Sắc đỏ ngập phố
Những ngày này, khi đi trên các con phố ở Hà Nội sẽ không khó để bắt gặp những cửa hàng, xe bán rong bày đầy ắp dâu tây chín mọng rất ngon và bắt mắt. Dọc những tuyến đường như Láng, Tố Hữu, Nguyễn Xiển… chỉ cách nhau có vài chục mét là lại thấy một chiếc xe thồ bày bán đủ loại trái cây, nhưng phổ biến nhất là dâu tây. Từng hộp dâu được xếp ngay ngắn thành hàng, thành lớp, chỉ độ 30 - 50 nghìn là đã mua được 500g rồi, đây là mức giá mà mọi năm không thể mua được.
Trước đây, dâu tây chủ yếu được trồng ở Đà Lạt nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường mà chủ yếu phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, cộng với sự năng động trong việc chuyên canh cây trồng, vài năm gần đây dâu tây đã dần “bình dân” hơn khi có một cuộc dịch chuyển ra miền Bắc. Những địa danh như Mộc Châu (Sơn La), Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lai Châu… đang ngày càng có nhiều hơn những khu vườn chuyên canh dâu tây. Dễ trồng và dễ chăm sóc, đặc biệt là nhân giống cũng đơn giản, việc trồng và phát triển giống cây này cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Số lượng vùng trồng tăng, sản lượng cao nên người dân thời gian qua được ăn thứ “hàng ngoại” được “nội địa hóa” với mức giá khá dễ chịu. Thậm chí, mức giá sẽ giảm dần ở những quả có kích cỡ nhỏ. Được ưa chuộng nhất có lẽ là giống dâu Hana Mộc Châu, hay còn gọi là “dâu tây nữ hoàng” - loại quả to cỡ 15 - 18 quả/kg, rất ngọt và thơm.
Một thứ quả vốn giá khá đắt mà nay lại được bày bán với giá “rẻ bất ngờ”, khi đem thắc mắc hỏi người bán thì phần đa đều trả lời, đó là dâu Đà Lạt (hoặc Sơn La). Tuy nhiên, khi hỏi kỹ hơn rằng có nhập trực tiếp từ nhà vườn không, thì câu trả lời chung không quá bất ngờ: “Chúng tôi nhập từ chợ đầu mối Long Biên. Chủ hàng nói là dâu Đà Lạt thì chúng tôi cũng chỉ biết vậy”. Rõ ràng trên thị trường đang hình thành 2 mức giá dâu tây khá chênh lệch. Đó là tại những nơi nhập từ nhà vườn thì có giá khá cao, nhưng trên các xe hàng rong lại rẻ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 khiến người tiêu dùng rất băn khoăn về chất lượng và nguồn gốc.
Có một gợi ý từ phía các nhà vườn giúp người mua lựa chọn dâu tây ngon, phân biệt dâu tây Sơn La, Đà Lạt… với những loại nhập không rõ chất lượng. Thường dâu tây Sơn La, Đà Lạt có giá thành không rẻ và khá ổn định, quả to, phần cuống thuôn đều về phần chóp, màu sắc đỏ tươi, ăn thơm, giòn. Dâu tây không rõ nguồn gốc thường hay sử dụng thuốc bảo quản nên dù được bày bán ngoài trời cả ngày nhưng hình thức vẫn khá tươi, đẹp mắt. Loại này có màu đỏ sậm, quả đều hơn, nhưng khi ăn lại mềm chứ không giòn, giá thành vì thế cũng chỉ bằng một nửa giá dâu tây nội địa. Ngoài việc lựa chọn những nơi bán hàng uy tín, chất lượng thì cũng cần những người mua hàng thông minh để đảm bảo chọn được những sản phẩm ngon, an toàn sức khỏe bản thân và gia đình.
Tạo xu hướng với nhiều món ngon
Chúng ta vẫn thường thấy những chiếc bánh kem phủ dâu tây cắt lát đỏ au, những ly kem tươi, sữa chua, mứt, kẹo được làm từ những quả dâu chín mọng khá phổ biến, thế nhưng với tinh thần sáng tạo của chị em nội trợ thì mùa dâu đến là họ tha hồ sáng tạo những cách ăn, cách làm mà đôi khi một vài món bỗng trở thành xu hướng (trend). Một trong những món đang được nhiều người ưa thích và truyền tai nhau cách làm là bánh dâu tây Đại Phúc (hay còn gọi cách khác là bánh Daifuku) có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đây là một loại bánh Mochi mềm, ngọt, bắt mắt, người ta vẫn làm tặng nhau lấy may thay cho lời chúc gặp những niềm vui lớn.
Cách làm bánh Daifuku cũng khá đơn giản. Quả dâu tây sẽ được bọc một lớp đậu xanh (hoặc đậu trắng, đậu đỏ) đã được sên nhuyễn với đường bên ngoài. Lớp đậu này có thể kết hợp với cacao, socola hay một số thực phẩm màu tự nhiên nào đó. Tiếp đến, lớp vỏ ngoài cùng sẽ là lớp bánh Mochi từ bột nếp dẻo, tùy màu sắc và sự sáng tạo của người làm mà sẽ có nhiều lớp vỏ khác nhau. Tuy nhiên, về hình dáng thì vẫn giữ hình của quả dâu tây. Khi ăn người ta sẽ bổ dọc bánh để thấy từng lớp màu sắc chồng lên nhau khá hấp dẫn. Cái mềm dẻo của lớp vỏ Mochi, vị thơm, bùi, béo của lớp đậu kết hợp với vị thanh, giòn, tươi của quả dâu tây ăn khá ngon và độc đáo. Vừa ăn như bánh mà vẫn giữ được vị trái cây tươi khiến nhiều chị em mê mẩn tranh thủ học làm theo.
Món salad dâu tây cũng có rất nhiều biến thể ngon, hấp dẫn, mỗi người sẽ tùy khả năng của mình mà có sự sáng tạo riêng. Đương nhiên nó cũng rất hợp trong việc kết hợp bữa ăn gia đình chứ không chỉ đơn thuần là một thứ quả tráng miệng. Có người sẽ trộn dâu tây với một chút rau mầm, chút hành tây, cà rốt bào sợi, chút rau thơm rồi rưới lên đó là nước xốt dầu dấm thì cũng rất dễ ăn. Có người lại trộn dâu tây với dưa leo, cà chua bi, rồi thêm sữa chua, hoặc cũng có thể trộn dâu tây với bắp cải tím bào mỏng, rau xà lách, rau thơm, thêm chút xốt mayonnaise… Những món salat từ dâu tây khá đơn giản, dễ làm, nhanh gọn, dễ ăn và lại ngon nữa.
Thời tiết đang nóng dần, món trà sữa dâu tây cũng lại là một gợi ý hợp lý và cách pha thì rất nhiều người đã biết. Chỉ là cần một chút bí quyết nho nhỏ khi kết hợp với dâu tây nữa thôi, đó là lấy siro dâu tây rồi thêm chút đường đem nấu với những lát dâu tây tươi để tạo thành một thứ siro ngọt, thơm. Chỉ cần nấu siro với đường, thả những lát dâu tây tươi vào vài phút rồi tắt bếp, để nguội, sau đó bỏ lớp siro dâu tây vào cốc đá, rót trà sữa pha sẵn lên trên, thêm cọng rau bạc hà là có ngay cốc trà sữa dâu tây thơm mát.
Rồi đến dâu tây bọc đường hay socola, phủ lên đó một lớp vụn cùi dừa hay đậu phộng rang thì cũng rất ngon và đẹp mắt, đem làm quà tặng cũng không kém phần xinh - độc - lạ. Đến “trend” làm kẹo Nougat suốt từ 2 năm trước tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã có nhiều phiên bản khác nhau thì phiên bản với những trái dâu tây sấy khô thì cũng vô cùng hấp dẫn. Mùa dâu tây, mùa trái ngon “sang chảnh” mà chưa bao giờ người mua lại cảm thấy được “hời” đến vậy. Trái ngon kết hợp với những gu ẩm thực độc đáo thì sẽ còn rất nhiều món từ thứ quả này mà chúng tôi muốn được gợi ý đến với bạn đọc.