Út Nguyệt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vườn của ông Hai Kiết khá rộng, phải có đến ba mẫu. Phần đất ở rạch Xẻo Bần ông Hai Kiết cho Tư Minh cất nhà ở đậu rộng khoảng hai công.
Út Nguyệt
Minh họa của: MINH SƠN

Ở đậu, tức là ở đậu trên đất thôi, tất cả những gì chung quanh ngôi nhà nhỏ đều thuộc chủ vườn, người ở đậu chẳng được huê lợi gì mà có nhiệm vụ phải canh giữ trộm, bảo quản vườn tược cho chủ vườn. Ông Hai Kiết thấy vợ chồng Tư Minh hiền lành, trung thực, nghèo đến cục đất chọi chim không có nên cho mượn đất ở xẻo rạch cất nhà ở đậu vì lòng thương người thì ít mà chính là lợi dụng Tư Minh làm người giữ vườn không công. Tư Minh biết rõ điều đó, nhưng trong hoàn cảnh nghèo, có được một chỗ ở là may nên Tư Minh chẳng so đo, tính toán.

Từ nhà Tư Minh xuống rạch lớn, tức đầu vườn nhà ông Hai Kiết khá xa, và ở rạch lớn Tư Minh biết mới có cây lá cách. Đây là loại cây dại, mọc hoang nơi bờ mương, bờ rạch vùng nước mặn. Cây lá cách thân to, có nhiều cành, nhánh, tán rộng, lá cây cách non có màu xanh mơn mỡn dùng để nấu canh, xào hoặc làm món rau kèm chung với các loại rau khác ăn bánh xèo rất ngon và rất thơm. Người ở quê, sống miệt vườn như Tư Minh không lạ gì cây lá cách, bởi lá cách xào thịt bò là món sang đối với dân nhậu miệt vườn, nhưng nếu xào thịt ếch, thịt nhái hoặc thịt cóc cũng là thứ… mồi bén để dân nhậu đưa cay mệt xỉu.

Tuy nhiên, gốc và rể cây lá cách có công hiệu chữa mất sữa cho phụ nữ mới sanh thì Tư Minh mới nghe bà Năm Phê bày vẽ. Thương vợ, xót con, Tư Minh chẳng quản đường xa, lội mương nhọc nhằn, cũng chẳng ngại lính trong đồn Cầu Lộ bắn ẩu. Và cứ theo dòng suy nghĩ tản mạn của mình, Tư Minh theo bóng chiều nhạt dần, tranh thủ đi nhanh về hướng rạch lớn.

Vừa tới đầu rạch, Tư Minh đã thấy một bụi cây lá cách to đùng mọc chen với đám lau sậy, ô rô dày bịt. Vai vác cuốc, tay cầm cây dao cán dài, Tư Minh xông vào đám lau sậy, phạt ô rô ngã rạp xuống, dọn trống chung quanh gốc cây lá cách để lấy thế đào gốc. Những nhát cuốc của Tư Minh hì hụi bổ xuống, những tảng đất bùn bật lên, dần dần hé lộ ra gốc cây lá cách với từng chùm rễ chi chít. Cây dao cán dài trong tay Tư Minh phạt ngọn, chặt cành, dọn sạch khoảng không trên đầu để đốn cây thì bỗng nhiên có tiếng ong bay vù vù, ngẩng nhìn lên Tư Minh chỉ kịp nhìn thấy những cái bóng màu vàng đen của lũ ong vò vẽ lao tới.

Biết không thể làm gì khác hơn được, Tư Minh quăng cuốc, ném dao phóng tới mép rạch và nhào xuống nước lặn một hơi qua phía bên kia rạch mới dám trồi đầu lên. Nhưng mấy con ong vò vẽ hung hăng vẫn bám theo và một con ong đã chích vào vai Tư Minh một phát đau điếng. Tư Minh tay bóp nát con ong, tay vịn vai xoa vết chích, tiếp tục lặn xuống nước để lẩn trốn.

Cứ thế, Tư Minh chơi cút bắt với lũ ong đến khi chúng rút lui mới trồi lên lặn về bên này bờ rạch.

- Anh Tư bị ong vò vẽ “bố” hả?

Đó là giọng nói của một cô gái, cái giọng nói nghe quen quen, dịu dàng như mật rót. Nhưng do bị ong chích và trong tình thế bối rối, bất ngờ Tư Minh chưa kịp nhận ra cô gái thốt lên câu hỏi vừa rồi là ai.

- Bộ anh Tư không nhận ra em hả? Út Nguyệt nè.

Tư Minh giật nảy người, quả thật là anh không ngờ Út Nguyệt xuất hiện trong hoàn cảnh như thế này. Tư Minh vô cùng bối rối, anh nửa muốn nhảy lại xuống rạch để che giấu c‌ơ th‌ể của một người đàn ông lực điền ở cái tuổi trung niên sung mãn đang lồ lộ ra trong bộ quần áo ướt sũng nước, nửa lại thấy tay chân mình thừa thải, lúng túng không biết bỏ đi đâu trước sự xuất hiện của người phụ nữ đẹp mà ông không mong đợi.

Trong lúc Tư Minh đang ở trong tư thế “tiến, thối lưỡng nan” thì Út Nguyệt hiện ra ngay trên đầu cầu dừa bắc qua con mương dẫn tới chỗ Tư Minh đang đứng lóng ngóng như muốn tìm chỗ để trốn.

Tư Minh lúng túng nói:

- Ý, cô Út đừng đi qua đây. Trên cây dừa lão gần bụi lá cách có tổ ong vò vẽ. Tôi tính chặt cây lá cách, không ngờ động ổ ong, lũ ong bay ra rượt chích tôi quá trời khiến tôi phải nhảy xuống rạch quần áo ướt mem đây nè.

- Em biết rồi, biết tổ ong vò vẽ đóng trên cây dừa lão lâu rồi. Và còn biết thế nào anh Tư cũng bị lũ ong chích cho một trận khi anh Tư chuẩn bị đốn cây lá cách. Nhưng anh Tư đốn chi vậy?

Tư Minh ngập ngừng:

- Vợ tôi bị mất sữa, con bé thiếu sữa mẹ nên đau ốm luôn. Bà Năm Phê bảo đốn gốc, rễ cây lá cách về chặt ra phơi khô nấu nước cho vợ tôi uống hy vọng sẽ có sữa trở lại. Nhưng tôi làm động tổ ong vò vẽ, bị chúng dí quá, giờ không biết sao. Chắc tôi phải liều thôi.

- Không được đâu, ong vò vẽ mà đánh anh Tư vài phát là nóng lạnh luôn, coi như nằm đó mà rên chứ làm ăn gì được. Em đã bó sẵn cây đuốc lá dừa, anh Tư đốt tổ ong đi rồi chặt cây lá cách.

- Vậy mà tôi không nghĩ ra.

Út Nguyệt trở qua cầu, lấy cây đuốc lá dừa và cái hộp quẹt cầm qua đưa cho Tư Minh. Làm sao mà Út Nguyệt bó sẵn cây đuốc lá dừa này nhỉ? Không lẽ Út Nguyệt đi lấy tổ ong ruồi trong vườn? Tư Minh liếc nhìn Út Nguyệt, định lên tiếng hỏi nhưng thấy ánh mắt của Út Nguyệt đen lay láy, chớp chớp như hút hồn người khiến Tư Minh ngượng ngùng không dám nhìn thẳng gương mặt trắng hồng, mái tóc dài thả xuống lưng vai và mấy giọt mồ hôi rịn ướt chân tóc mai của Út Nguyệt. Vì trước mắt Tư Minh, Út Nguyện trong bộ đồ bà ba màu đen giản dị, lồ lộ những đường cong của người phụ nữ đang ở độ tuổi như bông hoa đẹp mãn khai càng trở nên quyến rũ, mê hồn.

Út Nguyệt bật quẹt, mỉm cười nói với Tư Minh:

- Anh Tư châm đuốc đốt tổ ong đi rồi chặt cây lá cách, chiều muộn lắm rồi. Mặt trời lặng mà lui cui trong vườn là nguy hiểm lắm đó.

- Cô Út đi lấy tổ ong ruồi hay đi thăm vườn?

- Đi coi anh Tư… bị ong dí chơi.

Tư Minh mỉm cười, ngượng ngùng trước sự trêu chọc của cô gái. Cây đuốc lá dừa bắt lửa cháy bùng lên, Tư Minh một tay cầm đuốc, một tay ôm thân cây dừa lão leo vun vút lên đốt tổ ong vò vẽ. Lũ ong tuy hung dữ nhưng lại sợ lửa và mùi khói nên lớp bay tản đi mất, lớp chết ngay trong miệng tổ. Diệt xong tổ ong, Tư Minh tuột xuống đất nhanh như sóc.

- Thôi anh Tư làm việc của anh đi, em về đây kẻo không thấy em ở nhà ông già lại đi kiếm thì sinh chuyện.

- Ừ cô Út về đi, trời cũng sắp tối rồi.

- Bữa nào em ghé nhà thăm chị Tư và cháu bé nhé. Anh Tư cho hôn?

- Cô Út tới chơi vợ chồng tôi mừng lắm chứ sao lại không không cho?

- Em sẽ tới.

Út Nguyệt đi qua cầu để về nhà, không hiểu sao Tư Minh còn nghe Út Nguyệt hát nhỏ điệu hát ru em: “Ầu ơ… chim quyên xuống đất tha mồi, thấy anh lao khổ em đứng ngồi không yên”. Út Nguyệt hát bâng quơ hay cố ý ghẹo mình?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật