Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật Hình Sự (Trường Đại học Thủy Lợi) chia sẻ, uống rượu ngày tết là một trong những nét văn hóa cổ truyền lâu đời của người Việt. Mỗi dịp tết đến, xuân về là số người uống rượu và lượng rượu tiêu thụ lại tăng đột biến. Bên cạnh niềm vui từ các cuộc nhậu thì uống rượu quá đà, say xỉn, không làm chủ bản thân đã dẫn đến những vụ việc tai nạn giao thông, xô xát, ngộ độc rượu là vấn đề gây nhức nhối xã hội trong nhiều năm nay.
Đánh giá những hệ lụy tiêu cực từ việc sử dụng rượu bia trong những năm qua thì Việt Nam cũng đã ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 (có hiệu lực kể từ 1/1/2020) để tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, mua bán, sử dụng rượu bia ở Việt Nam. Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Luật cũng nghiêm cấm các hành vi: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;...
Tổ chức cá nhân vi phạm Pháp Luật về phòng chống tác hại rượu bia thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự.
Đối với hành vi vi phạm Pháp Luật liên quan đến rượu bia mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt phổ biến liên quan đến nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có mức phạt tiền thấp nhất là 6.000.000 đồng (tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng) và cao nhất là 40.000.000 đồng (bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng).
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có mức phạt thấp nhất là 2.000.000 (bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng) và cao nhất là 8.000.000 đồng (bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng).
Trong thời gian qua không ít trường hợp tai nạn giao thông mà người gây tai nạn là người thuê xe tự lái. Trong những dịp lễ, tết như thế này thì hoạt động thuê xe tự lái lại phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều cặp vợ chồng thuê xe để về quê đi chơi những ngày tết. Do suy nghĩ đã bỏ tiền ra thuê xe thì phải sử dụng, đặc biệt là những dịp tết thì nhiều người thường xuyên có nồng độ cồn, chiếc xe lại không phải của mình nên việc điều khiển xe lạ có thể gặp những bỡ ngỡ, dễ gây tai nạn trên đường.
Ngoài ra, không ít trường hợp sử dụng rượu bia dẫn đến thiếu tỉnh táo, không làm chủ cảm xúc nên dễ dẫn đến thực hiện hành vi gây mất an ninh trật tự, gây thương tích cho người khác. Trong những tình huống này thì người sử dụng rượu bia vi phạm Pháp Luật vẫn bị xử lý Hình Sự nếu hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội. Nói cách khác, Pháp Luật Hình Sự Việt Nam không loại trừ trách nhiệm Hình Sự đối với người sử dụng rượu bia, chất kích thích mà sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho người khác.
"Điều 13 (BLHS 2015) quy định: "Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm Hình Sự".
Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên Luật Hình Sự (Trường Đại học Thủy Lợi)
Có thể thấy rằng, uống rượu bia là nét văn hóa của người Việt Nam trong những ngày lễ, tết, các buổi gặp mặt. Tuy nhiên uống rượu bia cũng chịu sự điều chỉnh của Pháp Luật, người uống rượu bia gây mất an ninh trật tự, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm hoặc tài sản của người khác thì bạn phải chịu trách nhiệm trước Pháp Luật. Bởi vậy, uống rượu bia có chừng mực, có văn hóa, biết kiểm soát tình hình đòi hỏi bắt buộc trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nhiều người chỉ vì một cuộc vui, vì uống rượu bia vào dịp lễ tết mà gây tai nạn giao thông hoặc gặp tai nạn giao thông dẫn đến bản thân bị tù tội hoặc thương tích, thiệt mạng. Cũng có người uống rượu bia rồi say rượu đánh nhau, gây mất an ninh trật tự vô tình trở thành nạn nhân hoặc bị dính vào vòng lao lý.
Trên thực tế, tình trạng ép buộc uống rượu bia vẫn còn xảy ra phổ biến, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Dưới góc độ pháp lý thì đây là hành vi vi phạm Pháp Luật, người ép người khác uống rượu bia sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu ép rượu bia dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự hoặc gây thương tích cho người khác thì còn có thể bị xử lý Hình Sự.
Uống rượu bia có văn hóa là uống rượu bia có chừng mực, phù hợp với sức khỏe và điều kiện bản thân, trên cơ sở tự nguyện, người uống rượu bia xong không bị tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, không mượn rượu hoặc bị tác động bởi rượu bia để gây gổ, mất đoàn kết, mất an ninh trật tự. Uống rượu bia xong không điều khiển phương tiện giao thông và những người uống rượu bia cùng nhau có trách nhiệm với nhau trong việc đảm bảo là những bạn uống rượu cùng được đi về nhà an toàn.
Những người uống rượu bia với nhau là để tăng thêm niềm vui, tăng thêm sự gắn kết, tình cảm nhưng nếu uống rượu bia quá đà, không đúng cách, lạm dụng hoặc thuộc trường hợp Pháp Luật cấm thì sẽ gây ra những tác hại, hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
"Vào mỗi dịp tết đến xuân về thì công tác quản lý rượu bia, quản lý từ các cơ sở sản xuất, mua bán, sử dụng cũng như hành vi tham gia giao thông cần phải được tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục Pháp Luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Pháp Luật của công dân trong việc sử dụng rượu bia.
Cần phải xây dựng văn hóa uống rượu, sao cho uống rượu một cách lành mạnh, an toàn và có văn hóa, hạn chế những tiêu cực, tác hại từ rượu bia mang lại. Có tuân thủ quy định Pháp Luật về phòng chống tác hại rượu bia và các văn bản Pháp Luật có liên quan thì việc sử dụng rượu bia mới có văn hóa, văn minh, an toàn cho bản thân và cho xã hội", Tiến sĩ Cường chia sẻ.