Vào ngày 19-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng rằng phương Tây không nên "nhục mạ" mà cần hợp tác với Nga cùng tìm kiếm nền hòa bình lâu dài ở khu vực.
“Nga với tư cách là một cường quốc đang đi tìm kiếm chính mình cũng như vận mệnh mới của nước này. Nga là một nước vĩ đại về mặt lãnh thổ và lịch sử” - ông Macron nói với tờ El Pais, đồng thời nhận định giai đoạn Moscow hồi sinh vào những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ là thời điểm "rất khó khăn” đối với nước này.
Dù vậy, vị Tổng thống Pháp cho rằng nước Nga hiện giờ đang đứng trước một "vực thẳm” khác, trong đó tương lai của nước này “đang bị đe doạ”. Theo ông Macron, dù rằng Moscow có tham vọng "đế quốc" và mong muốn quyết định số phận của các nước láng giềng, song các nước phương Tây bằng cách nào đó nên giúp Nga tìm lại vận mệnh của nước này.
“Sẽ không có hòa bình lâu dài nếu chúng ta không góp phần vào vấn đề trên” - ông Macron cho hay, đồng thời cảnh báo phương Tây về tham vọng đánh bại Nga vì vị trí địa lý không thể thay đổi và châu Âu sẽ vẫn là láng giềng của Moscow trong tương lai bất kể mối quan hệ giữa hai bên ra sao.
Tổng thống Pháp nói tiếp: "Xét về lâu dài, tìm ra cách thức và phương tiện để xây dựng hòa bình là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải luôn duy trì khả năng tổ chức đối thoại”. Ông Macron viện dẫn rằng đã có lúc phương Tây "quên điều đó” và tìm cách "nhục mạ” nước Nga.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais, Tổng thống Macron cảnh báo châu Âu đang ở trong một "cuộc khủng hoảng chưa từng có" liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.“Mô hình kinh tế của châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hậu quả trực tiếp và gián tiếp của cuộc chiến này” - ông nói.
Về mặt kinh tế, ông Macron nhận định thế giới được định hình bởi "sự phân cực" giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi đó châu Âu vẫn chưa quyết định muốn "phụ thuộc vào một trong hai nước” hay theo đuổi con đường tự do và đoàn kết.
"Trong khi châu Âu cho đến nay vẫn chưa thể trả lời câu hỏi trên thì câu trả lời là ‘một châu Âu có chủ quyền về kinh tế, công nghệ và quân sự hay nói cách khác, một châu Âu hùng mạnh thực sự” - ông Macron nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp nói rằng cuộc khủng hoảng mà châu Âu hiện đang trải qua cũng xoay quanh việc châu lục này chưa "tiêu hóa" hết giai đoạn sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo ông, chính vì Liên minh châu Âu (EU) gấp rút mở rộng nhanh chóng về phía đông với niềm tin rằng "các vấn đề đã được giải quyết" một khi chiến tranh Lạnh kết thúc đã dẫn tới hai luồng quan điểm khác nhau về tương lai của khối hiện nay.
Ngoài ra, ông Macron còn nói cuộc khủng hoảng trên không chỉ gây khó khăn cho châu Âu mà tất cả các nền dân chủ phương Tây vì không còn giúp người dân thoát nghèo mà thay vào đó, làm gia tăng sự bất bình đẳng.