Cổ phiếu của các công ty vận hành các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Âu đang được hưởng lợi từ sự bất ổn gia tăng xung quanh những rắc rối của ngân hàng Credit Suisse, khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng từ lĩnh vực ngân hàng sang nhóm cổ phiếu này do tính chất phòng thủ và định giá còn khiêm tốn.
Các giao dịch chứng khoán trên toàn hệ thống Euronext, công ty vận hành các sàn giao dịch chứng khoán tại bảy trung tâm lớn của châu Âu, từ Paris đến Amsterdam và Milan, đã đạt giá trị cao thứ ba trong lịch sử công ty này vào ngày 17/3. Khối lượng giao dịch trung bình theo ngày của Euronext trong tháng Ba đã chạm mức cao nhất trong một năm qua.
Sàn giao dịch SIX của Thụy Sỹ, vốn nằm trong “tâm bão” xung quanh thương vụ giải cứu Credit Suisse, đã chứng kiến doanh thu tăng 44,6% trong tháng Ba so với tháng trước đó. Mức tăng này của sàn Deutsche Boerse (Đức) là 23,7%.
Giá trị giao dịch trung bình theo ngày trên sàn London Stock Exchange trong tháng Ba đã tăng 12,9% so với tháng Hai.
Ông Micheal Werner, chuyên gia phân tích cấp cao của ngân hàng UBS ở London, cho biết: “Giới đầu tư thường xem các sàn giao dịch là hình thức phòng thủ. Trong môi trường mang tính chất suy thoái, chúng tôi thường thấy dòng tiền được phân bổ ngày càng nhiều cho các sàn giao dịch”.
Cổ phiếu của sàn Deutsche Boerse đã tăng hơn 10% kể từ khi bất ổn ngân hàng bắt đầu vào tháng Ba với sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Mới đây, cổ phiếu của Deutsche Boerse đã chạm mức cao nhất từ trước đến nay trong phiên 13/4. Cổ phiếu của LSEG và Euronext cũng lần lượt tăng gần 8% và 4%, trong khi sàn Flow Traders ở Amsterdam (Hà Lan) tăng hơn 13%.
Trong khi đó, cũng trong thời gian này, nhóm cổ phiếu các ngân hàng châu Âu lại giảm khoảng 12%.
Về dài hạn, nhiều nhà đầu tư cho rằng các sàn giao dịch sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu dữ liệu. Và định giá cổ phiếu của các công ty này vẫn còn gần các mức thấp nhất trong nhiều năm qua, có nghĩa là khả năng giảm giá của nhóm này là rất thấp./