Hà Nội: Ám ảnh ùn tắc từ trục chính đô thị đến vành đai trên cao

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một vài năm trở lại đây, tình trạng ùn tắc ở Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng, bất kể giờ giấc. Một số tuyến đường trước đây thông thoáng, thì nay cũng đã trở thành “điểm đen“ tắc nghẽn giao thông.
Hà Nội: Ám ảnh ùn tắc từ trục chính đô thị đến vành đai trên cao
Ảnh minh họa

Đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm, trời mưa. Ảnh: Hữu Chánh

Tắc từ trục chính đô thị...

Sống ở khu đô thị cửa ngõ phía nam Hà Nội gần 15 năm, chị Nguyễn Thanh Vân (40 tuổi, khu đô thị Linh Đàm) chứng kiến tốc độ đô thị hoá kéo theo sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông cá nhân, gây áp lực cho hệ thống giao thông ở Thủ đô.

Chị Vân kể, thời điểm mua nhà, đường vào khu đô thị Linh Đàm còn vắng vẻ, đường Vành đai 3 rộng thênh thang, nhưng giờ cả rừng phương tiện ken cứng vào các giờ cao điểm.

Xung quanh khu đô thị Linh Đàm, mặc dù đã có thêm những cây cầu vượt sông, vượt hồ, có đường trên cao nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn nhức nhối.

Cứ tới 17h chiều, chị Vân lại thấp thỏm chờ chuông báo tan làm để phóng xe vượt quãng đường 10km từ Mỹ Đình, mong kịp thoát tắc về đón con đúng giờ.

Tuy nhiên, nếu về vào đúng giờ tan tầm (từ 17h30 - 18h30), chị phải di chuyển mất hơn một tiếng đồng hồ. Đường tắc kín, còi xe inh ỏi, bụi mù mịt do các lô cốt đang thi công án ngữ giữa đường,... khiến chị vô cùng mệt mỏi.

Ùn tắc kéo dài trên đường Trần Phú (Hà Đông). Ảnh: Hữu Chánh

"Cảnh tắc đường từ Khuất Duy Tiến đến nút giao Nguyễn Xiển - Đại lộ Chu Văn An xảy ra trầm trọng từ khi xuất hiện hàng loạt công trường thi công dự án. Giờ cao điểm sáng và chiều tối, giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng, các phương tiện phải nhích từng chút một", chị Vân cho biết.

Anh Nguyễn Nguyên Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, ngày nào anh cũng chứng kiến cảnh ùn tắc trên các tuyến đường mình đi qua.

Là tài xế ôm công nghệ, anh Trung phải ghi nhớ thật kỹ những “điểm đen” để chủ động tìm lộ trình phù hợp.

Dù vậy, anh vẫn không ít lần phải ngán ngẩm khi phải đứng chôn chân, nhích từng centimet giữa dòng xe chật cứng với những luồng giao thông xung đột tưởng chừng không có lối thoát.

Đó là nút giao Ngã Tư Sở kẹt cứng qua khu đô thị Royal City, dọc tuyến đường Nguyễn Trãi; ngã 3 Giải Phóng - Kim Đồng; nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương...

Đến vành đai trên cao

Những ngày gần đây, dù đã qua giờ cao điểm, hàng trăm ôtô vẫn nối đuôi nhau kéo dài hàng km ở đường Vành đai 3 trên cao theo hướng từ Khuất Duy Tiến đến nút giao Pháp Vân.

"Chôn chân" ở đoạn ùn tắc cả tiếng đồng hồ, tài xế Lê Công Toàn (Thường Tín, Hà Nội) thường xuyên đi làm qua đường Vành đai 3 cho biết: "Tình trạng này xảy ra như cơm bữa, như hôm nay (13.12) tắc từ ngã từ Nguyễn Trãi đến nút giao Pháp Vân là còn ít nghiêm trọng, nhiều hôm tắc kéo dài tới cầu Thanh Trì".

Tình trạng ùn tắc kéo dài khiến hành trình hơn 23km từ KCN Bắc Thăng Long đến nút giao Pháp Vân của tài xế Trung mất khoảng 2 tiếng, trong khi đây là tuyến đường cho phép ôtô chạy tối đa 80 km/h.

Theo anh Toàn, lưu lượng phương tiện đông, cùng với nhiều nút giao khiến tốc độ phương tiện rất chậm. "Tất cả các khung giờ đều có thể tắc, xe nọ nối xe kia xếp thành hàng dài. Bây giờ chúng tôi cũng ngại lên đấy lắm", anh Toàn nói.

Vành đai 3 Hà Nội quá tải, chật cứng các phương tiện. Ảnh: LĐO

Theo ghi nhận, vào giờ tan tầm buổi chiều, theo hướng từ trung tâm Hà Nội đi cầu Thanh Trì, tình trạng ùn tắc ở đường Vành đai 3 trên cao nghiêm trọng hơn, phần lớn do xung đột ở các điểm lên cầu như nút giao Trung Hòa, Nguyễn Trãi...

Cũng theo khảo sát, đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở dài 3,1km cũng gặp các tình cảnh tương tự. Cả lối lên, xuống khu vực Ngã Tư Sở quá gần đè‌n đ‌ỏ khiến lượng phương tiện đổ dồn vào một vị trí gây ra cảnh ùn tắc.

Anh Bá Sang (28 tuổi, Đống Đa) cho hay, dù đơn vị chức năng tổ chức lại giao thông, đặt dải phân cách cứng không cho các phương tiện di chuyển từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn nên nhiều phương tiện bất chấp đi ngược chiều.

"Việc các phương tiện không tuân thủ quy định giao thông khiến cho tuyến đường trở nên hỗn loạn", anh Sang nói.

Ngoài ra, việc bố trí điểm dừng chờ xe buýt ngay tại điểm kết thúc Vành đai 2, hướng Trường Chinh - Láng cũng khiến giao thông bị ảnh hưởng.

Ngột ngạt, oi nồng bởi khói xe, bụi bặm khi phải len lỏi giữa rừng phương tiện ôtô, xe máy... vào giờ cao điểm là cảm giác không ai muốn, nhưng vẫn phải trải qua mỗi ngày bởi vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật