Lạm phát tràn lan định hình kinh tế thế giới năm 2022

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Viễn cảnh ảm đạm bao trùm kinh tế thế giới năm 2022 khi lạm phát tràn lan, Mỹ và các đồng minh châu Âu gia tăng trừng phạt Nga, khủng hoảng năng lượng ngày càng thêm ’nóng rẫy’...
Lạm phát tràn lan định hình kinh tế thế giới năm 2022
Ảnh minh họa

Một năm trước, khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo kinh tế Mỹ năm 2022, họ có vẻ rất vui vẻ. Sau hai năm hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra, Fed đã thấy trước nền kinh tế Mỹ sẽ trở lại gần như bình thường.

Fed kỳ vọng, lạm phát tiêu dùng sẽ đạt 2,6% vào cuối năm 2022. Con số đó chỉ cao hơn mục tiêu 2% hàng năm một chút nhưng không có gì đáng ngại.

Tuy nhiên, các quan chức của Fed đã đánh giá thấp việc tăng lương, viện trợ liên bang, thiếu hụt nguồn cung và chi tiêu dồn nén của người tiêu dùng. Những vấn đề này đã đẩy lạm phát năm 2022 tăng vọt và giữ ở mức cao.

Bên cạnh đó, Fed cũng không lường trước được rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm nay, làm đảo lộn thị trường năng lượng và nông sản thế giới, đồng thời đẩy giá dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và ngũ cốc tăng vọt.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s Analytics cho biết: "Nếu không có chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chúng ta sẽ ở một vị trí rất khác".

Nỗi đau lạm phát

Lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bùng phát trở lại trong năm nay, đạt mức cao chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980. Giá cả phi mã đã làm giảm mức lương được điều chỉnh theo lạm phát của người Mỹ và khiến người tiêu dùng rơi vào tâm trạng khó chịu.

Giá tăng đột biến buộc Fed phải mạnh tay tăng lãi suất trước nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Lạm phát còn tấn công các quốc gia khác trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến, lạm phát trên toàn thế giới sẽ đạt 8,8% trong năm nay. Đó sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1996.

Trong khi đó, châu Âu đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cú sốc năng lượng. Giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ hai con số trên khắp lục địa và Vương quốc Anh. Sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng cũng đã bị "nghiền nát". Nhiều chuyên gia coi suy thoái kinh tế ở châu Âu vào năm 2023 là điều gần như chắc chắn.

Tuy nhiên, khi năm 2022 kết thúc, có vẻ như sự cứu trợ có thể sẽ đến - có lẽ là tạm thời - nhưng vẫn có khả năng đang diễn ra.

Lạm phát ở châu Âu và đặc biệt là ở Mỹ đang giảm.

Nhà kinh tế Zandi nói: “Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến lạm phát đạt đỉnh. Thế giới sẽ thấy con số lạm phát tốt hơn nhiều trong vòng 12 đến 18 tháng tới".

Tuy nhiên, hiện tại, nỗi đau về giá cả cao hơn vẫn tiếp tục gây khó khăn cho người tiêu dùng. Đối với người lao động Mỹ, tiền lương theo giờ được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 1,7% trong tháng 11/2022 so với một năm trước đó. Đây là tháng thứ 20 liên tiếp con số đó giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, dù lạm phát tổng thể ở Mỹ đã giảm trong tháng 11 - tháng giảm thứ năm liên tiếp - nhưng giá lương thực vẫn tiếp tục tăng. So với 12 tháng trước đó, giá cà phê đã tăng 15%. Bánh mì tăng 16%, rau đông lạnh 18%, trái cây đóng hộp 21% và trứng tăng 49%.

Các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải vật lộn để kiềm chế chi phí cao hơn và xác định có thể chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng hay không.

Anh Wayne Shumar, người sở hữu Nhà hàng Pepperronnies ở Brownsville, Pennsylvania (Mỹ) đã trở nên bực tức với lạm phát đến mức anh phải đăng hóa đơn mua rau và cà chua trên trang Faceook của nhà hàng. Giá rau và cà chua đã tăng gấp đôi trong 6 tháng.

Những sự kiện bất ngờ khiến tình hình thêm tồi tệ

Sự tái xuất hiện bất ngờ và không mong muốn của lạm phát vào năm 2022 không phải là bước ngoặt lớn duy nhất mà nền kinh tế phải đối mặt kể từ đầu năm 2020.

Đầu tiên, Covid-19 khiến hoạt động của nền kinh tế bị đình trệ đột ngột khi các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc giảm giờ làm.

Thời điểm này, tại Mỹ, nền kinh tế suy giảm với tốc độ kỷ lục hơn 30% trong quý II/2020. 2 triệu việc làm đã bị xóa sổ trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020 .

Fed và các ngân hàng trung ương khác đã cắt giảm lãi suất và các chính phủ đã đưa ra các biện pháp kíc‌h thí‌ch kinh tế khổng lồ thông qua các chương trình chi tiêu.

Kết quả là một sự phục hồi đáng kinh ngạc đã diễn ra trên thế giới.

Với sự trợ giúp của chính phủ, người tiêu dùng, đặc biệt là ở Mỹ, vung tiền mua đồ nội thất, thiết bị gia dụng, thiết bị tập thể dục, trò chơi điện tử và các hàng hóa sản xuất khác.

Sự bùng nổ chi tiêu đột ngột gây ra tình trạng thiếu hụt, giao hàng bị trì hoãn và giá cao hơn. Các công ty đã thu hồi nhiều công nhân mà họ đã sa thải vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, các công ty này vẫn không thể thuê nhân viên đủ nhanh để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp phải tăng lương để cố gắng thu hút và giữ chân công nhân.

Giá tiêu dùng bắt đầu tăng vào mùa Xuân năm 2021. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, lạm phát cao hơn có khả năng là “nhất thời” và sẽ giảm bớt khi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu được tháo gỡ.

Tuy nhiên, tháng này qua tháng khác, những cú sốc nguồn cung vẫn "không chịu giảm bớt". Song song với đó, những sự kiện bất ngờ đã khiến tình hình thêm tồi tệ.

Đơn cử như một đợt "đóng băng" bất ngờ ở Texas (Mỹ) đã làm tê liệt hoạt động sản xuất hóa dầu. Một con tàu container khổng lồ bị mắc kẹt ở kênh đào Suez đã cắt đứt giao thương giữa châu Á và châu Âu. Hay hạn hán ở Đài Loan (Trung Quốc) làm gián đoạn quá trình sản xuất chất bán dẫn.

Những yếu tố đó kết hợp với nhau đã khiến lạm phát tăng đều đặn lên mức cao nhất trong nhiều thập niên vào năm 2022.

Để giải quyết vấn đề lạm phát, Fed đã tăng lãi suất cơ bản 7 lần trong năm 2022. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng "theo chân" Fed.

Dù vậy, trang AP nhận định, cuộc chiến chống lạm phát hầu như không kết thúc. Một số nhà kinh tế lo lắng rằng, tình trạng thiếu lao động sẽ kéo dài, đặc biệt là trong các doanh nghiệp dịch vụ phụ thuộc vào lao động, do đó sẽ gây áp lực tăng lương và giá cả.

Lạm phát đang chuyển dịch từ hàng hóa sang dịch vụ - khu vực thường khó kiểm soát hơn.

Ông Jason Furman, nhà kinh tế học Harvard, từng là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Barack Obama khẳng định: "Lạm phát rất có thể đã đạt đỉnh và sẽ thấp hơn vào năm 2023 so với năm 2022. Vấn đề là ’thấp hơn’ có thể có nghĩa là 3% hoặc 4%, vẫn là quá cao đối với Fed. Và mức thấp hơn đang xảy ra một phần là do nền kinh tế đang suy yếu".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật