Từ vụ cựu Bí thư tỉnh Bình Dương: Xét xử án tham nhũng cần ưu tiên thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương và 27 bị cáo liên quan đã cơ bản khép lại. Phiên tòa sơ thẩm về vụ án này là bài học quý trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ vụ cựu Bí thư tỉnh Bình Dương: Xét xử án tham nhũng cần ưu tiên thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát
Ảnh minh họa

Tài sản thu hồi triệt để, hình phạt nhân văn

Trong vụ án thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, xảy tại Bình Dương, cựu Bí thư tỉnh Trần Văn Nam và 21 bị cáo liên quan bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 3 bị cáo bị đưa ra xem xét về tội “Tham ô tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức và bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, gọi tắt là Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương) cùng 2 bị cáo liên quan bị truy tố cùng lúc về 2 tội danh nêu trên.

Quá trình xét xử cho thấy, năm 2012, bị cáo Trần Văn Nam (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) ký quyết định giao các khu đất 43ha và 145ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và do Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương là chủ sở hữu), theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng. Sau đó, trên cơ sở tham mưu của một số cá nhân thuộc các sở, ngành liên quan, bị cáo Trần Văn Nam ký quyết định thu tiền sử dụng đất đối với Tổng Công ty XS-XNK Bình Dương nhưng lại áp dụng đơn giá từ năm 2006. Việc này dẫn đến Nhà nước bị thất thoát số tiền hơn 761 tỉ đồng…

Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận sai phạm của bản thân như cáo trạng truy tố, đồng thời thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đối với thiệt hại hơn 761 tỉ đồng do áp giá thu tiền sử dụng đất không đúng, Công ty Âu Lạc (doanh nghiệp mua lại cổ phần của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú) cũng đã khắc phục được hơn 252,5 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch còn thiếu, Công ty Kim Oanh (doanh nghiệp mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Tân Phú, trong đó có 43ha đất) xin được nộp bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án trên phần đất 43ha…

Đưa ra phán quyết đối với cựu Bí thư Bình Dương cùng 27 bị cáo liên quan, TAND TP Hà Nội xác định, hậu quả về mặt vật chất của vụ án đã được khắc phục hết. Trong đó, triệt để là hành vi tham ô tài sản, khi các bị cáo tự nguyện giao nộp toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt ngay trong giai đoạn điều tra. Đối với số tiền chênh lệch còn thiếu do tỉnh Bình Dương áp giá thu tiền sử dụng đất sai (43ha), Tòa án tuyên buộc Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương phải nộp thêm hơn 560 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước và 145ha đất thì trả về cho Tỉnh ủy Bình Dương.

Với việc tài sản thất thoát đã được thu hồi gần như triệt để, thế nên khi quyết định hình phạt, TAND TP Hà Nội đã áp dụng chính sách khoan hồng với tuyệt đại đa số các bị cáo trong vụ án. Trong đó, cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam chỉ bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Mức án này thấp hơn hẳn mức án mà đại diện viện kiểm sát đề nghị xử phạt trước đó (từ 9 - 10 năm tù). Thậm chí, một số bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” nhưng có vai trò thứ yếu, mờ nhạt nên được hưởng án treo.

Các bị cáo trong vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam tại phiên tòa sơ thẩm

Công bằng, công tâm và có lý, có tình

Trong các vụ án kinh tế tham nhũng lớn, việc truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt đối với các bị cáo hay việc thu hồi tài sản cho Nhà nước như thế nào, thu hồi được bao nhiêu luôn được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Trong vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan, cả hai vấn đề này đều đã được các cơ quan tố tụng giải quyết một cách thấu đáo.

Xét xử án tham nhũng nói chung và vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương nói riêng, ở một góc độ khác, việc bảo đảm quyền lợi cho người thứ ba ngay tình, dư luận xã hội cũng luôn đòi hỏi phải có sự công bằng, công tâm và liêm chính. Trong vụ án này, vấn đề người thứ ba ngay tình cũng đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết một cách thuyết phục, có lý có tình. Cụ thể, tại khu đất 43ha, nhóm Nguyễn Văn Minh đã làm trái chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương khi mang tài sản này đi góp vốn cùng Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú để thực hiện Dự án Khu dân cư - Thương mại - dịch vụ Tân Phú. bị cáo Minh sau đó chỉ đạo Tổng Công ty SX - XNK Bình Dương “bán rẻ” 43ha đất cùng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc…

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh cho rằng, Pháp Luật Hình Sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định Công ty Kim Oanh không có hành vi phạm tội. Công ty Kim Oanh là người thứ ba ngay tình trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc để trở thành chủ sở hữu hợp pháp của Công ty Tân Phú, bao gồm cả quyền sử dụng 43ha đất. Bộ luật Dân sự quy định, quyền lợi ích của người thứ ba ngay tình phải được đảm bảo nên Công ty Kim Oanh có toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích đất 43ha. Đại diện Công ty Kim Oanh đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép doanh nghiệp được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 43ha. Đề nghị này cũng phù hợp với mong muốn của đại diện Tỉnh ủy Bình Dương đưa ra tại phiên tòa.

Trước đó, bày tỏ quan điểm về đường lối giải quyết vụ án, đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, cần phải trả lại 43ha đất cho Tỉnh ủy Bình Dương. Những vướng mắc giữa các bên liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất này sẽ áp dụng các quan hệ Pháp Luật khác để giải quyết. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến, quan điểm tranh luận của các bên, tại phần đối đáp, đại diện viện kiểm sát đã có quan điểm khác. Theo đó, kiểm sát viên nêu: “Đối với khu đất 145ha và 43ha, Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát Triển, Công ty Tân Phú và Tỉnh ủy Bình Dương đã có ý kiến đề nghị phương án xử lý. Do đó, viện kiểm sát đề nghị HĐXX giải quyết theo Pháp Luật”.

Sau nhiều ngày xét xử, nghị án và với trọng trách rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên, TAND TP Hà Nội đã đưa ra quyết định về các khu đất trong vụ án. Cụ thể, HĐXX sơ thẩm khẳng định: “Căn cứ vào các quy định của Pháp Luật, đơn đề nghị của Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, xét thấy cần tạm giao cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý khu đất 43ha”. HĐXX cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét xác định đầy đủ các nghĩa vụ tài chính mà Công ty Tân Phú phải nộp đối với khu đất 43ha, bảo đảm không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và cũng đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Và do 145ha đất được trả về cho Tỉnh ủy Bình Dương nên tòa cấp sơ thẩm không buộc các bị cáo phải bồi thường về dân sự ở sai phạm này.

Trong các vụ án kinh tế tham nhũng lớn, việc truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt đối với các bị cáo hay việc thu hồi tài sản cho Nhà nước như thế nào, thu hồi được bao nhiêu luôn được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Trong vụ án cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan, cả hai vấn đề này đều đã được các cơ quan tố tụng giải quyết một cách thấu đáo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật