Không thể đơn phương giải quyết?
Trả lời câu hỏi của phóng viên An ninh Thủ đô về việc, suốt từ 2015 đến nay vẫn chưa thể giải quyết ổn thỏa những vấn đề "hậu cổ phần hóa" của Hãng phim Truyện Việt Nam. Thực chất vướng mắc là gì? Bà Phan Linh Chi, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) cho biết, tại thời điểm năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có kết luận, đề nghị Bộ VHTTDL thu hồi lại số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Nghiêm túc thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ VHTTDL đã triển khai một loạt nội dung bao gồm gặp gỡ lẫn văn bản trao đi đổi lại với nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là từ phía các nhà đầu tư chiến lược- Tổng công ty vận tải thuỷ VIVASO.
Bà Phan Linh Chi, Vụ Phó Vụ Kế hoạch Tài chính trả lời những câu hỏi của phóng viên về quá trình giải quyết những bất cập "hậu cổ phần hóa" Hãng phim truyện Việt Nam
“Đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho chúng tôi, tại sao chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực như mong muốn. Cho đến thời điểm này, đứng đây, trả lời câu hỏi của các nhà báo, thì Tổng công ty Vận tải thủy VIVASO vẫn chưa đưa ra được một văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể số tiền nhận lại trong quá trình hoàn trả cổ phần cho nhà nước mà nhà đầu tư chiến lược đã mua tại hãng phim truyện Việt Nam”- Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính nhấn mạnh.
Bà Phan Linh Chi, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) cho biết thêm, mặc dù nhà đầu tư không hợp tác một cách tích cực, bản thân Bộ VHTTDL đã có một văn bản dự thảo quyết định gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kiến nghị và phương thức xử lý.
Tại văn bản trả lời năm 2021, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã cho biết, cơ sở pháp lý để ban hành quyết định thu hồi nhận lại cổ phần và hoàn trả lại tiền cho Tổng công ty Vận tải thủy nếu không có sự thống nhất thỏa thuận giữa hai bên thì không phù hợp. Tức là, Bộ VHTTDL không thể đơn phương thực hiện được. Vì thế, cho đến nay, vẫn chưa thể xong được vấn đề "thoái vốn" này.
Hoang tàn kho phim, ảnh do đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chụp và đưa lên trang mạng xã hội cá nhân tháng 12/2022
Ngoài ra còn có khó khăn khác là nguồn tiền chi trả. Nếu như nhà đầu tư đưa ra được con số chính xác, cụ thể và hợp lý hợp lệ theo quy định, trước thời điểm 31/12/2021, thì số tiền chi trả sẽ được Bộ VHTTDL lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Tuy nhiên ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 148 “Về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp”. Tức là thời điểm này, Bộ phải thực hiện theo Nghị định 148.
Tiếp nữa, nếu như Bộ VHTTDL có được con số cụ thể thì sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư để xin hướng dẫn thực hiện, báo cáo Quốc hội đưa vào dự toán hàng năm của Bộ VHTTDL.
"Chúng tôi đã có sẵn lộ trình để đảm bảo thực hiện đúng theo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình (thời điểm 2019-2021). Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn tiếp tục nằm ở Nhà đầu tư chiến lược, đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra được con số cụ thể"- Bà Phan Linh Chi tiếp tục nhấn mạnh thêm một lần nữa.
Phim hỏng trong kho chỉ là bản copy?
Trong cuộc họp báo sáng nay, rất nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan đến mọi vấn đề của Hãng phim Truyện Việt Nam từ việc cán bộ và nhân viên hãng phim hiện không được đóng bảo hiểm. Đời sống hiện nay được đảm bảo thế nào? Lãnh đạo Bộ VHTTDL và đơn vị nắm cổ phần chi phối hãng phim hiện tại có làm việc với nhau để bảo đảm quyền lợi y tế của các nhân viên trong trường hợp nhân viên cần điều trị y tế hay không? Tất cả những câu hỏi đặt ra đều được bỏ ngỏ, hoặc là trả lời chưa thỏa đáng.
Tháng 12/2022, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ về những hình ảnh kho phim của Hãng phim Truyện Việt Nam xuống cấp và hoang tàn
Hãng phim Truyện Việt Nam đã từng có một quá khứ vàng son với biết bao nhiêu bộ phim sản xuất từ thời kỳ cách mạng còn non trẻ, những bộ phim được xem là kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, hiện giờ, các tác phẩm đó có được xem là tài sản của Hãng phim hay không, được định giá thế nào và đơn vị nào nắm giữ bản quyền?
Bà Phan Linh Chi tiếp tục giải thích, theo quy định của Pháp Luật, Nhà nước sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp nhà nước đầu tư kinh phí để đặt hàng hoặc đấu thầu: “Chúng ta sẽ bám sát quy định này để xem xét hồ sơ cụ thể trong quá trình cổ phần hoá đã có hay chưa việc chuyển giao tài sản Nhà nước sang tư nhân. Và cũng bám sát theo nguyên tắc này thì khi các cá nhân, tổ chức muốn khai thác sử dụng tác phẩm sẽ phải xin chủ sở hữu quyền tác giả. Và Nghị định cũng đã quy định cụ thể đối với cơ quan nhà nước sẽ được thay mặt đứng ra làm đại diện chủ sở hữu trong trường hợp này”.
Tháng 12/2022, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có chia sẻ về những hình ảnh kho phim của Hãng phim Truyện Việt Nam xuống cấp và hoang tàn. Đồng thời, ông cũng đưa ra con số “300 bản phim nhựa đã bị hỏng không thể phục hồi”. Tại cuộc họp báo sáng nay, phóng viên đặt câu hỏi, các bộ phim có được coi là di sản không, đã có phương án nào để xử lý việc này chưa?
Đại diện Bộ VHTTDL trả lời: Tất cả các bản phim trong kho của hãng hiện nay đều là các bản copy. Trong 291 bản phim đang lưu trữ tại hãng phim hiện nay thì có 278 phim bản gốc đang được lưu trữ tại viện phim, đo đó chúng ta có thể yên tâm về hiện trạng các di sản. Tất cả các phim có đầu tư của Nhà nước đều đang được lưu trữ tại viện phim còn 13 phim còn lại không được lưu trữ là những phim trước đây làm theo đặt hàng của Ban Tuyên giáo, Đài truyền hình Việt nam…