Kì lạ: 2 ngôi làng ở Thanh Hóa nói “song ngữ“ và tiếng cổ hàng nghìn năm, “thách thức“ người nghe

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khách lạ khi tới chơi ở làng Kênh Thủy hay làng Cổ Định đều “gãi đầu, gãi tai” trước thứ ngôn ngữ giao tiếp mà chỉ có người dân trong làng mới hiểu được.
Kì lạ: 2 ngôi làng ở Thanh Hóa nói “song ngữ“ và tiếng cổ hàng nghìn năm, “thách thức“ người nghe
Chùa Hoa Long mang dấu ăn văn hóa Chăm Pa ở làng Kênh Thủy, nay là xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc. (Ảnh: Dân Trí)

Câu chuyện về 2 ngôi làng nói cùng lúc “song ngữ” khiến nhiều người không khỏi tò mò, thích thú. Khi đi giao tiếp, làm ăn bên ngoài, người dân làng Kênh Thủy, làng Cổ Định nói ngôn ngữ phổ thông.

Nhưng khi trở về làng, tất cả đều nói chuyện bằng tiếng nói riêng không ai có thể nghe và hiểu được. Đó cũng chính là nét văn hóa đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và khiến người dân nơi đây luôn tự hào, gìn giữ.

Làng nói “song ngữ” bên bờ sông Mã

Nằm bên bờ sông Mã, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) xưa kia có tên là làng Kênh Thủy hay còn gọi là Bản Thủy. So với những ngôi làng khác trong cả nước, làng Kênh Thủy đặc biệt hơn cả bởi hiện nay vẫn còn tồn tại tiếng nói đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được.

Nếu như có dịp tới chơi ở làng Kênh Thủy, bạn sẽ không thể nào nghe được cuộc đối thoại của người dân trong làng với nhau.

Không chỉ “nói nhanh như chim hót”, thêm dấu sắc vào đa phần các từ mà người Kênh Thủy còn “quy định” một số vật dụng, cây cối, con vật... đều có tên gọi riêng chỉ dân làng mới hiểu.

Báo điện tử Dân trí lấy ví dụ: Tóc - tắc, mũi - mủn, răng - nanh, lưỡi - lản, chân - chò, vung nồi - bàng xoong, nia - nâm cấm, gầu múc nước giếng - đài mốc nác, gầu tát nước - bẳn tát nác, gáo múc nước - chuộc, giường - chằng, bàn thờ tổ tiên - chằng cao, con nhện - con rạnh, con chuồn chuồn - bà bịm, con mèo - mẻo, châu chấu - chàu chạu, con rết - con tít, con thạch sùng - con mốn, hạt tấm - mẳn, rơm - bui, môi người - mui, vợ chồng - cấy nhông...

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng (67 tuổi, làng Sanh) chia sẻ trên báo Dân trí: “Người dân làng đi xa về mà dùng tiếng phổ thông là người ta gọi là mất gốc. Sử dụng tiếng riêng của mình, chúng tôi thấy rất tự nhiên, thoải mái. Những người từ nơi khác về làm dâu, rể dần dần cũng quen và nói được hết, chỉ có điều phát âm không được như người bản địa. Nó cũng chỉ khác nhau về cách phát âm, còn ngôn ngữ thì giống nhau”.

Ông cũng lấy ví dụ: “Té ơi, rặn đi. Cằm triêng nác, qua mầu rầy, mượn đôi chắng còng đôi trành ra triêng má lên đòng cao cho thày chá”. (Tạm dịch: Bé ơi, dậy đi. Cầm đòn gánh qua nhà bà dì, mượn đôi quang cùng đôi dành ra gánh mạ lên đồng cao cho bố nhé).

Người dân trong làng Kênh Thủy không biết ngôn ngữ đó có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là thứ tiếng mà từ khi lọt lòng đã được nghe, được học và được nói. Chính vì thế, họ thường răn dạy những thế hệ đi sau dù làm ăn, sinh sống ở đâu cũng không được quên ngôn ngữ mẹ đẻ của quê hương mình.

Kỳ lạ ngôi làng nói tiếng cổ hàng nghìn năm

Không chỉ được biết đến với các di tích lịch sử mang giá trị văn hóa đặc sắc, làng Cổ Định (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) còn nổi tiếng bởi đây là ngôi làng đặc biệt sử dụng tiếng nói cổ xưa trong đời sống hàng ngày.

Ngôn ngữ này chỉ có người dân trong làng mới có thể hiểu được, người ngoài nếu lắng nghe cuộc nói chuyện của dân làng Cổ Định thì đều “vò đầu, bứt tai” vì nghe mãi, nghe hoài cũng không hiểu.

Làng Cổ Định nằm vắt hai bên bờ sông Nhà Lê, địa danh này gắn liền với tên tuổi những danh tướng nước ta. (Ảnh: Zing.vn)

Trong một bài viết được đăng tải trên báo điện tử Báo năm 2014, cụ Lê Ngọc Bá (xóm 3, thôn Cổ Định) lý giải: “Tiếng nói của làng Cổ Định thuộc loại cổ xưa, hình thành cách đây hàng ngàn năm. Khi lớp người như chúng tôi sinh ra, ngôn ngữ này đã được sử dụng rộng rãi rồi”.

Trải qua năm tháng, tiếng cổ ở làng Cổ Định chưa bị mai một nhiều. “Con cháu đỗ đạt, đi làm ăn xa hàng nhiều năm, mỗi lần về thăm quê, họ vẫn luôn nhớ tiếng cổ của làng. Những ngày lễ tết, hội làng, loại phương ngữ này càng được sử dụng nhiều hơn”.

Giống như ngôn ngữ riêng của làng Kênh Thủy, người dân làng Cổ Định cũng đặt tên cho một số con vật, dụng cụ như: con gà là con kha, đầu gối thì gọi là trốc cún, bả vai gọi là cầu ban. Máy bay gọi là tàu băn, lúa gọi là lọ, gạo gọi là cấu, dọn dẹp gọi là đọn đẹp, trời tối gọi là trời tún, về là viền...

Người làng Cổ Định có câu: “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về…”. Họ quan niệm, con gái muốn về làng này làm dâu thì đều phải tự giác học tiếng cổ. “Trong trường hợp nghe mẹ chồng hỏi: “Răng con du đi cằn đến tún tùn tun mới viền ?” (Sao con dâu đi cày đến tối thui thui mới về?). Nếu con dâu không học thì sao hiểu ý bà mẹ chồng nói gì”, cụ Bá vui vẻ nói.

“Bác bán cho tôi cái cổ bà kha…, nghĩa là họ đang muốn mua cái đùi gà. Nếu không hiểu, người ta dễ bị nhầm lẫn”, cụ Bá chia sẻ và cho biết, "cổ bà kha" là từ thường sử dụng tại những phiên chợ.

Hiện nay, trong đời sống hàng ngày người dân Cổ Định vẫn sử dụng song song 2 thứ tiếng: tiếng phổ thông và tiếng cổ. Trong việc giao tiếp với người làng khác hoặc văn bản hành chính, người dân sử dụng tiếng phổ thông. Tiếng cổ chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp.

Để tiếng cổ không bị mai một, những người già trong làng thường răn dạy con cháu phải có ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Dù đi học, đi làm ăn xa xứ cũng nhất định không được quên bản sắc quê hương.

Thậm chí, các cô gái muốn làm dâu trong làng cũng phải tự giác học nói tiếng cổ để có thể giao tiếp, trò chuyện với gia đình nhà chồng và những người dân trong làng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật