Kể chuyện làng: Cây đào tiên, ký ức quê nhà

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng nay, tôi có dịp đến thăm nhà mới một người bạn. Con đường đất đỏ quanh co dẫn chúng tôi đi ngang qua đồi chè xanh, thi thoảng vài lũy tre xào xạc theo gió. Ngôi nhà giản dị của bạn tôi nằm sâu trong thung lũng, phía trước có một khu vườn nhỏ.
Kể chuyện làng: Cây đào tiên, ký ức quê nhà
Có những quả đào không chín toàn bộ mà chỉ chín… một nửa: bên chín phình to, bên sống teo tóp. Ảnh: Yến Anh

Dừng chân tại góc vườn, tôi khẽ nhìn cây đào tiên chi chít quả vàng ươm như vô số bóng đèn được thắp lên, sáng bừng cả một không gian. Bất giác bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ ở làng quê cứ ùa về.

Đào tiên. Ảnh: Yến Anh

Cây đào tiên vốn là một cây gỗ, mọc không cao lắm, chỉ dao động tầm 7-10m, lá mọc theo hình tán, xanh tươi hầu như quanh năm. Hoa đào tiên mọc đơn độc ngay trên thân và cành, mùi hơi nồng nên người không quen sẽ cảm thấy khó chịu. Quả đào có kích thước gần bằng một quả bưởi to vừa phải, nhưng vỏ xanh cứng, trong quả có thịt (còn gọi là cơm hay nạc) màu trắng. Khi nếm thử, sẽ thấy vị chua nhẹ, trong quả có nhiều hạt dẹt nhỏ cũng màu trắng. Chẳng biết vì sao loài cây này ở quê tôi lại có tên hay và mĩ miều đến thế, trong khi tên gọi phổ thông của nó thường là cây trứng gà hoặc cây lê-ki-ma, ô ma…

Cây đào tiên ở góc sân nhà tôi chẳng rõ được trồng tự bao giờ. Chỉ biết khi tôi lớn lên, nó đã thật cao lớn, cành lá sum suê che mát cả một khoảng sân. Chị em tôi chẳng biết đã bao lần ngửa mặt lên tán lá xanh mà say mê tiếng chim hót trong veo, dõi tìm tổ chim chích, chào mào trong mỗi buổi chiều tà. Tiếng chim bố, chim mẹ, chim con gọi nhau ríu rít, làm rộn rã cả không gian. 

Những trưa mùa xuân dịu dàng, khi khóm cúc vạn thọ ngoài hiên bừng nở, bà ngoại tôi vẫn thường ngồi dưới gốc cây, cầm chiếc quạt mo phe phẩy, miệng nhai trầu móm mém. Bao lần tôi khẽ khàng ôm sách vở ngồi bên bà, dưới gốc cây đào tiên rồi ngủ quên ngon lành trong vòng tay đầy yêu thương của ngoại.

Khi mùa đông lặng lẽ trôi qua, cây đào tiên cũng trở mình sau những ngày xuân đơm lộc, nảy chồi, thay lá mới. Những chùm hoa được nảy nở ra từ nách lá, ra hoa nhiều vô kể, chi chít đầy cành. Loài hoa này cũng lạ lắm, không bừng nở rực rỡ như hồng, cúc mà e ấp, thẹn thùng dưới tán lá xanh đầy nắng. Không ai biết hoa nở tự bao giờ nếu chẳng có những cơn gió đi qua khiến cành rung nhẹ là hàng loạt trận mưa hoa rơi xuống, phủ trắng cả một khoảng sân nhà. Hoa đào tiên thoạt nhìn nhỏ tròn như hạt cườm, xinh xắn, ruột hoa rỗng, với những cánh hoa mỏng nhưng cứng giòn, sắc hoa trắng xanh, đẹp đến nao lòng. 

