Thực tế, ngay trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa đã được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cần được đầu tư phát triển về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Chiến lược cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, ngành Du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Sự kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa không phải không có cơ sở bởi Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú và du lịch tìm hiểu văn hóa bản xứ đang được xác định là xu hướng được yêu thích của nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, trên 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia.
Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 14 di sản được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Thời gian qua, nhiều địa phương đã khai thác di sản văn hóa, những sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu, thu hút du khách như Hà Nội, Ninh Bình, Huế… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa còn hạn chế.
Trao đổi về phát triển du lịch văn hóa, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Phát triển văn hóa du lịch vô cùng cần thiết, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Nếu như tất cả các doanh nghiệp du lịch chỉ chú trọng về kinh tế mà quên đi văn hóa thì chắc chắn sẽ phải trả giá về môi trường, về văn hóa, về tương lai của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác các di sản văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch hiện nay vẫn đang còn rất khiêm tốn và cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Ông Thủy cho rằng phải sử dụng các nền tảng, tài nguyên của văn hóa để trở thành tài nguyên phát triển du lịch, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa. Việt Nam có hơn 7.900 lễ hội gắn với hàng ngàn di sản văn hóa trên cả nước. Song song với phát triển du lịch gắn với di tích, du lịch văn hóa vật thể, chúng ta có thể phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa phi vật thể…
Đồng quan điểm nói trên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sản phẩm du lịch từ văn hóa sẽ hấp dẫn khách du lịch, qua đó sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước ra thế giới. Nhưng trong một thời gian rất dài, chúng ta tập trung phát triển kinh tế, lo cho đời sống nhân dân mà ít chú trọng đến phát triển văn hóa. Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước tập trung rất quyết liệt cho phát triển văn hóa. Đây là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa.
Theo ông Bình, văn hóa luôn là bộ phận quan trọng của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Tuy vậy, du lịch văn hóa mới chỉ được phát triển gần đây. Dấu hiệu đầu tiên xác định việc phát triển du lịch văn hóa trên thế giới là năm 1985, Liên minh châu Âu lần đầu tiên lựa chọn TP Athens (Hy Lạp) là "Thủ đô văn hóa của châu Âu". Có thể coi sự kiện này đánh dấu bước đầu cho sự ra đời của loại hình du lịch văn hóa trên thế giới.
Tại Việt Nam, du lịch văn hóa chưa tách thành nhóm riêng nhưng soi chiếu vào hoạt động hằng ngày của ngành Du lịch thì có thể thấy, trong số những sản phẩm của các doanh nghiệp đang thực hiện đã có nhiều những sản phẩm tương tự như du lịch văn hóa, chẳng hạn như việc đưa khách tham quan, khảo sát các kiến trúc tôn giáo, đi những lễ hội văn hóa, hoặc khai thác các giá trị ẩm thực…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta đã có những hoạt động liên quan đến du lịch văn hóa mặc dù hiểu biết của chúng ta về du lịch văn hóa chưa nhiều. Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế nên phát triển du lịch văn hóa không thể nói phát triển một cách chung chung. Muốn phát triển du lịch văn hóa thì phải làm rõ được sản phẩm du lịch văn hóa là gì để từ đó có chiến lược xúc tiến rõ ràng. Việc xúc tiến du lịch văn hóa chắc chắn phải khác xúc tiến các sản phẩm du lịch khác. Người làm du lịch văn hóa cần phải những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này. Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hành động quyết liệt, thiết thực, xác định có sự chuyển đổi trong các hoạt động thường xuyên.
Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ tích cực góp phần phát triển du lịch văn hóa, trước hết là gắn du lịch văn hóa với chủ đề của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2023 – VITM Hà Nội 2023. Hội chợ diễn ra từ ngày 13 – 16/4 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ hội chợ sẽ có diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”…