, Văn Quyết đánh chỏ vào mặt Nghiêm Xuân Tú bị phạt nguội 2 trận. Năm 2019, Văn Quyết đạp Đình Đồng bị cấm 2 trận. Năm 2021, Văn Quyết phi vào người cầu thủ Đà Nẵng bị cấm 2 trận. Năm nay, Văn Quyết bị cấm 8 trận do có hành vi B.L với quan chức trận đấu
Có một vấn đề cần nhìn thẳng vào các án phạt của Văn Quyết, đó là chuyện chỉ ở mức nghỉ 2 trận khi chơi phi thể thao với đối thủ. Phải chẳng VFF chưa ra án phạt đủ sức nặng để Văn Quyết không tái diễn hành động phi thể thao?
Tính logic về các hành vi của Văn Quyết có lẽ phần lớn liên quan đến các án phạt chưa đủ nặng để răn đe. Điển hình cú giật chỏ của Văn Quyết với Nghiêm Xuân Tú vào năm 2017 thật đáng chê. Trước đó, Văn Quyết bị cấm 5 trận vào năm 2016 do đẩy ngã trọng tài và mất cơ hội tranh QBV. Rõ ràng, Văn Quyết không thay đổi và lần thứ hai liên tiếp không được tranh QBV.
Trên thế giới, liệu có cầu thủ nào bị cấm hai lần liên tiếp không được tranh QBV vì tiêu chí đạo đức? Có cầu thủ nào hai lần bị phạt tương đương với 1/2 số trận (13 trận) của giải đấu vì lý do tấn công trọng tài?
Năm nay, Văn Quyết còn nhiều khả năng sẽ không được tranh QBV 2023 sau án phạt của VFF. Nếu thành sự thật thì Văn Quyết có ba lần bị loại vì án phạt nguội, tức còn nhiều hơn số lần giành QBV (2 lần).
Văn Quyết từng mất các cơ hội giành QBV do hành vi phi thể thao.
Văn Quyết thật sự đáng bị chê, dù không ai phủ nhận anh là cầu thủ giỏi và thành công. Nếu không bị phạt nguội vì các hành vi xấu xí, Văn Quyết có thể giành QBV năm 2016, 2017 và năm nay (khả năng lớn do ĐTQG không thi đấu). Tức Văn Quyết trở thành kỷ lục gia ở QBV. Nên nhớ, một đồng đội khác của Văn Quyết ở CLB Hà Nội, tiền vệ Thành Lương đã có 4 QBV.
Những chuyện kể trên cho thấy rằng, dường như Văn Quyết thiếu một án phạt nặng đủ sức răn đe, làm gương cho các cầu thủ khác. Bởi đội trưởng CLB Hà Nội thường bị phạt 2 trận (tương đương thẻ đỏ) nên không thay đổi.
Với CLB Hà Nội, một câu hỏi lớn rằng: Chuyện giáo dục cầu thủ như thế nào khi không ít lần có hành vi phi thể thao, thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam? Hãy nhìn một số ví dụ dưới đây:
Năm ngoái, Đoàn Văn Hậu đánh chỏ vào ngực hậu vệ Vũ Văn Thanh nhưng VFF không phạt nguội. Văn Hậu tiếp tục tái diễn hành động vung tay vào mặt cầu thủ Thanh Hóa. Đáng nói, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội - T&T (đơn vị sở hữu CLB Hà Nội) - ông Nguyễn Quốc Hội làm Phó chủ tịch thường trực VPF và thường trực VFF. Văn Hậu chơi tiểu xảo trở thành thói quen và hành động xấu xí liên tục diễn ra ở AFF Cup 2022. Rất nhiều người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á chê trách Văn Hậu, làm ảnh hưởng hình ảnh đội tuyển Việt Nam.
Nhìn xa hơn, Hoàng Vũ Samson đạp Châu Ngọc Quang ở V.League 2016, thời điểm còn đá cho Hà Nội FC. VFF chỉ phạt cảnh cáo rồi bị dư luận gây sức và phạt nguội 2 trận. Samson vẫn không từ bỏ thói xấu khi đánh đối thủ tại AFC Cup cùng năm. Sự xấu xí tiếp diễn đến cả cầu thủ trẻ, đội trưởng U17 Hà Nội đấm đối thủ phải khâu đến 6 mũi tại giải giao hữu quốc tế. Thật xấu hổ khi ban tổ chức gửi sự việc này về cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Tất cả để thấy rằng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần mạnh tay với các cầu thủ có hành vi phi thể thao, nhất là các án phạt phải đủ sức nặng để răn đe và làm gương cho các cầu thủ khác. CLB Hà Nội cũng phải giải được bài toán làm cách nào để các cầu thủ đừng tái diễn hành vi phi thể thao.