Tuy nhiên, những bất ổn trên hệ thống ngân hàng đã khiến cho thị trường bắt đầu đặt cược Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay. Do đó, đồng USD (đo lường thông qua chỉ số đôla Mỹ -DXY) giảm 0,8% trong tuần qua. Trong khi đó, các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá so với USD như JPY (tăng 2,36%), GBP (tăng 1,19%) hay EUR (tăng 0,25%).
Trên thị trường trong nước, tương đồng với diễn biến quốc tế, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong tuần bất chấp tiền đồng đang chịu áp lực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện cắt giảm lãi suất.
Kết tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank giảm 110 đồng/USD, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do giảm 180 đồng/USD, giao dịch ở 23.550 – 23.620 đồng/USD.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,45%, xuống 23.587 đồng/USD và hiện chỉ còn mất giá 0,19% so với cuối năm 2022.
Bước sang tuần này, tỷ giá USD/VND tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Ngày 22/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.617 đồng, đi ngang so với mức công bố trước.
Khảo sát tại một số ngân hàng thương mại, tỷ giá USD giảm nhẹ. Lúc 14h30, BIDV niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.410 – 23.710 đồng/USD, giảm 30 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán ra.
Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.3850 – 23.735 đồng/USD, giảm 35 đồng/USD chiều mua vào và giảm 25 đồng/USD chiều bán ra.
Nhóm phân tích của Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính Techcombank cho hay, việc thị trường kỳ vọng Fed có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, sớm ngừng tăng và thực hiện cắt giảm lãi suất nhanh hơn khiến cho DXY hạ nhiệt, và kéo giảm mức mất giá của VND so với USD.
Theo các chuyên gia, nếu diễn biến này tiếp tục sẽ tác động làm tỷ giá USD/VND dịu bớt và giải tỏa áp lực tăng lãi suất tiền đồng. Dù vậy, tỷ giá và lãi suất tiền đồng thời gian tới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng phức tạp của nhiều yếu tố trong và ngoài nước.
Các yếu tố này gồm: diễn biến lạm phát thực tế ở Mỹ, các khu vực kinh tế lớn và lãi suất điều hành được công bố sẽ tác động lên lãi suất thế giới và giá trị các đồng tiền chủ chốt, qua đó ảnh hưởng đến Việt Nam.
Hai là, tình hình thị trường thế giới và các biện pháp của ngân hàng trung ương cùng các cơ quan quản lý liên quan để duy trì niềm tin, ổn định hệ thống tài chính.
Bà là, tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước, từ đó tác động đến thương mại, đầu tư và các dòng vốn vào Việt Nam.