Sát thủ... cá chình

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nam Trà My nổi tiếng có lắm cá chình. Dân nhậu mà có mồi này, thì phải là cỡ đại gia chứ không phải chơi, bởi đó là mồi sang, lơ mơ cỡ mình làm chi có cửa. Nên bữa nay chúng tôi nhậu với “sát thủ” cá chình là Tý, mồi nhậu cũng chỉ là thịt heo ba chỉ nướng than ngay ngã ba Tắc Pỏ xã Trà Mai. Quán nghèo, lơ thơ vài người trong cơn mưa tối to dữ dằn.
Sát thủ... cá chình
Anh Tý “sát thủ” có một không hai ở Nam Trà My hiện nay. Ảnh: T.V

1. Tý tên khai sinh là Nguyễn Đức Hải, năm nay mới qua 40 tuổi, nhưng đã thâm niên nghề sông nước. “Thì hồi ở Bắc Trà My, con nít mà, em đã lội sông kiếm cá”. “Đi xa nhất là bao nhiêu?”. “Em đã đi từ ngã ba sông trên Kon Tum lội miết về dưới Nước Xa, chắc hơn 30km”.

“Dọc sông Tranh từ đó tới hết Nam Trà My, đoạn nào nguy hiểm nhất?”. “Ngay sau nghĩa trang huyện, ở Trà Mai đây chứ đâu, có vực sâu hơn 10m. Chính chỗ vực đó, em đã bắt 7 con. Trưa nớ nắng nóng, lội ra tắm coi thử có chi không, rứa là tối lặn xuống, bắt được 2 con, nhỏ nhất là 2,5kg, lớn nhất là 10kg. Hai ngày sau quần lại, bắt tiếp”. “Năm nào?”. “2020”. Giọng Tý như… phê, mắt lấp lánh, như đang ngập trong cơn mê ký ức.

Cá chình là đặc sản. Bắt được, bán cho thương lái giá 650 ngàn đồng/kg, chứ nó mà đã lên bàn nhậu, thì leo thang tiếp. Hàng độc, nên đi bắt mà được con bự bự, là bữa đó… no.

Tôi vẫn nghĩ, như lẽ thường, đó không phải cá hạng tạp nham, nên chắc không dễ bắt. “Không khó” - Tý nói - “gặp là bắt thôi. Nếu ban ngày gặp nó nằm trong hang, lấy tay vỗ vỗ cái trán, nó vẫn nằm im, chứ nó nằm ngoài cát là thua”.

“Vậy, tại sao ít người bắt được? Có phải vì nó ở sâu và trong hang?”. “Không sâu, có hốc đá là nó ở. Tìm hang cũng dễ, hễ thấy ngành, hờm đá, có ngách, là chắc có nó.

Muốn bắt, ban ngày mình đi dò, thấy hang, thì để ý. Cá này có thói quen là đi đâu rồi cũng quần về hang. Muốn bắt nó thì dùng súng cao su bắn tên có me (mũi có hai ngạnh, dính vào là mắc). Phải bắn vào vai, đuôi, chứ đừng bắn đầu vì đầu cứng, da nó lại trơn và dày”.

Tý kể: “Chỗ cái hang sau nghĩa trang đó, em lặn xuống bắn được con gần chục ký. Nước sâu quá mà em hết hơi, lên không kịp, phải uống thêm hai ngụm nước nữa mới có oxy cầm cự tiếp, quần với nó. Con cá đã dính tên, mạnh lắm, nó kéo mình, mình giằng lại không để nó rúc vô lại hang bởi nó mà vô lại sâu trong đó, mình thua.

Em từng thấy họ bắn, nó chạy lôi vô, phải lấy xà beng nạy đá ra mới bắt được”. “Vậy, rõ ràng không phải ai cũng bắt được?”. “Dạ, đó là em nói về em” - Tý khiêm tốn - “lặn sâu khó lắm, nước ngọt áp lực lớn hơn nước biển, không có sức, bùng lỗ tai liền. Chừ nhiều người câu, lưới, chích điện, họ cũng bắt được, chứ lặn thì ít”.

Cá chình sông Tranh ngày một ít dần. Ảnh: T.V

2. Tý nói rằng tính ra đã bắt hàng trăm con cá chình, nhưng bây giờ cá càng ngày càng ít. “Ngay cả vùng Trà Don có thủy điện Đăk Di 1, 2, nước cạn, em lùng mà chỉ được 1-2 con” - Tý trầm ngâm - “Cứ đánh bắt bằng điện, rồi đập ngăn, cá niên cũng hết nói chi cá chình. Cá niên chưa kịp lớn, đã bị bắt sạch. Em đi bắt, chỉ lấy con lớn, còn con nhỏ phải để nó lớn, sinh sản, chứ tận diệt kiểu ni, thứ chi mà còn”.

“Bây giờ họ chơi hiểm, hai người đi dọc hai bờ sông, thả dây cáp xuống, là cá… trồng đứng” - bạn tôi góp chuyện. “Đúng rồi” - Tý nói - “nó chơi 3 bình 150V nối vô, đi như đi chơi, không có ghe thuyền, công an nào biết.

Bữa em xuống chỗ sau huyện đội, định bắt ít cá ngạnh về nấu canh chua ăn chơi, bởi có lần em lặn xuống, thấy cá sốc, ngạnh đông đặc. Lạ, thấy vắng tanh. Lặn thì mới thấy cá chết la liệt. Ôi trời, kiểu ni là mấy ông chích điện hôm qua rồi đây. Về thấy họ đăng trên mạng, bỏ cá vô cái rổ to bự chảng quảng cáo bán cá ngạnh sông Tranh, rứa là em biết ngay…”. 

“Cá chình chừ còn ít…” - tôi cố gạn. “Ít lắm rồi anh, mùa nào cũng có, nhưng ít lắm” - Tý nói, giọng như dài ra, buồn bã - “sớm muộn sẽ mất hết nếu không bảo vệ. Cá chình em chưa từng thấy nó đẻ và cũng chưa ai thấy nó đẻ, chỉ biết nó hay đi lên những khe cạn, tìm tới những lòng hố để đẻ”.

Tôi nghĩ Tý buồn không phải do chuyện làm ăn kiếm lời từ cá chình ngày một… teo, mà chính là nỗi nặng lòng của người biết quý trọng nguồn thủy sản hiếm có, mình ăn còn phải để mai sau nữa, chứ đánh bắt kiểu này, thì tiệt nọc.

Mà đâu chỉ có Tý khổ sở với ý nghĩ đó, một người khác, đáng mặt… sư phụ anh trong chuyện này, cũng giọng buồn tênh. Ở đây họ gọi ông là  Sáu Nguyễn, còn tên thật là Trần Văn Hùng, nhà cũng ngay Tắc Pỏ. Hào hứng, ông dẫn ngay về nhà, lôi đồ nghề là cây súng cao su bắn tên dài 0,8m, có nối dây cước dài 20m và mặt nạ.

“Ngó đồ đơn giản ri chứ nó nuôi sống tôi đó, gắn bó với tôi 20 năm  rồi” - ông cười. “Tôi làm hồi những năm 1990 kia, bỏ nghề đã 11 năm rồi”. “Chú bị… tổ trác lần nào chưa?” - tôi hỏi giỡn. “Chưa, có ra máu mũi ba lần thôi, vì lặn trúng chỗ quá sâu ở thác Năm Tầng. Tôi lặn được 90 giây, sâu được 14m. Ở đây không ai lặn qua tôi đâu”.

Tôi ngó gương mặt ông, thấy có dấu hiệu bịnh của người cao huyết áp. “Ừ, nguy hiểm, chừ lâu lâu lặn chơi thôi. Hồi đó tôi bắn con 2kg trở lên, chứ chình nhỏ tôi không bắt. Răng hả? Phải để nó lớn chứ. Có hang, tôi đoán nó 1,5kg, sau 3 năm tôi quay lại, nó đã lên 3kg.

Con cá chình lạ ở chỗ, nếu có hang nhỏ,  nó sẽ quậy cho to ra, đủ rúc vô sống. Cá lớn chừng nào thì hang chừng đó, nên nhìn là biết ngay to nhỏ. Cá lớn nhất tôi từng bắt là ba con, mỗi con 15kg, chứ loại 10kg là thường xuyên.

Tôi mà thấy, dứt khoát bắt được. Có hầm sâu 2m, rúc vô bắn xong mới mò ra. Đâu phải dễ ăn…”. “Ủa, vừa bắn vừa kéo, gặp con to thì làm sao khi ở quá sâu?”.  “Mình bắn, có người trên bờ kéo cước chứ, chứ hắn mạnh lắm, quậy mình chịu không nổi”.

Ông Sáu Nguyễn với bộ đồ nghề 11 năm không đụng đến. Ảnh: T.V

3. Ông Sáu Nguyễn “giã từ vũ khí”, nhưng cầm súng lên là giọng mê say. Súng bỏ sau bếp, phủ bụi. Nghĩ cho cùng nghề săn cá bắn chim cũng là cái cần câu cơm, làm chi ăn nấy, nhưng nói như thói thường dân gian, làm chi cũng phải nghĩ, đừng quá đáng với của trời cho, dù có chim trời cá nước thì cũng tàn kiệt bởi lòng tham. Nhưng thiên hạ, trước đồng tiền, có được bao kẻ biết… tri túc?

“Bắt ẩu, lớn nhỏ hốt hết, rồi làm thủy điện, đất lấp hồ lấp sông, tôi nói anh nghe cá mô mà chịu nổi cánh quạt của các máy phát điện từ thủy điện” - ông Sáu Nguyễn tư lự - “cá chình nó đẻ dưới hạ lưu, đẻ xong là chết, còn con nó sẽ ngược nguồn tìm về chỗ cha mẹ ở, đó là tôi xem báo thấy nói rứa. Nghĩ hay thiệt, con cá cũng biết nguồn cội…”.

Tôi định nói với ông rằng, chẳng có sinh vật nào vô tri. Sáng sớm, nước cạn, chảy hiền hòa, im lặng uốn quanh qua mấp mô lòng đá lớn nhỏ trước trụ sở cơ quan hành chính huyện. Nhìn lên, mây phía Ngọc Linh đùn như núi bông lớn hòa cùng sương và khói đá.

Trời đất ban cho xứ này lắm sản vật quý báu. Giữ cho mai sau hay không, mọi thứ nằm trong tay chính quyền và người dân bản địa, đừng để mai này những người như ông Sáu Nguyễn, như Tý cảm thán rằng “có mười tôi cũng bắt không ra”, vì đó đâu chỉ là cá…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật