Niềm vui của vợ chồng mù là nghe tả về gương mặt con
Gần chiều, anh Nguyễn Trí Nghĩa, 42 tuổi, trở về căn trọ 15m2 trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TPHCM sau một ngày đi bán hàng rong. Tài xế xe ôm vừa dừng lại, anh Nghĩa xuống trước, rồi khệ nệ nhấc kệ hàng treo chật kín các món đồ từ móc khóa đến bàn chải... Mồ hôi ướt đẫm tấm áo mỏng, anh dò đường đi vào nhà.
Vừa lúc đó, 2 con của anh Nghĩa cũng đi học về, khoanh tay chào ba mẹ. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tố Quyên, 36 tuổi, vừa nấu cơm xong, quay sang kiểm tra xấp vé số 100 tờ, chuẩn bị đi bán dạo buổi tối.
Anh Nghĩa mới chuyển từ bán vé số sang bán hàng rong từ năm ngoái
Vợ chồng anh Nghĩa cùng mất thị lực từ nhỏ sau, một trận sốt. Anh là người Sài Gòn, được đi học trường khiếm thị tới lớp 12. Chị Quyên quê ở Đồng Tháp, từ bé không được đến trường. Hơn chục năm trước, họ gặp nhau và nên duyên vợ chồng khi cùng làm việc tại một cơ sở massage người mù ở Bình Dương. Sau đó, cả hai quyết định lên Sài Gòn thuê trọ, cùng bán vé số mưu sinh.
Anh Nghĩa tâm sự, khi vợ chồng đến với nhau, có nhiều người ngăn cản. Tuy nhiên, cả hai có niềm tin bản thân không phải mù bẩm sinh, nên chắc không "di truyền sang con".
Và... anh chị đã đúng. Hai con lần lượt chào đời, khỏe mạnh.
Khi sinh con trai lớn, chị Quyên đón mẹ ở quê lên để chăm nom giúp nửa năm. Bé thứ 2 chào đời, mẹ chị Quyên già yếu, không thể lên hỗ trợ, vợ chồng bấm bụng thuê người chăm 1 tháng. Từ đó về sau, đôi vợ chồng mù tự lập, lo cho 2 con nhỏ.
"Người mù chúng tôi quen với việc sống trong bóng tối từ nhỏ nên không mấy khó khăn. Chăm con cực nhất là lúc cho ăn, vì không thấy con ăn hết hay không, có khi ói hoặc nhả thức ăn ra ngoài... để xử lý ngay", chị Quyên nói.
Con gái Ngọc Như (10 tuổi) phụ cha soạn hàng sau giờ học (Ảnh: Xuân Thu).
Niềm vui của đôi vợ chồng mù là được nghe những người xung quanh miêu tả khuôn mặt 2 con. Mỗi lần có người khen cái mũi giống ba, cái miệng giống mẹ, cả hai cười, tràn hạnh phúc.
Lao động chân chính để làm gương cho con
Ngày trước, anh Nghĩa muốn thi đại học sư phạm nhưng vì nhà nghèo nên giấc mơ không thành. Vợ anh từ nhỏ không được đi học nên cả hai thống nhất dù vất vả đến đâu cũng phải nuôi con ăn đến nơi đến chốn.
Hơn 5 năm trước, chọn căn trọ nhỏ trên đường Bùi Đình Túy này để an cư, xin cho 2 con học trong một trường công lập cách nhà hơn 1km. Từ ngày 2 anh em có thể tự dắt nhau đi học, vợ chồng anh cũng an tâm đi làm hơn.
Mỗi ngày, vợ chồng anh lãnh hơn 200 tờ vé số, chia nhau đi bán. Vì khiếm thị, nên họ thường bị lừa lấy vé số, có hôm hụt cả vốn, phải xin đại lý cho trả góp từng ngày.
Năm ngoái, anh Nghĩa quyết định đóng kệ hàng có bánh xe, nhập đủ loại đồ dùng lặt vặt trong gia đình đi bán. Dù tự nhận không có giọng hát hay, nhưng ông bố 2 con vẫn "mạnh tay" sắm thêm chiếc loa kẹo kéo, vừa đẩy hàng bán vừa hát để thu hút khách mua.
Thu nhập của hai vợ chồng ổn định hơn thời đi làm massage nhưng lại vất vả hơn vì phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày. Chưa kể những điểm xa, anh phải đi xe ôm. Vào mùa mưa, sợ ướt hàng, người đàn ông thường ưu tiên dùng áo mưa che hàng hóa, còn mình thì chịu ướt sũng về nhà.
Đổi lại những cực nhọc của cha mẹ, hai con của anh chị đều đang là học sinh giỏi ở trường. Vì để tiết kiệm chi phí nên năm nay anh chị không cho con học bán trú mà về nhà ăn cơm buổi trưa. Thế nên, ban ngày, chị Quyên phải ở nhà lo cơm nước, đêm mới đi bán vé số.
Gia đình anh Nghĩa quây quần vào buổi chiều (Ảnh: Xuân Thu).
Anh Nghĩa thừa nhận, dù luôn cố gắng tự lập vươn lên trong cuộc sống nhưng để có thể thuê trọ, nuôi 2 con ăn học cũng là nhờ nhận được sự hỗ trợ từ khách hàng, cộng đồng.
"Mỗi món đồ tui bán chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Vậy mà có lần, 1 vị khách mua tổng cộng hết 350.000 đồng. Tui biết đôi khi khách không có nhu cầu nhưng vẫn mua để ủng hộ. Nhờ thế mà tui mới kiếm được hơn trăm nghìn mỗi ngày", anh Nghĩa trải lòng.
Tuy không thể kèm con học như những ông bố bà mẹ bình thường khác nhưng anh Nghĩa và chị Quyên luôn giải đáp mọi thắc mắc của con trong khả năng. Đặc biệt, dù rất mong muốn các con thay mình thực hiện ước mơ chinh phục con chữ, vào đại học, nhưng họ chưa bao giờ áp đặt, ép con học nhiều.
Vợ chồng anh chia sẻ, dù vất vả thế nào cũng phải cố gắng lao động để làm gương cho con. Họ chưa bao giờ nghĩ đến việc ra đường ăn xin vì con nhìn vậy sẽ ỉ lại, không còn động lực học hành, trân quý lao động.
"Chúng tôi cũng chưa từng dẫn con đi theo bán hàng để mong mọi người rủ lòng thương. Mình chúng tôi chịu cực là đủ rồi", anh Nghĩa bộc bạch.