Theo thông tin từ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, từ 1-3, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử. Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin.
Hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Theo Thông tư 10/2023/TT-BTP, từ 16-3, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.
Cụ thể chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5, Điều 18, Luật Thi hành án dân sự và Điều 4, Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp…
Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ 19-3.
Thông tư quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Pháp Luật.
Thông tư 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ 31-3.
Theo Thông tư, cơ cấu hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan. Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản lý không quá 5 năm.
Thông tư 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại chính quyền địa phương.
Thông tư quy định, từ 17-3, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 4 của Thông tư này là từ đủ 3 năm (36 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.