TTCK Việt Nam cũng như TTCK toàn cầu đã có bước nhảy vọt chỉ trong tháng 1 đầu năm.
Các chuyên gia SSI Research cho rằng, phần lớn kỳ vọng của nhà đầu tư về động thái các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn chậm lại đà tăng lãi suất và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại đã phản ánh vào nhịp tăng này.
Trên TTCK Việt Nam, xu hướng dòng vốn từ khối ngoại tích cực hơn dự đoán, với tầm nhìn đầu tư dài hạn động lực từ khối ngoại hiện đang làm nhẹ bớt những lo ngại về rủi ro ngắn hạn, cụ thể là số liệu kết quả kinh doanh quý IV đi xuống (tổng lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 toàn thị trường giảm 31,4% so với cùng kỳ và giảm 54,8% nếu loại trừ lợi nhuận từ nhóm ngân hàng), đồng thời số liệu về vĩ mô tháng 1 cho thấy nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Hiện tại, các chuyên gia nghiêng nhiều hơn về kịch bản thị trường sẽ giằng co tích lũy trong tháng 2. Cung chốt lời khả năng sẽ gia tăng trong bối cảnh tháng 2 là tháng trống thông tin; tuy nhiên, nếu dòng tiền từ khối ngoại được duy trì và bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ đến từ chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ (thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công) hay Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 2 để được thông qua, vẫn sẽ tác động tích cực lên TTCK theo chiều ngược lại.
Dù vậy, TTCK vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước như áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, hay như các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ khó hạ nhiệt ngay. Trong khi đó, rủi ro căng thẳng địa chính trị vẫn chưa thể loại trừ.
SSI Research cho rằng, Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6,2% cho năm 2023, đây là con số nổi bật trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể.
Tại ngày 3/2/2023, P/E dự phóng cho năm 2023 của thị trường là 8,1 lần thấp hơn 42,5% so với mức P/E trung bình là 14,16 lần trong giai đoạn 2009- 2022.
"Lịch sử TTCK cho thấy các giai đoạn biến động mạnh nhất của thị trường theo chiều hướng xấu khả năng tạo cơ hội tốt nhất nên chúng tôi tiếp tục duy trì chiến lược tổng thể là vào các nhịp điều chỉnh mạnh do biến số rủi ro mang lại sẽ đẩy mạnh mua vào cho chiến lược đầu tư trung hạn. Với tầm nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư có thể linh hoạt với chiến lược giao dịch năng động “mua thấp bán cao”, các chuyên gia khuyến nghị.
Theo góc nhìn kỹ thuật, vận động của thị trường trong tháng 2 sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm định MA 20 ngày (quanh vùng 1.068 điểm - 1.072 điểm) của chỉ số VN-Index.
Nếu xây nền và giữ vững MA 20 ngày, khả năng mở rộng đà hồi phục theo xu thế đi lên từ cuối năm 2022 vẫn sẽ được duy trì với vùng mục tiêu 1.100 - 1.125 điểm. Ngược lại, rủi ro điều chỉnh giảm khả năng sẽ quay trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.050 điểm và xa hơn là nền giá 1.000 điểm.
Với những luận điểm trên, SSI Research đưa ra 5 mã có thể là cơ hội đầu tư trong tháng 2 gồm: GMD, FPT, STB, QNS, QTP.