Người viết tạm so sánh các giải vô địch bóng đá trên thế giới theo từng cấp học vấn như sau: V-League là mẫu giáo; Thai-League (cấp 1); Nhật Bản, Hàn Quốc (cấp 2); châu Âu (cấp 3); 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu Tây Ban Nha, Anh, Đức, Ý, Pháp (Đại học); khoác áo các Câu lạc bộ lớn như Real Madrid, Barcelona, Manchester United, Manchester City, Bayern Munich... (Thạc sĩ); ngôi sao của những CLB lớn (Tiến sĩ)...
Sẽ có quan điểm rằng việc so sánh như thế này là khập khiễng, nhưng điều đó sẽ giúp chúng ta dễ hình dung hơn.
Cầu thủ Việt Nam nên học Thái Lan
Cho đến nay, chưa có cầu thủ Việt Nam nào, dù đã là ngôi sao của V-League thành công khi ra nước ngoài thi đấu và chỉ duy nhất trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm. Đặng Văn Lâm đã khẳng định mình ở Thai-League sau hai mùa bóng trong màu áo Muanthong United (2019-2021) và bước lên nấc thang mới trong sự nghiệp khi khoác áo CLB Cerezo Osaka ở J-League. Tuy nhiên, chỉ sau một mùa (2021-2022), Lâm không đủ sức tranh suất vị trí chính thức và quay trở lại Việt Nam. Ngay lập tức, Lâm rực sáng ở V-League khi đá cho Topenland Bình Định.
Ngược lại, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn (HAGL) cho đến Văn Hậu (Hà Nội FC) và mới đây nhất là Quang Hải (Hà Nội FC), chưa một ai thành công như mong đợi. Tại sao?
Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường khi qua Nhật, Hàn Quốc thi đấu lần đầu vào năm 2016 vừa mới chỉ là tài năng trẻ lại chưa phải là ngôi sao ở V-League, nên ngồi suốt trên băng ghế dự bị để rồi phải quay về nước. Sau đó, Xuân Trường tuy thành danh ở V-League, nhưng vẫn chưa đủ khả năng chinh phục Thai-League và phải trở về HAGL sau 4 tháng thi đấu cho Burinam United.
Tương tự, Công Phượng sau lần xuất ngoại đầu tiên ở tuổi 20 và không như mong đợi khi khoác áo Mito Holly Hock, CLB thi đấu ở J2-League, Phượng đã quay về Việt Nam và nổi bật ở mùa 2018 với 12 bàn thắng và là chân sút số 1 của HAGL, đồng thời được vào danh sách đội hình tiêu biểu của V-League 2018. Sau đó, Phượng thi đấu cho Incheon United (K-League 2019) rồi chuyển qua Sint-Truiden STVV (giải vô địch Bỉ 2019).
Mùa 2019 cũng là mùa bóng không thành công của Phượng, rồi Phượng quay về thi đấu cho CLB TP.HCM và HAGL, tất nhiên Phượng lại tỏa sáng ở V-League. Mùa 2023 này, Phượng thật sự trưởng thành về mọi mặt, nhưng cho đến nay, anh cũng chỉ được thi đấu được... 6 giây, tính từ ngày 25.12.2022, CLB Yokohama (J1-League) thông báo có được chữ ký của Công Phượng.
Với Văn Toàn, không ít người hy vọng anh sẽ thành công khi mùa 2023 này anh qua thi đấu cho Seoul E-Land ở K2-League, nhưng cầu thủ này đã sớm bị chấn thương phải nghỉ thi đấu khi chưa kịp để lại dấu ấn nào.
Trong khi đó, ở tuổi 18, Đoàn Văn Hậu tỏa sáng ở vòng chung kết U.20 World Cup 2017, rồi chiếm vị trí chính thức ở Hà Nội FC - đội bóng số 1 Việt Nam. Anh đã thi đấu cho SC Heerenveen tại giải vô địch hàng đầu Hà Lan. Tuổi 19, Hậu thành công sớm nhưng chưa đủ tài năng thi đấu ở giải vô địch quốc gia Hà Lan khi chỉ được ra sân 4 phút trong cả mùa bóng 2019 – 2020.
Và, Nguyễn Quang Hải, ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam trong mọi cấp độ đội tuyển từ U đến quốc gia cũng như là cầu thủ không thể thiếu của Hà Nội FC, vậy mà Hải cũng chưa thể cạnh tranh có được một suất chính thức ở Pau FC. Thậm chí, trong nhiều trận, Hải không được đội bóng đang thi đấu ở giải hạng 2 của Pháp đăng ký thi đấu.
Trong khi đó, các ngôi sao bóng đá Thái Lan sau khi khẳng định được mình ở Thai-Leauge đã đến J-League thử sức và họ đã thành công với những tên tuổi như Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin. Mới đây, ngôi sao 20 tuổi Suphanat Mueanta đã ký hợp đồng với Leicester City, CLB đang thi đấu ở Premier League. Thần đồng bóng đá Thái Lan Suphanat đã đá cho Burinam United khi 15 tuổi và sau 93 trận, anh đã ghi 24 bàn cho Burinam United. Anh cũng ghi được nhiều bàn thắng qua mọi cấp đội tuyển Thái Lan như sau: đội U.16 (19 bàn sau 16 trận); U.19 (13 bàn sau 9 trận); đội U.23 (11 bàn sau 11 trận) và đội tuyển Thái Lan (4 bàn sau 12 trận).
Điểm lại các ngôi sao BĐVN đến Thái Lan, chúng ta thấy rằng, khi đã khẳng định ở "mẫu giáo" V-League mà chưa “tốt nghiệp” cấp 1 Thai-League thì dù có thi đấu ở K2-League hay J2-League chỉ như là “dự bị” cấp 2, chứ đừng nói là dự bị cấp 3 ở môi trường châu Âu, không một cầu thủ nào của Việt Nam thành đạt được. Bởi một cầu thủ vừa học xong "mẫu giáo" làm sao đủ năng lực để học vượt cấp!
Nhìn lại các cầu thủ Thái Lan, họ không vội vã. Họ tốt nghiệp cấp 1 Thai-League, thì mới lên "cấp 2" J-Leauge. Riêng Suphanat được vượt cấp vì anh được xem là “thần đồng” và được sự trợ giúp rất quan trọng đó từ chủ Leicester City là người Thái Lan. Cầu thủ này không thi đấu ngay cho Leicester City mà anh sẽ được cho Oud-Heverlee Leuven mượn thi đấu ở giải vô địch Bỉ để tích lũy kinh nghiệm và sau đó, thần đồng Suphanat chỉ quay lại thi đấu cho Leicester City khi đủ tài năng.
Thần đồng bóng đá Thái Lan Suphanat - Ảnh: Internet
Chưa tốt nghiệp nhưng hay xin phép nghỉ học
BĐVN do bệnh thành tích nên VFF hay can thiệp và liên hệ với các câu lạc bộ nước ngoài hoặc VFF tác động đến những đội bóng chủ quản của các cầu thủ Việt Nam để những cầu thủ này trở về khoác áo đội tuyển thi đấu SEA Games hoặc AFF Cup, dù hai giải này không thuộc hệ thống thi đấu FIFA.
Như Đoàn Văn Hậu phải trở về Việt Nam thi đấu SEA Games 2019 dù đang đá cho SC Heerenveen (Hà Lan) hay gần nhất là Quang Hải đá AFF Cup 2022 dù đang đá cho Pau FC (Pháp).
Một cầu thủ, chúng ta tạm gọi là học sinh trung bình, thậm chí là dưới trung bình mà thường xuyên được phụ huynh xin phép nghỉ học, thì kết quả như thế nào? Có lẽ chúng ta không khó có lời giải đáp!
Ngược lại, thần đồng Suphanat tài năng như thế mà LĐBĐ Thái Lan không triệu tập vào đội U.22 đá SEA Games 2023, thay vào đó Suphanat vẫn tiếp tục thi đấu ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao. Kết quả ra sao, chắc hẳn, chúng ta cũng không khó để tìm ra lời giải đáp.
Dân có giàu, nước mới mạnh. Cầu thủ có giàu ý chí, giàu nghị lực, giàu chuyên môn thì đội tuyển quốc gia mới mạnh.
BĐVN nên học Thái Lan về định hướng cầu thủ xuất ngoại. Nói đơn giản hơn là khi chưa tốt nghiệp "cấp 1" Thai-League, thì những tài năng "mẫu giáo" V-League đừng vội vã học vượt cấp để rồi trượt dài và làm hỏng cả sự nghiệp bóng đá của bản thân.