Mùi hương hoa thoang thoảng, phảng phất vị thuần khiết của đất trời, cỏ cây trong nắng khô mùa hạ còn sót lại chút ấm áp của mùa xuân. Nhớ những ngày còn thơ, chị em tôi rất mê mẩn vẻ đẹp đặc trưng không trùng lẫn với bất kỳ loài hoa nào nên vẫn thường nhặt chúng để chơi đồ hàng hoặc xâu chuỗi kết thành vương miện, chơi trò cô dâu chú rể. Không biết đã bao lần chị em tôi mê mẩn kết vòng, quên cả nấu cơm, rửa chén mãi cho đến khi nghe tiếng mẹ từ đầu ngõ, mới giật mình lo vội vã làm cho xong. Chuỗi cườm hoa đào tiên với hương thơm dịu nhẹ như một ký ức tuổi thơ thật đẹp đi vào cả trong giấc ngủ, khiến người phụ nữ trưởng thành là tôi thi thoảng vẫn giật mình nhung nhớ. 

Mùa hoa đào tiên ngẫm cho cùng cũng chợt đến rồi chợt đi, nhẹ nhàng như đất trời chuyển giao hai mùa xuân hạ. Chúng tôi chưa kịp bày hết trò chơi thì không còn thấy khoảng sân trắng xóa. Ngước lên cành cao, quả xanh non bằng cúc áo đã nhú lên thấp thoáng trong vòm lá. Chắc có lẽ không có loài cây nào dễ trồng, và không tốn công chăm như loài cây này. Vì cứ hễ trồng là sống, sống là vươn lên, ra hoa, kết trái, ba bốn trái sum suê một cành như có bàn tay người sắp đặt, bài trí, tỉa tót. 

Đào tiên lúc sống sẽ có màu xanh đậm; khi chín chuyển sang xanh nhạt hoặc đỏ tím đồng thời trái phình to, bóng mỡ. Có những quả đào không chín toàn bộ mà chỉ chín… một nửa: bên chín phình to, bên sống teo tóp. Những năm 80, khi bắt đầu được xem truyền hình, tôi nhớ một chi tiết trong phim Tây du ký, Tôn Ngộ Không ăn trộm đào tiên trong vườn đào, ăn xong liền chui luôn vào trái đào nằm ngủ. Phải chăng vì vậy mà giống đào đất này được gọi là "đào tiên"?

Đào tiên còn có tên gọi quả trứng gà. Ảnh: Yến Anh

Dẫu khi xanh non có vị chát nhưng đào tiên khi chín lại cực kỳ giòn, ngọt. Mùa đào chín nào, đám trẻ nhỏ chúng tôi cũng tụ tập dưới gốc đào tiên vườn nhà tôi. Cây đào khá to cao, chỉ người lớn mới trèo lên hái quả được. Tuy nhiên, bọn trẻ con chúng tôi trong "cái khó ló cái khôn" muốn ăn liền tìm những cành tre chắp, buộc thành cây sào có móc để khều. Mỗi đứa trẻ sở hữu một móc, lố nhố sắp hàng, ráng ngước mặt, nghẹo đầu, căng mắt mà nhòm ngó, chỉ cần phát hiện trái chín là rón rén lại thò móc ngoéo và giật.

Nhớ nhất vào những ngày tháng Tám, bão số bảy bất ngờ đổ bộ vào quê tôi. Ba tôi lấy kèo, lấy cột chống hiên nhà. Mẹ che bạt rồi chằng néo thật kỹ đống lúa gặt về chưa kịp tuốt. Nửa đêm bão tràn vào, mưa xối xả, gió rít từng cơn. Ba tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên lo lắng mấy cây lớn trước hiên nhà gãy đổ. Trong đêm tối, bên ngọn đèn dầu đơn sơ lúc mờ lúc tỏ, mấy chị em tôi ngồi co cụm lại ôm nhau, nghe tiếng răng rắc của cây khế, cây mít gãy cành đâm nhào xuống đất. Sáng ra, cây đào tiên nghiêng ngả, xác xơ như trải qua trận ốm. Thế mà chỉ sau vài hôm cây đào đã quay trở lại như thường, vươn mình kiêu hãnh giữa bầu trời đầy nắng. 

Mãi cho đến mùa xuân, quả đào tiên chỉ sau vài đêm đón gió, đón nắng trở mùa mà giật mình thay áo mới, vàng óng, căng mọng như làn da thiếu nữ thanh tân. Ngày nào chị em chúng tôi cũng ngước mắt lên cành cao dõi tìm những quả vàng thắm, bắt đầu có những vết nứt dài. Đó là những quả vừa chín nên phải được nâng niu, nhẹ nhàng hái xuống. Bọn trẻ con háu ăn nên chỉ cần phủi nhẹ, gỡ vỏ mỏng bên ngoài là giành nhau ăn tại trận. Chao ôi! Chỉ cần nếm thử một quả đã thấy vị ngọt, béo, vị thơm cứ quyện vào nhau lắng lại một chút rồi tan hòa trong cổ họng. Thứ hương vị đã mấy mươi năm xa quê không còn được thưởng thức mà sao tất cả còn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua.

Nhớ cả những ngày cuối năm của một thuở đã xa, khi các chị cùng mẹ ra đồng dọn cỏ, be bờ chuẩn bị cho mùa vụ mới thì tôi bé hơn lại được ưu ái cùng ngoại đi chợ bán đồ Tết. Trong gánh hàng của ngoại, có lá chuối khô, những cây mía lấy từ vườn nhà. Tôi nhớ như in bàn tay gầy gò, đầy vết đồi mồi của ngoại khi tỉ mỉ lựa chọn những lá lành, cột thành từng bó phẳng phiu, những cây mía đá đốn thành từng đốt ngắn, ngọt ngào, tươi mát. Ngoại tôi thường nhẹ nhàng bảo rằng, do Tết đến mọi nhà nhà đều làm bánh, muối dưa hành nên những thứ này ai cũng cần và dễ bán lắm. Nhưng thứ khiến tôi ấn tượng nhất vẫn là những quả đào tiên cứng đanh, vàng mọng được mẹ nhẹ nhàng hái xuống, rửa sạch rồi khéo léo cột thành chùm ba bốn quả có lá xanh điểm tô trông thật đẹp và trang nghiêm. 

Vui hơn cả vẫn là khi gánh hàng của ngoại hết sớm, theo người về muôn ngả. Đó là khi tôi được thỏa thuê nhìn ngắm hàng tò he đủ màu sắc. Ngoại lần tìm trong túi áo những tờ tiền lẻ được vuốt phẳng phiu, gói cẩn thận mua cho tôi một con tò he rồi dừng lại bên hàng tạp hóa lựa chọn mấy bánh đa vừng, đùm kẹo mục. Lần nào đi chợ cũng thế, dù ít dù nhiều, ngoại cũng không quên mua quà cho các cháu. Mãi cho đến tận ngày nay, khi ngoại đã đi xa, tôi vẫn nhớ và thương ngoại vô cùng, nhớ những chắt chiu, tảo tần bà đã dành cho chúng tôi suốt khoảng đời tuổi thơ. 

Những ngày đầu Xuân, khi có dịp quay trở về làng, đi dọc tuyến đường ngập tràn hoa trái, tôi cứ mải miết tìm một cây đào tiên mà sao khó đến vậy. Tất cả chỉ còn lại trong ký ức. Có lẽ giờ đây người ta chỉ trồng những giống cây thật kinh tế. Chỉ độ một vài năm là đã cho quả ngọt. Phải rồi, tất cả rồi sẽ phải đổi khác. Có lẽ như vậy mới thực sự phù hợp trong nhịp sống đang hối hả từng ngày. 

Chợt nhớ cây đào tiên với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, đã cùng tôi lớn lên trong những tháng năm đầy gian khó mà ấm áp nghĩa tình. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật