Ngăn tình trạng phá rừng dự án để trồng keo

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính quyền và ngành kiểm lâm địa phương tuy biết tình trạng phá rừng này nhưng chỉ lập biên bản vụ việc chứ không xử lý được
Ngăn tình trạng phá rừng dự án để trồng keo
Nhiều cây bản địa thuộc dự án KFW6 như lim, sao đen đã bị đốn hạ, phát trắng ở tiểu khu 334, thuộc thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Hàng trăm hecta rừng thuộc dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững ở tỉnh Quảng Ngãi đang bị người dân tàn phá để trồng cây keo.

Rừng tự nhiên thành vùng trắng

Năm 2006, dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6) - do chính phủ Đức tài trợ - được triển khai tại các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ, với mục tiêu phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đất và nguồn nước, góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc trồng rừng. Dự án này được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đến năm 2015, khi dự án kết thúc cũng là lúc người dân phá bỏ số cây tự nhiên bản địa để trồng cây keo.

Có mặt tại tiểu khu 334, thuộc thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục hecta rừng tự nhiên có trồng bổ sung cây bản địa thuộc dự án KFW6 như lim, sao đen đã bị đốn hạ, phát trắng... Rất nhiều nơi trong khu rừng này chúng tôi bắt gặp những thân cây lớn bị đốt cháy thành than. Nhiều khu rừng cho thấy người dân đã trồng cây keo ngay bên cạnh những cây thân gỗ lớn đã bị cưa, chỉ còn trơ gốc… Theo lời cán bộ kiểm lâm, những cánh rừng này đều thuộc dự án KFW6 đã được giao lại cho các hộ gia đình ở thôn Bàn Thạch.

Xã Phổ Cường có hơn 300 ha rừng thuộc dự án KFW6, đến nay số diện tích rừng này chỉ còn hơn 100 ha. Còn toàn thị xã Đức Phổ có 4 địa phương là các xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Châu và phường Phổ Thạnh tham gia dự án, với hơn 1.300 ha. Trong hơn 630 ha rừng khoanh trồng bổ sung giao cho người dân quản lý đến nay chỉ còn hơn 378 ha.

Ông Võ Cương, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết trên địa bàn xã có nhiều diện tích rừng thuộc dự án KFW6. Khi triển khai dự án, rừng được giao cho người dân quản lý, ban đầu nhiều hộ dân có giữ rừng nhưng do không có hiệu quả kinh tế nên khi dự án kết thúc, nhiều hộ đã phá bỏ rừng dự án để trồng cây keo. Về phía địa phương, khi phát hiện vụ việc xảy ra đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm xử lý một số trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do phải quản lý, theo dõi diện tích đất rừng khá rộng thuộc quyền sở hữu của chủ rừng nên địa phương rất khó xử lý. "Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo cấp trên hướng xử lý là phải thu hồi diện tích rừng đã bàn giao cho người dân quản lý không hiệu quả để bảo đảm tài nguyên rừng tự nhiên không bị người dân xóa bỏ như đang xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận" - ông Cương bày tỏ.

Ông Tạ Công Khiết, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ, cho biết trong 3 năm gần đây, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện nhiều vụ khai thác và vận chuyển lâm sản trên diện tích rừng dự án KFW6, xử phạt hàng chục triệu đồng. "Khó khăn lớn nhất trong quá trình kiểm tra, giám sát là vì chủ rừng được cấp giấy sử dụng đất không giới hạn quyền nên họ không chỉ phá rừng tự nhiên mà nhiều trường hợp còn tự ý chuyển nhượng cho người khác" - ông Khiết bức xúc.

khẩn cấp ngăn chặn

Không chỉ ở thị xã Đức Phổ, nhiều diện tích rừng thuộc dự án KFW6 tại các địa phương khác như Tư Nghĩa, Nghĩa Hành cũng đang bị người dân tàn phá, chuyển qua trồng cây keo. "Hiện nay, chính quyền địa phương chỉ dừng lại ở mức lập biên bản các chủ rừng phá rừng, chứ không có chế tài xử lý khác. Bởi dự án đã kết thúc nhưng sổ đỏ còn trong tay người dân" - một cán bộ UBND huyện Nghĩa Hành cho hay.

Theo một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, với tổng diện tích hàng ngàn hecta rừng trồng, triển khai trên phạm vi rộng lớn nhưng từ khi dự án KFW6 bắt đầu cho đến khi kết thúc, lực lượng kiểm lâm của địa phương hầu như không được tham gia nên rất khó quản lý. Hiện chính quyền và ngành kiểm lâm tuy biết tình trạng phá rừng này nhưng cũng chỉ lập biên bản vụ việc chứ không làm gì khác được.

"Nguyên nhân của tình trạng phá rừng dự án là người dân được cấp sổ đỏ rừng sản xuất. Khi dự án kết thúc, người dân không còn được nhận tiền hỗ trợ để chăm sóc, cây dự án không phát triển tốt nên phá rừng để tìm đến nguồn kinh tế khác khá hơn" - ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật