Sử dụng đất đai ở TP HCM: Cần bước đột phá

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhìn nhận lại những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai tại TP HCM để từ đó kiến nghị cơ chế đột phá, giúp thành phố phát triển bền vững là điều cần thiết hiện nay
Sử dụng đất đai ở TP HCM: Cần bước đột phá
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia

Ngày 7-4, UBND TP HCM và ĐHQG thành phố đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP HCM".

Hoàn thiện quy định Pháp Luật

Tại hội thảo, TS Phạm Văn Võ, Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết Luật Đất đai cứ 10 năm sửa đổi một lần (1993, 2003, 2013) và hiện cũng đang được sửa đổi. Những lần sửa đổi trước không mang tính hệ thống và ông hy vọng lần này sẽ hướng tới giải quyết tận gốc những tồn tại lâu nay, như thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, phân loại đất.

"Thông tư năm 2014 quy định tới 38 loại đất. Việc này gây khó khăn cho người dân khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất" - TS Phạm Văn Võ dẫn chứng và so sánh với Nhật Bản - chỉ phân thành vài loại đất.

Về chuyển dịch đất đai, TS Phạm Văn Võ cho rằng cần cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư trong trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất với người đang sử dụng đất không có thiện chí. Cụ thể, cần quy định trong trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng 90% diện tích đất thuộc phạm vi dự án, nếu 20% còn lại không thỏa thuận được thì nhà nước sẽ hỗ trợ thu hồi. Giải pháp này trên thực tế đã được nhiều chuyên gia kiến nghị và ông cho rằng rất cần thiết.

TS Dư Phước Tân, viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, dẫn nhiều ý kiến đề xuất thu hồi đất mở rộng 2 bên ranh dự án hạ tầng do nhà nước đầu tư để điều tiết thêm giá trị gia tăng từ đất nhằm tạo sự công bằng. Tuy nhiên, theo TS Dư Phước Tân, những quy định của luật, nghị định, thông tư vẫn chưa tạo được hành lang pháp lý chính thức để triển khai ý tưởng này.

Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần thực hiện nhất quán theo nguyên tắc chung, nhất là cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 bên nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đây là nguyên tắc cần quán triệt sao cho thống nhất và xuyên suốt. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, trong đó bổ sung một số yếu tố tác động làm tăng giá đất từ các công trình hạ tầng do nhà nước đầu tư.

Thí điểm trước khi mở rộng

Thạc sĩ Trương Trọng Hiểu, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM, nhận xét TP HCM có 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và đã tổng kết với những kết quả đạt được nhất định.

Tuy nhiên, cơ chế đặc thù hiện nay vẫn còn một số rào cản và nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng có tính đột phá hơn, trong đó có nhiều nội dung liên quan lĩnh vực đất đai. Đơn cử, TP HCM muốn được giao quyền trong việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư ra thành dự án độc lập trong quá trình triển khai dự án đầu tư công (dự án nhóm B). Theo ông Trương Trọng Hiểu, việc này giúp TP HCM chủ động hơn trong bố trí ngân sách trong khi chờ đợi thủ tục các khâu khác của dự án đầu tư. Tuy vậy, để làm được, đầu tiên là phải điều chỉnh Luật Đầu tư công và một số nội dung trong dự thảo các luật khác đang lấy ý kiến.

Ông Hiểu cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trao quyền ban hành giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện. Bởi lẽ, luật hiện hành là thẩm quyền thuộc UBND cấp tỉnh và thực tế có nhiều vấn đề bàn cãi.

"Nên cân nhắc và duy trì thẩm quyền ban hành giá đất cụ thể cho UBND cấp tỉnh. Tại TP HCM, nếu được thì chọn địa phương áp dụng cơ chế đặc thù là TP Thủ Đức được quyền ban hành giá đất cụ thể trong một số trường hợp trên cơ sở thí điểm. Trong dài hạn, áp dụng rộng rãi khi hoạt động của thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước chính quy, chuyên nghiệp hơn và hoạt động quản lý nhà nước ở các địa phương hiệu quả, trôi chảy hơn" - thạc sĩ Trương Trọng Hiểu đề xuất. 

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật