Khó hơn những năm trước
Chị Nguyễn Thị Thanh Diệu đang ở Madrid, Tây Ban Nha chia sẻ, hậu Covid-19, ở Tây Ban Nha có khá nhiều công ty sụp đổ, nhà hàng đóng cửa. Khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, mặc dù Tây Ban Nha không bị ảnh hưởng quá nhiều như Đức, Pháp hay Ba Lan, nhưng nhìn chung vật giá mọi thứ đều tăng do giá xăng dầu vận chuyển tăng vọt. Mọi thứ như thực phẩm, thịt cá, trứng sữa, dầu ăn, rau củ... đều tăng giá hơn trước khá nhiều.
"Giá điện không tăng nhiều nhưng giá xăng dầu, khí đốt thì tăng rất cao trong mùa hè. Ví dụ: Bình thường trước đây, 60 Euro mua được 45 lít xăng đổ đầy bình ô tô. Nhưng mùa hè này tôi phải trả 84 Euro cho cùng 1 thể tích", chị Nguyễn Thị Thanh Diệu cho hay.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Diệu, thậm chí có một số mặt hàng thiết yếu tăng giá gấp đôi làm ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Tây Ban Nha cũng như người nước ngoài bao gồm cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở đây. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2022, dịch Covid-19 ở Tây Ban Nha đã được kiểm soát nên người dân cảm thấy tốt hơn, lạc quan hơn năm 2021.
Trong khi đó, anh Tuấn Anh hiện đang sống và làm việc tại TP.Emden thuộc bang Niedersachsen của Đức cho biết, năm nay dịch xong rồi lại xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine nên tỷ lệ lạm phát ở Đức tăng vọt, lên mức cao kỷ lục trong 70 năm qua. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt cùng với sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm trung gian đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã rất căng thẳng do đại dịch Covid-19. Giá năng lượng, thực phẩm, nói chung giá cả sinh hoạt tăng vọt là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lạm phát. Đức vốn phụ thuộc đáng kể vào khí đốt từ Nga. Khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng lên, Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt cho Đức khiến tình hình rất căng thẳng.
"Lạm phát cao đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Người dân Đức đã bắt đầu ít mua sắm lại, tiết kiệm nhiều hơn, ăn uống ở bên ngoài giảm đi, thậm chí vào dịp Giáng sinh và Năm mới, nhiều nhà hàng và không ít gia đình chấp nhận dùng lại đồ trang trí năm ngoái. Giờ nhiều nhà hàng chỉ còn doanh thu 70% so với trước dịch", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Tuấn Anh hiện đang sống và làm việc tại TP.Emden thuộc bang Niedersachsen, nước Đức. Ảnh NVCC
Chị Dương Quyên, hiện sống ở Paris, Pháp cho biết, những khó khăn về kinh tế năm nay đặc biệt thách thức hơn những năm khác. Giá cả tăng vọt, khí gas, xăng dầu đắt đỏ khủng khiếp nhưng mình vẫn phải chi tiêu. Vì phải bỏ ra nhiều tiền ra hơn cho các chi phí cố định đó, nên khoản tiết kiệm để đề phòng những lúc đau ốm, bất trắc của gia đình cũng ít đi.
"Giá cả ở Pháp năm nay tăng nhiều hơn so với các năm trước, thậm chí có thời điểm còn thiếu nguồn cung xăng dầu trầm trọng. Mình đi khắp các cây xăng ở gần nhà và chỗ làm mà không đổ được xăng, chỗ nào còn xăng thì thậm chí phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để được đổ. Tuy nhiên, oái oăm là khi đến lượt mình đỏ thì lại hết xăng hoặc chỉ cho đổ giới hạn 30 Euro", chị Dương Quyên chia sẻ.
Theo chị Quyên, ở Pháp may mắn không có tình trạng cắt điện luân phiên, nhưng sưởi trong các chung cư năm nay bật muộn hơn, chính phủ khuyến khích người dân nên tiết kiệm điện, tránh lãng phí trong mùa đông năm nay. Chính quyền đã đưa ra khẩu hiệu "J’éteins, Je baisse, Je décale" nghĩa là Hãy tắt các nguồn điện không cần thiết, giảm thiểu sử dụng điện", chị Dương Quyên chia sẻ.
Đại lộ Champs-Elysées ở Paris, Pháp trang hoàng rực rỡ đón Năm mới. Đại lộ được mệnh danh đẹp nhất thế giới được thắp sáng lấp lánh từ ngày 2/11/2022 đến ngày 2/1/2023. Ảnh Al-Andorra.
Nỗ lực ổn định cuộc sống
Giữa tình hình khó khăn này, cộng đồng người Việt ở châu Âu cho biết thêm rằng, chính phủ các nước sở tại cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống trước mắt.
Theo anh Tuấn Anh, chính phủ Đức đã công bố gói hỗ trợ năng lượng mới, giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng, trợ cấp giá xăng dầu trong thời hạn 3 tháng, để giảm gánh nặng cho người dân. Hồi tháng 9, chính phủ Đức cũng công bố gói hỗ trợ để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước tình trạng lạm phát tăng vọt. Lương cũng tăng hơn nhưng thực tế khá ít, không bù đắp được giá điện, giá xăng dầu, khí đốt và giá sinh hoạt cao.
Chị Dương Quyên chia sẻ, Pháp có chính sách “Prime Macron” hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp trung bình khoảng 710 Euro. Tuy nhiên, gia đình chị không thuộc diện được hỗ trợ. Chính phủ cũng công bố gói hỗ trợ nhằm kiềm chế lạm phát bao gồm trợ giá năng lượng, giới hạn mức giá thuê nhà, tăng trợ cấp lương hưu, tăng lương công chức... nhưng nhìn chung, tình hình vẫn rất khó khăn, ảm đạm, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu.
"Cảm giác Năm mới khá ảm đạm, các cửa hàng lớn và trung tâm thương mại lớn vẫn trang hoàng lộng lẫy, nhưng các cửa hàng nhỏ lẻ ít trang trí hơn để tiết kiệm chi phí. Người dân đi mua sắm cũng ít hơn những năm trước. Việc làm ăn trong các cửa hàng cũng có vẻ không được khả quan như những năm trước", chị Quyên nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Diệu cho biết, thứ nhất, nhờ đặc điểm địa lý, Tây Ban Nha không lạnh như Đức, Anh, Ba Lan... Thứ 2, Tây Ban Nha không phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Các nguồn năng lượng ở Tây Ban Nha rất đa dạng như: Năng lượng từ gió và năng lượng mặt trời. Đi dọc các con đường cao tốc Tây Ban Nha dễ dàng thấy rất nhiều các bảng năng lượng mặt trời gắn trên các biển báo dọc đường giúp các biển báo phát sáng vào ban đêm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Diệu chụp ảnh ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh NVCC
"Đây là điều tôi thấy rất thú vị khi mới qua Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có năng lượng hạt nhân và năng lượng từ nước. Nên hầu như Tây Ban Nha không bị thiếu năng lượng. Tây Ban Nha cũng không phụ thuộc dầu Nga vì nước này nhập dầu từ Algeria. Do đó, hiện ở Tây Ban Nha không cần cắt giảm năng lượng hay cắt điện luân phiên gì cả", chị Nguyễn Thị Thanh Diệu nhấn mạnh.
Chị cũng cho biết, chính phủ Tây Ban Nha hiện cũng đã hỗ trợ cũng như điều chỉnh nên giá xăng đã quay lại gần như bình thường.
"Hôm nay giá tiền để đổ đầy một bình xăng ôtô đã quay lại mức 65 Euro. Tôi rất vui vì điều đó", chị Nguyễn Thị Thanh Diệu nói.
Kỳ vọng cho 2023
Chia sẻ về kỳ vọng và mong ước trong Năm mới 2023, chị Dương Quyên nói, chị mong gia đình mạnh khỏe, yên vui, hạnh phúc, tình hình kinh tế ở Pháp khởi sắc hơn để công việc kinh doanh của chị "thuận buồm xuôi gió".
"Mong năm cũ qua đi, Năm mới đến, mọi sóng gió sẽ trôi qua, mọi khó khăn sẽ được khắc phục, nhà nhà, người người đều bình an, hạnh phúc. Chúc sức khỏe, may mắn, bình an tới tất cả mọi người nhân Năm mới 2023!", chị Quyên nói.
Anh Tuấn Anh mong Năm mới đại dịch Covid-19 sẽ hoàn toàn biến mất, chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ hạ nhiệt và chấm dứt để cuộc sống của mọi người, mọi nhà được ổn định, bình thường trở lại. Ảnh NVCC
Anh Tuấn Anh cho biết, anh mong Năm mới, chính phủ Đức tìm ra cách để giảm lạm phát, hồi sinh nền kinh tế để bà con Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây làm ăn buôn bán thuận lợi, công việc hanh thông. Đặc biệt, anh hi vọng năm 2023, đại dịch Covid-19 sẽ hoàn toàn biến mất, chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ hạ nhiệt và chấm dứt để cuộc sống của mọi người, mọi nhà được ổn định, bình thường trở lại.
"Năm mới, tôi mong dịch bệnh đi qua, chiến sự kết thúc, nước Đức ổn định trở lại để cuộc sống của mọi người, mọi nhà được yên bình, hạnh phúc. Nhân đây, cũng xin gửi tới gia đình, người thân, bạn bè cũng như toàn thể đồng bào Việt Nam lời chúc mừng Năm mới an khang thịnh vượng!", anh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Diệu nhấn mạnh: "Tôi mong, năm 2023 chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc. Mọi người dân trên thế giới được sống trong yên bình, hạnh phúc. Mọi thứ trở lại bình thường và giá cả cũng ổn trở lại. Riêng tôi, tôi thấy rất biết ơn đất nước và con người Tây Ban Nha. Người dân Tây Ban Nha dễ thương, giản dị, tốt bụng và thân thiện. Chính phủ Tây Ban Nha đã tạo điều kiện hỗ trợ cho mọi người dân sinh sống, học tập và làm việc tại Tây Ban Nha. Năm mới sắp đến, tôi muốn gửi lời chúc đến toàn thể người dân Việt Nam lời chúc nồng ấm, chúc cho mọi người, mọi nhà đón một Năm mới thuận lợi, may mắn. Tôi cũng xin gửi lời chúc mừng năm mới đến đất nước và con người Tây Ban Nha xinh đẹp!".