Mỹ và các đồng minh đã áp đặt những lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga và hy vọng sẽ khiến nền kinh tế nước này sụp đổ, họ từng dự đoán GDP Nga sẽ giảm 11% vào cuối năm 2022.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế người Hungary - ông Miklos Kevehazi, đánh giá của phương Tây hoàn toàn sai lầm, các biện pháp trừng phạt không phát huy đầy đủ tác dụng, thậm chí còn mang lại "hiệu quả" không ngờ đối với nền kinh tế Nga.
"Các tổ chức kinh tế phương Tây đã mắc sai lầm lớn trong việc đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt chống Nga. GDP của Nga thay vì giảm 11% như dự kiến, con số thực chỉ là 2,3%”, nhà phân tích người Hungary cho biết.
Nền kinh tế Nga trong bối cảnh chịu nhiều biện pháp bao vây, cấm vận đã thể hiện khả năng phục hồi đầy ấn tượng, điều này khiến phương Tây cảm thấy vô cùng bất ngờ.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga đã gây ra sự suy giảm đối với nền kinh tế nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt là tại châu Âu khi giá năng lượng tăng cao gây ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp và thương mại.
Đối với Nga, các biện pháp trừng phạt thậm chí thúc đẩy nước này tìm kiếm những đối tác thay thế phương Tây và mở ra những tuyến thương mại mới.
Trên thực tế, chỉ trong vài tháng, Liên bang Nga đã chuyển hướng xuất khẩu nhiên liệu sang châu Á, điều này về lâu dài sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả Moskva cũng như các đồng minh.
“Kết quả là những lệnh trừng phạt khiến các nền kinh tế phương Tây suy giảm nhiều hơn so với Nga. Điều này được xác nhận bởi dữ liệu của IMF, cho thấy vào năm 2023, EU và Mỹ sẽ là những khu vực dễ bị suy thoái nhất”, ông Miklós Veveházy nhấn mạnh.
Nhà phân tích người Hungary tin rằng chỉ có một cách để ngăn chặn quá trình gây tổn hại cho phương Tây, đó là thay vì áp đặt biện pháp trừng phạt, cần xây dựng chính sách ngoại giao hiệu quả.
Việc bắt đầu quá trình đàm phán là vì lợi ích của toàn bộ thế giới phương Tây, tuy nhiên điều này chưa được thực hiện, bởi vậy Mỹ và châu Âu đang gây hại cho chính họ ngày càng nhiều hơn, vị chuyên gia kết luận.
Trong diễn biến khác, vào ngày 5/2/2023, biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Nga đã có hiệu lực, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu và tái xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga như xăng và nhiên liệu diesel.
Theo nhà báo Phil Rosen đến từ ấn phẩm Business Insider (BI), các chính trị gia phương Tây không mong đợi tác động tiêu cực đáng kể đối với Moskva do những hạn chế mới.
Tác giả bài viết trên ấn phẩm BI cho biết: “Đây là lý do tại sao các biện pháp trừng phạt mới của châu Âu đối với nhiên liệu xuất khẩu của Nga sẽ không gây hại nhiều cho Moskva".
Trên thực tế, những hạn chế mới dự kiến sẽ hoạt động tương tự như lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga mà EU ban hành, đã có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.
Điều này nghĩa là Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu nhiều sản phẩm dầu như trước đây, sự khác biệt duy nhất là nguyên liệu thô sẽ được vận chuyển đến khu vực khác thay vì châu Âu, để rồi những quốc gia đó lại tinh chế rồi bán cho EU với giá cao hơn.
Chuyên gia Matt Smith đến từ Công ty Thống kê dữ liệu và Phân tích Kpler cũng đưa ra nhận xét về tác động từ lệnh cấm vận dầu mỏ mới được EU thông qua: “Điểm mấu chốt là cả sản xuất và xuất khẩu của Nga đều không giảm".
Đối với việc các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đồng ý đặt giá trần cho các sản phẩm dầu mỏ cao cấp của Nga ở mức 100 USD/thùng, ông Matt Smith cho rằng quyết định này là một bước đi rất gây tranh cãi.
"Không rõ hạn chế này sẽ hoạt động như thế nào, bởi vì có quá nhiều sản phẩm với các mức giá khác nhau và rất khó để đưa chi phí của chúng về một mức giá trần duy nhất", ông Matt Smith bình luận.