Thanh Hóa: 9X xinh đẹp dân tộc Thổ bỏ việc ở Nhà xuất bản Giáo dục về quê làm “vườn rừng lung tung”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù đang có công việc ổn định tại nhà xuất bản, Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990), người dân tộc Thổ, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã bỏ cuộc sống nơi phồn hoa đất Hà Thành trở về quê hương phát triển mô hình “vườn rừng bản Thổ” theo cách riêng của mình.
Thanh Hóa: 9X xinh đẹp dân tộc Thổ bỏ việc ở Nhà xuất bản Giáo dục về quê làm “vườn rừng lung tung”
Ảnh minh họa

Bỏ phố về trồng "vườn rừng lung tung"

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình vườn rừng rộng chừng 3 ha với đủ các loại cây rừng như: lim, lát, dổi, trám... kết hợp với các loại cây ăn quả như cam, quýt, na, ổi… cùng một số loại cây dược liệu và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi khác.

Linh cho biết, khu đồi này cách đây 3 năm, sau khi chặt hết cây keo đi rất cằn cỗi. Có được khu rừng đang xanh tốt và phát triển như hiện nay là cả một quá trình dài với bao nhiêu khó khăn và vất vả.

Mô hình “vườn rừng bản Thổ” của Nguyễn Lê Ngọc Linh (người dân tộc Thổ, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bước đầu đã đạt được hiệu quả. (Ảnh Hữu Dụng).

Linh bộc bạch: "Mục tiêu của tôi là tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững. Ở đó sinh kế được đảm bảo mà không cần chặt đi cây rừng nào, không cần hủy hoại hệ sinh thái bởi thuốc diệt cỏ, thuốc kíc‌h thí‌ch, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học mà năng suất cây trồng vẫn cao để gia đình mình và người dân ở đây có cuộc sống tốt hơn".

Vốn là người con dân tộc Thổ sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi nghèo Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa nên hình ảnh những đồi núi, rừng cây đã gắn liền với tuổi thơ cô gái sinh năm 1990 này. Nhìn thấy những cánh rừng đang bị đốn hạ ngày càng nhiều, đất đai bỏ hoang, Linh không khỏi xót xa và hy vọng mình có thể làm điều gì đó có ích cho quê hương.

Ngoài trồng các loại cây rừng, Nguyễn Lê Ngọc Linh còn nuôi thêm ong lấy mật. (Ảnh Hữu Dụng).

Năm 2013, sau khi tốt Học viện Báo chí Tuyên truyền (khoa quan hệ công chúng – Quảng cáo), Linh đã trúng tuyển vào làm truyền thông cho một công ty thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, những trăn trở về quê hương vẫn đau đáu trong lòng. Một năm sau đó, Linh bắt đầu lên mạng tìm kiếm các hội nhóm về nông nghiệp, đọc các phương pháp nông nghiệp bền vững.

"Ban ngày tôi đi làm, đến tối lại thức đến tận  2 - 3h sáng lọ mọ đọc hết mọi bài viết người ta chia sẻ, về kiến thức nông nghiệp, sau đó lấy giấy bút ghi chép lại. Ngày nghỉ thì tôi lại tới các hội thảo về nông nghiệp và đi thăm các mô hình để xem trực tiếp cách người ta làm rồi tích lũy kinh nghiệm dần", Linh nhớ lại.

Để tạo độ ẩm và giúp đất luôn tươi xốp, Nguyễn Lê Ngọc Linh đã trồng thêm rất nhiều loại cỏ. (Ảnh Hữu Dụng).

Năm 2018, Linh quyết định trở về quê trước sự phản đối kịch liệt của gia đình vì ở đây thiếu thốn đủ thứ, từ đất xấu, đến đường giao thông đi lại đều gặp khó khăn. Lúc ấy, mọi người cho Linh là viển vông, gàn dở nhưng với mong muốn được gắn bó với gia đình và làm một điều gì đó với quê hương nên Linh vẫn quyết tâm bất chấp trở về.

Mô hình vườn rừng này của Linh nương theo hệ sinh thái rừng tự nhiên, Linh trồng đa dang các loại cây để tạo nên một hệ sinh thái đa tầng tán, trên cùng một diện tích canh tác. Từ đó, có thể sử dụng tối ưu năng lượng mặt trời và thu hoạch được nhiều vụ khác nhau trên cùng một diện tích, để có đa dạng nguồn thu. 

Nhờ vậy đất cũng sẽ được cải tạo, giữ được nước, chống xói mòn và tạo được độ phì nhiêu hơn. Sau mỗi lần thu hoạch các cây ngắn ngày, cắt tỉa cây rừng thì Linh lại tận dụng những thứ đó phủ lên đất để trả lại lượng sinh khối che phủ cho đất.

Mô hình "vườn rừng bản Thổ" lạ, độc

Sau khi quyết định về quê khởi nghiệp, Linh vay mượn được vốn và bắt tay vào làm thử nghiệm trên 3 ha đất trống gia đình khi đã chặt hết cây keo để bán. Sau đó Linh để đất nghỉ một năm rồi bắt đầu trồng chuối, khoai lang và đậu đen làm cây tiên phong cải tạo đất. Đến tháng 2/2020, Linh thiết kế và trồng gần 60 loại cây trên mô hình vườn rừng của mình.

Ngoài ra, Nguyễn Lê Ngọc Linh còn chế tạo ra nhà sấy dược liệu bằng năng lượng mặt trời. (Ảnh Hữu Dụng).

Theo Linh, điểm đặc biệt ở mô hình vườn rừng này là chỉ trồng dặm cây chứ không phá. Linh cho biết: "Như Xuân là vùng đất khô hạn, ít mưa, đất đai nếu không được che phủ tốt sẽ dễ bị thoát hơi nước dẫn đến bạc màu, không thể trồng được cây. Bởi vậy, mình không sử dụng thuốc diệt cỏ, không nhổ cỏ, xáo cỏ để tạo độ che phủ tốt cho đất".

Theo Nguyễn Lê Ngọc Linh, ở vùng đất "khó khăn trăm bề" này mà mô hình này bước đầu vẫn thành công thì dù bất cứ đâu, rừng cũng sẽ được trồng lại. Do đó, Linh luôn nỗ lực từng ngày để giấc mơ tái sinh vườn rừng mình thành hiện thực trong thời gian ngắn nhất.

Nguyễn Lê Ngọc Linh mong muốn xây dựng mô hình vườn bản Thổ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. (Ảnh Hữu Dụng).

Để cùng nhau bảo vệ và phát triển rừng theo cách tự nhiên, Linh đã tập hợp được một số thành viên có chung đam mê về rừng, về nông lâm nghiệp để hiện thực hóa ước mơ trồng rừng của mình. Và Linh còn ấp ủ sẽ thành lập một hợp tác xã quy mô lớn cùng với những mô hình du lịch cộng đồng.

Năm 2020, tại vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, dự án "Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa" của Nguyễn Lê Ngọc Linh đã xuất sắc giành được giải "Dự án nông nghiệp phát triển bền vững".

Để có thu nhập lấy ngắn nuôi dài, Nguyễn Lê Ngọc Linh đã làm ra các sản phẩm từ mật ong kết với dược liệu như: gừng ngâm mật ong lên men, tỏi ngâm mật ong lên men, nghệ ngâm mật ong lên men. (Ảnh Hữu Dụng).

Bên cạnh việc triển khai mô hình cây trồng bền vững, Linh còn kết hợp chăn nuôi gà bản địa và ong mật, đồng thời chủ động hoàn toàn nguồn phân bón cho cây trồng, thức ăn cho vật nuôi bằng việc ứng dụng vi sinh vật có lợi IMO.

Ngoài ra, Linh cũng đang dần hoàn thiện sản xuất và giới thiệu ra thị trường các sản phẩm làm từ dược liệu kết hợp cùng mật ong lên men như: gừng ngâm mật ong lên men, tỏi ngâm mật ong lên men, nghệ ngâm mật ong lên men… Và các đặc sản địa phương theo mùa như măng rừng, mắc khén, hạt dổi.

Mô hình vườn rừng bản Thổ của Nguyễn Lê Ngọc Linh hiện đã trồng được 60 loại cây khác nhau. (Ảnh Hữu Dụng).

Từ việc bán các sản phẩm từ vườn rừng như mật ong, các cây rừng và các loại cây dược liệu, trái cây và chăn nuôi… đã đem về thu nhập cho gia đình Linh khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động chính và 10 lao động thời vụ với mức lương 4 - 5 triệu/người/tháng.

Ngoài việc làm kinh tế, Linh còn hăng say tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương. Vừa qua, Linh được Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi.

Năm 2020, tại vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, dự án "Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa". (Ảnh Hữu Dụng).

"Như Xuân hiện có 8 mô hình do thanh niên làm chủ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình "vườn rừng bản Thổ" của Nguyễn Lê Ngọc Linh đang góp phần tạo thêm việc làm cho người dân và giữ gìn môi trường sinh thái. Nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện quan tâm, học hỏi theo mô hình này để phát triển sản xuất ngay tại địa phương. Thời gian tới, huyện Đoàn Như Xuân (Thanh Hoá) sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình "vườn rừng bản Thổ" - Chị Bùi Thị Huệ - Phó Bí thư huyện Đoàn Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật