Bên mua yếu thế, VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thị trường chứng khoán ghi nhận sự yếu thế của bên mua, trong khi một số thông tin khiến tâm lý của nhà đầu tư đi xuống. VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm.
Bên mua yếu thế, VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm
VN-Index giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 26/12, đóng cửa ở dưới ngưỡng 990 điểm. (Nguồn: FPTS)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... chịu áp lực bán mạnh.

Trong phiên sáng 26/12, thị trường ghi còn nhận sự giằng co giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, sang tới phiên chiều, áp lực bán tăng mạnh và lan từ nhóm bất động sản, ngân hàng sang nhiều nhóm ngành khác như: chứng khoán, bán lẻ, xây dựng, vật liệu xây dựng...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/12, VN-Index giảm 35,13 điểm về 985,21 điểm. VN30 thậm chí giảm 4,48%. HNX-Index giảm 3,3% xuống 198,5 điểm. Upcom-Index giảm gần 1,9%. Thanh khoản đạt 11.000 tỷ đồng, trong đó có 9.733 tỷ đồng trên HOSE.

Trong rổ VN30, có 29 mã giảm giá. Trong đó, có nhiều mã giảm sàn như: Novaland (NVL), Bất động sản Phát Đạt (PDR), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Sacombank (STB), Chứng khoán SSI (SSI), Thế giới Di động (MWG), Techcombank (TCB). VIBBank (VIB) cũng có lúc giảm sàn.

Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn chịu áp lực bán mạnh trong phần lớn phiên giao dịch và giảm xuống mức 14.050 đồng/cp, so với mức trên 82.000 đồng/cp hồi đầu tháng 9/2022. Trong tuần 19-23/12, Novaland đã giảm 17%.

Phát Đạt (PDR) và Nhà Khang Điền (KDH) cũng giảm sàn trong phiên 26/12 sau khi đã giảm tương ứng 10% và 4,6% trong tuần trước.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chịu nhiều áp lực khi gặp khó về dòng tiền và thị trường trầm lắng. Vấn đề pháp lý cho các dự án cũng như tìm nguồn cho các lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 cũng gây áp lực lên nhóm này.

Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm mạnh. Vinhomes (VHM) giảm 2.800 đồng, xuống 4.700 đồng/cp; Vingroup (VIC) giảm 2.200 đồng, xuống 52.900 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 1.250 đồng, xuống 24.550 đồng/cp.

Thị trường chứng khoán giảm trong bối cảnh sự thận trọng gia tăng trong thời gian giáp Tết. Khối ngoại vẫn mua ròng nhưng ở mức thấp hơn nhiều khi đây là khoảng thời gian nghỉ Noel - Tết Dương lịch. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn mua bằng mọi giá như trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12. Thay vào đó, họ mua từ từ, ở mức giá thấp.

Trong phiên 26/12, khối ngoại mua ròng hơn 300 tỷ đồng.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước có những động thái hút ròng tiền mạnh trên thị trường mở.

Chứng khoán giảm bất chấp Việt Nam ghi nhận vĩ mô ổn định. Samsung cuối tuần qua khánh thành Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Đây là tín hiệu tích cực đối với khả năng hút dòng vốn ngoại.

Mặc dù vậy, dòng tiền eo hẹp vào thời điểm trước Tết. Đây là yếu tố không thuận cho thị trường. Trong lịch sử, các nhà đầu tư có xu hướng rút ròng trước kỳ nghỉ lễ.

Giới đầu tư cũng chịu áp lực khi thị trường đón nhận nhiều thông tin dự báo không mấy tích cực trong nước và trên thế giới. Đó là dự báo về khả năng suy thoái trên thế giới, sức cầu tiêu dùng giảm và lạm phát sẽ còn ở mức cao.

Trong nước, một vài tờ báo bất ngờ đưa tin một tập đoàn của Hàn Quốc có thể bán tài sản ở một số nước Đông Nam Á, rút tiền về trước nguy cơ suy thoái. Tập đoàn này có cổ phần lớn tại nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khả năng bán cổ phần của tập đoàn này không lớn nhưng ngay lập tức đã ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Còn theo nhiều chuyên gia, giá cổ phiếu giảm mạnh và thấp ở thời điểm trước Tết được xem là một cơ hội để tích lũy cổ phiếu tại vùng giá thấp đối với các cổ phiếu đầu ngành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật