Nhà xe “nhồi” khách dịp Tết: Mức xử phạt thế nào?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực trạng các nhà xe nhân dịp Tết, lợi dụng nhu cầu của người xa xứ về quê rất cao nên đã bất chấp nhồi nhét thêm rất nhiều hành khách lên xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Nhà xe “nhồi” khách dịp Tết: Mức xử phạt thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến

Hỏi: Tôi làm công nhân xa quê. Mỗi dịp Tết đến đều đi xe khách để về quê, tôi thấy tình trạng xe khách nhồi nhét số người vượt quá quy định diễn ra rất phổ biến, gây nguy hiểm cho những hành khách như tôi. Xin hỏi mức xử phạt này thế nào? có phải mức xử phạt cho hành vi này còn chưa đủ răn đe nên khiến các nhà xe chưa tuân thủ nghiêm?

Độc giả Nguyễn Văn Thương

Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Minh Yến (Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Võ, Đoàn luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, hàng triệu người dân đi học, đi làm ăn xa quê lại vất vả đi mua vé xe khách trước khoảng hơn 1 tháng. Dù mua vé sớm như vậy nhưng vẫn xảy ra tình trạng hết vé mà phải mua vé “súp”. Vé “súp” là một cụm từ được sử dụng cho những chiếc vé xe nằm đường luồng của xe để về quê.

Hiện nay, tình trạng xe khách bán vé đường luồng như vậy là rất nhiều, với lý do không còn vé giường nằm bình thường rồi, muốn về quê phải mua ghế súp. Nhưng mỗi vé súp được bán ra là tương ứng với 1 người, giá tiền thì gần tương tự như vé thường. hành vi này đã vượt quá số người quy định được phép chở của xe. Thế nhưng cung không đủ cầu, không mua được vé giường nằm về quê thì bắt buộc người mua phải chấp nhận mua những chiếc vé như vậy để về quê. Còn người bán, chắc chắn nắm được quy định của Pháp Luật về việc xử phạt đối với hành vi chở quá số người quy định, nhưng vẫn bất chấp vi phạm.

Có thể thấy, thực trạng các nhà xe nhân dịp tết, lợi dụng nhu cầu của người xa xứ về quê rất cao nên đã bất chấp nhồi nhét thêm rất nhiều hành khách lên xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Đối với hành vi này, căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi chở quá số người quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 23:

“Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này”.

Như vậy, hiện nay mức phạt đối với việc chở quá số người được phép chở của ô tô chở hành khách là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá theo quy định trên.

Để ngăn chặn tình trạng “nhồi” khách dịp Tết, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý thật nghiêm các trường hợp bất tuân Pháp Luật để trục lợi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật