Đà Nẵng: Trường mầm non hàng chục tỷ đồng “nằm chờ” giáo viên

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại Đà Nẵng, một ngôi trường mầm non rất khang trang, được đầu tư kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách thành phố vừa hoàn thành. Tuy nhiên, nhà trường chỉ mở được 3 trên tổng số 16 lớp vì thiếu giáo viên. Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh học sinh là rất lớn.
Đà Nẵng: Trường mầm non hàng chục tỷ đồng “nằm chờ” giáo viên
Ảnh minh họa

Hiệu trưởng trường mầm non Hương Sen cho biết, ngay sau thông báo tuyển sinh, trường đã nhận khoảng 500 bộ hồ sơ, dự kiến tiếp nhận 5 nhóm lớp với khoảng trên 150 em với hình thức bốc thăm. Tuy nhiên 2 lớp trẻ nhỏ đã “trúng tuyển” phải thông báo hủy vì không có giáo viên đứng lớp. Nhà trường chỉ tổ chức được 3 lớp học cho 95 học sinh nhỡ và lớn.

Xem Video: Đà Nẵng: Trường mầm non hàng chục tỷ đồng "nằm chờ" giáo viên

Cô NGUYỄN THỊ LỆ HOA, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Sen, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng: “Lý do là vì biên chế của năm 2022-2023 là không có, không có biên chế, không có con người, quận và phòng nội vụ phải rà soát lại hết tất cả các trường trên địa bàn quận, đưa cho về đây được 6 giáo viên, mở được có 3 lớp. Phụ huynh rất đông, nếu mở sẽ rất đông, nhưng cũng khó, nói với phụ huynh chia sẻ với nhà trường thôi chứ không có giáo viên”.

Do không thể vào trường Hương Sen, chị Thúy cùng nhiều phụ huynh khác buộc phải cho con học trường tư với chi phí đắt đỏ hơn. Tình trạng có trường nhà nước đầu tư xây dựng mà không thể đến học đang khiến phụ huynh bức xúc.

Chị CAO THỊ THANH THÚY, Phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng: “Vì chi phí sẽ giảm đi, trường tư chi phí cao hơn. Gia đình mình 2 đứa nhỏ, nhà thu nhập thì không đảm bảo, trường tư thì mình phải cố gắng rất nhiều. Mình cũng muốn cho con vào trường Hương Sen đấy chứ nhưng không có lớp”.

Hai năm qua, trên địa bàn quận Cẩm Lệ không được phân bổ thêm biên chế giáo viên bậc mầm non, trong khi nhu cầu giảng dạy, sĩ số học sinh ngày càng tăng cao. Không chỉ trường Hương Sen mà có nhiều trường mới được xây dựng, cũng chưa thể khai thác hết công suất do không bảo đảm giáo viên đứng lớp.

Ông LÊ KIM HÙNG, Trưởng phòng Nội vụ, UBND quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng: “Hướng vừa rồi của Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, kể cả UBND thành phố cũng đã có văn bản đề nghị sắp xếp lại các điểm trường cho phù hợp. Một số điểm trường cơ sở vật chất chưa đảm bảo thì dồn lại điểm trường mới phù hợp với người dân đi lại, về phía quận thì cũng có kiến nghị phân bổ biên chế, đảm bảo nguồn giáo viên”.

Ông MAI TẤN LINH, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng: “Chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế trên toàn quốc, thì việc tăng biên chế ở 1 địa phương, 1 ngành rất khó. Chúng tôi đang vận động các tổ chức xây dựng trường, xã hội hóa, giảm sức ép lên các trường công lập, chỉ có như vậy mới đáp ứng nhu cầu học tập của người dân”.

Cơ sở hạ tầng bị lãng phí, con em thì chịu thiệt thòi khi không được thụ hưởng chính sách của thành phố về giáo dục. Địa phương cần sớm tìm phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này, để không còn những ngôi trường được đầu tư hàng chục tỷ đồng ngân sách rồi lại nằm im chờ giáo viên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật