Một hôm hai người rủ nhau vào rừng đặt bẫy thú. Rốc-say đặt bẫy dưới đất, còn Thi-say đặt bẫy trên cây. Xong đâu đấy, cả hai cùng quay về nhà ngủ.
Mờ sáng hôm sau, Thi-say trở dậy, lần ra rừng. Chàng ta trèo lên cây, thấy bẫy rỗng không, chẳng có con thú nào mắc bẩy của mình cả. Thi-say liền mò sang bẫy của Rốc-say. Một con hươu đã bị mắc bẫy. Thi-say liền tháo ngay bẫy của Rốc-say, vác con hươu, trèo lên cây, mắc vào bẫy của mình. Xong đâu đấy, anh ta quay về nhà, làm nốt giấc ngủ còn dở dang.
Khi Rốc-say ra xem bẫy thì thấy bẫy của mình đã sập, trong bẫy còn vết máu, nhưng thú thì chẳng thấy đâu. Anh biết ngay là có kẻ đã vớt phỗng tay trên mất con thú của mình. Anh lần theo vết máu dưới đất để tìm. Vết máu dẫn Rốc-say tới gốc cây có bẫy của Thi-say. Chàng ta vội trèo lên cây thì thấy con hươu của mình nằm gọn trong bẫy của ông bạn láng giềng.
Anh về nhà, kể lại chuyện ấy cho vợ nghe, rồi nói:
– Chuyện đâu có chuyện lạ đời. Hươu mà lại biết chạy lên cây chui vào bẫy! Đúng là Thi-say đã đánh tráo con hươu của mình.
Vợ Rốc-say liền xui chồng đi kiện. Anh chàng nghe lời, vội đi trình quan ngay. Quan cho đòi cả hai bên nguyên, bị [1] lên hầu, rồi xử rằng:
– Xưa nay vật nào đã nằm ở đất của nhà ai, thì thuộc về nhà ấy. Con hươu đã nằm trong bẫy của Thi-say, vậy thì Thi-say được con hươu ấy.
Xử xong, quan cho hai người về. Nhưng Rốc-say không chịu. Anh ta xin quan hoãn việc thi hành bản án lại một ngày để anh ta tìm thầy kiện. Quan bằng lòng và hẹn đến sáng sớm ngày sau sẽ xử lại vụ kiện này. Rốc-say ra về, lòng buồn phiền, mặt cau có, giận dữ vì nỗi thua kiện oan. Dọc đường anh tình cờ gặp một con thỏ đang gặm cỏ ở bên đường. Thỏ hỏi:
– Này bác, có việc gì mà vẻ mặt bác buồn phiền làm vậy?
– Đang bực mình vì thua kiện đây – Rốc-say trả lời. Rồi anh chàng Rốc-say đem đầu đuôi câu chuyện kể cho Thỏ nghe.
Nghe xong, Thỏ nói:
– Này bác, để đấy tôi giúp cho. Nhưng nếu mà được kiện thì bác trả công tôi những gì?
Rốc-say trả lời:
– Được ta sẽ biếu chú năm “bất”.
Thỏ cười:
– Tôi thì cần gì tiền. Chỉ cần bác cho tôi một nải chuối thật to, chín là tốt rồi.
Rốc-say trả lời:
– Cái đó thì có khó gì! Nếu chú giúp ta được kiện, ta sẽ biếu chú cả buồng chuối, chứ chẳng phải là một nải chuối đâu.
Hai bên tạm biệt nhau, hẹn sáng mai lại gặp.
Sáng sớm hôm sau, Rốc-say ra chỗ hẹn gặp Thỏ. Nhưng đợi hoài mà chẳng thấy Thỏ đâu. Mãi đến lúc mặt trời đã lên cao bằng con sào mới thấy Thỏ lững thững đi tới. Thỏ gặp Rốc-say chào hỏi vồn vã, nhưng chẳng nói gì tới việc kiện cáo cả. Nó hỏi Rốc-say:
– Thế nào, bác đã sắp sẵn chuối cho tôi chưa?
Rốc-say sốt ruột trả lời:
– Đâu đã vào đấy rồi. Nhưng này, ta đi hầu kiện thôi chứ, quá muộn rồi!
Nhưng thỏ vẫn nhở nhơ gặm cỏ, chơi đường, làm như không biết gì đến vẻ sốt ruột của Rốc-say. Nó bảo:
– Trời hôm nay nóng thật!
Rốc-say ừ hừ cho qua chuyện, rồi lại giục:
– Này, chú Thỏ, đi thôi chứ? Quan hẹn là sáng sớm đã phải có mặt rồi!
Lúc ấy, Thỏ mới nói:
– Đừng có cuống lên thế. Mọi việc đã có tôi thu xếp, bác cứ để mặc tôi.
Nói đoạn, Thỏ lại nằm khểnh, gãi đầu, gãi bụng. Rốc-say nén lòng đợi một lúc, nhưng rồi ruột nóng như lửa đốt, anh lại nói:
– Chú định thế nào, chú Thỏ! Quá hẹn lâu rồi!
Thỏ bực quá, gắt lên:
– Đã bảo là cứ mặc tôi mà lại! Lúc nào tôi thấy cần đi, tôi khắc bảo.
Thỏ đợi đến lúc mặt trời gần đứng bóng mới cùng Rốc-say đi đến quan hầu kiện. Lúc ấy đã gần tan buổi hầu. Quan thấy Rốc-say đến liền mắng:
– Sao bây giờ ngươi mới vác mặt đến? Đã đến muộn như vậy thì ta cho ngươi biết tay: ta sẽ không xử lại nữa, cứ y án [3] hôm qua mà thi hành!
Thỏ lúc ấy mới tiến ra. Nó vái chào quan rất cung kính, rồi nói:
– Xin quan hãy bớt giận. Để cho bác Rốc-say đến hầu kiện muộn, chính là tại tôi. Tôi đã giữ bác Rốc-say lại đường để cùng xem chuyện kì lạ! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, quả là bây giờ tôi mới thấy là một! Quan mà trông thấy việc kì lạ như vậy, thì chắc chắn là quan cũng không thể nhấc chân mà bước đi được.
Quan nghe Thỏ nói thế, lấy làm lạ, ra lệnh:
– Ngươi hãy kể chuyện ấy cho ta nghe xem nào!
Thỏ liền nói:
– Bẩm vâng! Số là tôi đang đi ở giữa đường, thì bỗng thấy một đàn cá đông không biết đâu mà kể. Chúng bò lên đường rồi nối đuôi nhau leo thẳng lên cây, hái quả ăn. Bẩm quan, quả là như vậy, tôi cứ đứng sững mà nhìn, không sao đi được nữa.
Quan nghe đến đây thì đập bàn quát:
– Nói láo. Ngươi nói không thể tin được. Đời thuở nhà ai mà lại có chuyện cá trèo lên cây hái quả ăn.
Thỏ đợi quan nói xong, liền mỉm cười, nói:
– Bẩm quan, thế mà có người lại cho là thực đấy. Có đời thuở nhà ai hươu lại trèo lên cây chui vào bẫy không? Quan không tin là cá biết trèo cây thì sao quan lại cho là hươu biết trèo? Tại sao quan lại cho Rốc-say thua kiện?
Nghe Thỏ nói vậy, quan tỉnh ngộ, hỉu ngay bản án hôm trước, cho Rốc-say được kiện, bắt Thi-say phải trả con hươu lại cho Rốc-say.
Rốc-say sung sướng vác hươu, cùng Thỏ đi về. Và tất nhiên, Thỏ đã được chén một bữa chuối no nê, thỏa thích.