“Sập bẫy” chiêu trò lừa đảo, các nạn nhân mất cả trăm tỷ đồngz

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận, thụ lý hàng chục vụ lừa đảo với thiệt hại của người dân lên đến gần 100 tỷ đồng.
“Sập bẫy” chiêu trò lừa đảo, các nạn nhân mất cả trăm tỷ đồngz
Lực lượng PA05 giám sát hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: T.T

Nhiều nạn nhân “sập bẫy” từ trăm triệu đến hàng tỷ đồng

Chị T.T.T. (ngụ xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) tường trình tại cơ quan công an, khi tìm việc làm trên mạng thì nhận được thông tin tuyển dụng cộng tác viên “quản lý đơn hàng” nên để lại số điện thoại.

Ngay sau đó có người gọi điện thoại yêu cầu chị cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Chị T. làm theo rồi được cấp mã cộng tác viên là “A245”.

Khi được gửi link sản phẩm tên Sh., chị T. nhấn vào sản phẩm xong chụp màn hình điện thoại gửi cho tài khoản nhận là nhân viên phụ trách.

Chị T. tiếp tục chuyển khoản tiền đơn hàng vào số tài khoản công ty kèm theo ghi chú mã cộng tác viên của mình, chụp màn hình điện thoại giao dịch gửi cho nhân viên báo lên hệ thống.

Sau khoảng 5 phút, hệ thống hoàn lại tiền vốn và trích thêm hoa hồng từ 8 - 10% mỗi đơn hàng cho chị T.

Lần lượt như vậy, chị T. mua các sản phẩm từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng đều được chuyển trả lại cả tiền gốc lẫn hoa hồng rất nhanh. 

Tuy nhiên, đến đơn hàng thứ tư với tổng số tiền gần 50 triệu đồng, một nhân viên gọi cho chị T. nói, số tiền chị chuyển khoản thanh toán cộng với tiền hoa hồng lên tới 70 triệu đồng. Do số tiền khá lớn, để lấy được tiền và bảo đảm cho việc mua đơn hàng tiếp theo, chị T. phải đặt cọc thêm một khoản 31 triệu đồng.

Để lấy lại số tiền đã chuyển trước đó, chị T. chuyển tiền bảo đảm theo yêu cầu. Chuyển xong, chị T. nhận được cuộc gọi biểu dương và chuyển chị lên làm “nhân viên ưu tú”.

Khi chị T. yêu cầu trả lại tiền, một nhân viên khác yêu cầu chị chuyển thêm 30 triệu đồng nữa để được lên “nhân viên ưu tú” và hoàn trả hết số tiền đã chi ra. Lần này công ty sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng, chị T. cần chuyển 20 triệu đồng.

Vì không đủ tiền để chuyển nữa, chị T. phải mượn thêm bạn bè để làm "nhiệm vụ". Sau lần chuyển 20 triệu, có tin nhắn báo chị đã bị lừa. Tổng số tiền chị bị lừa hơn 100 triệu đồng.

Một trường hợp khác là chị T.T.H. (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát), nhận được cuộc gọi của người đàn ông tự xưng là nhân viên bảo hiểm ở TP.HCM.

Người này bảo chị H. vi phạm hợp đồng bảo hiểm, phải bồi thường gần 30 triệu đồng. Khi chị trả lời mình không hề vay tiền bên bảo hiểm, người này hù dọa, nếu không thanh toán số tiền trên sẽ bị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Tiếp đó, một người đàn ông khác gọi cho chị H. tự xưng là cán bộ công an ở TP.HCM, thông báo chị liên quan đến một đường dây mua bán m‌a tú‌y do đối tượng N.V.L. cầm đầu. Người này yêu cầu chị chuyển hết tiền trong thẻ ATM qua số tài khoản X. để phục vụ điều tra, xác minh.

Do lo sợ, chị H. đã chuyển 27,5 triệu đồng vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp.

Tuy nhiên, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển thêm 200 triệu đồng. Lúc này chị H. nghi ngờ đã bị lừa nên không thực hiện theo yêu cầu, hủy kết bạn Zalo, chặn liên lạc và trình báo công an.

Ngoài các trường hợp trên, cơ quan công an đang thụ lý điều tra vụ chị P.P.T. (SN 1980, ngụ TP Thuận An) bị đối tượng giả danh cán bộ tư pháp gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt 13 tỷ đồng; vụ chị N.T.P.T (SN 1986, ngụ thị xã Bến Cát) bị dẫn dắt đặt cược trên ứng dụng Max 3D và bị chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng.

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này tiếp nhận hơn 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể những tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận), gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỷ đồng.

Qua công tác theo dõi, đấu tranh, Phòng PA05 Công an tỉnh Bình Dương nhận thấy, một số thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng phổ biến như:

Giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng gây sức ép, yêu cầu khác nhau như: Báo người dân bị ghi hình phạt nguội vi phạm trật tự giao thông đường bộ, gây tai nạn bỏ chạy, phục vụ điều tra,… làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng cung cấp.

Chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội của bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan rồi chiếm đoạt.

lừa đảo thông qua các ứng dụng vay tiền, nhân viên ngân hàng, công ty tài chính giả mạo với các thủ đoạn hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Tuy nhiên, khi bị hại đồng ý vay thì các đối tượng lấy nhiều lý do khác nhau như: Sai số tài khoản nhận tiền, bảo hiểm khoản vay,… để yêu cầu bị hại chuyển tiền.

Đáng chú ý, đối tượng tội phạm sử dụng thủ đoạn tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử làm nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán đơn hàng tăng tương tác, doanh số… theo đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi sau đó chiếm đoạt.

Các đối tượng còn lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo giả mạo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản)...

Trong các thủ đoạn nêu trên, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online mang tính phổ biến nhất. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã đánh trúng vào đặc điểm tâm lý của nhiều người là muốn kiếm tiền nhanh chóng, dễ dàng mà chỉ cần sử dụng điện thoại di động, nhất là đối với những người làm việc theo thời vụ, có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Một đoạn tin nhắn các đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân. Ảnh: Q.A

Lãnh đạo Phòng PA05 Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hầu hết những vụ người dân tố giác tội phạm công nghệ cao đều đã có tổn thất về tài sản, thiệt hại từ vài chục triệu đồng tới hàng tỷ đồng. 

Do vậy, để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân khi sử dụng các dịch vụ trên mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân.

Người dân phải giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet... cho bất kỳ ai không quen biết.

Lãnh đạo PA05 Công an tỉnh Bình Dương khẳng định, cơ quan công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc cơ quan công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông qua công an địa phương.

Cơ quan công an, cơ quan Nhà nước cũng không yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản nhằm bảo lãnh, xác minh; không gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật