WHO cải tổ để củng cố vai trò trung tâm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh thế giới đối mặt dịch bệnh nguy hiểm và nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực y tế ngày càng lớn, việc củng cố vai trò trung tâm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong giải quyết các thách thức y tế toàn cầu càng trở nên cấp thiết. Xuất phát từ những yêu cầu đó, WHO đã có những bước chuyển quan trọng để thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
WHO cải tổ để củng cố vai trò trung tâm
Biểu trưng của WHO. (Ảnh: Reuters)

Trong hơn hai năm chống chọi Covid-19, WHO đã "kề vai sát cánh" cùng các quốc gia vượt qua giai đoạn đen tối nhất của đại dịch. Không thể phủ nhận vai trò của WHO trong điều phối hợp tác quốc tế trong phòng, chống Covid-19, hỗ trợ các nước củng cố hệ thống y tế, đồng thời thúc đẩy tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 kịp thời và công bằng trên phạm vi toàn cầu.

Tại kỳ họp lần thứ 75 Ðại hội đồng Y tế thế giới vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng WHO mạnh mẽ hơn, giữ vững vai trò trung tâm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Người đứng đầu WHO thừa nhận sự thay đổi là rất cần thiết và đã có nhiều nước kêu gọi WHO thay đổi. Theo ông Ghebreyesus, đại dịch đã chứng minh thế giới cần WHO, nhưng cũng cho thấy tổ chức y tế đa phương lớn nhất hành tinh cần được tiếp thêm sức mạnh.

Trên tinh thần đó, WHO vừa quyết định thành lập ủy ban thường trực nhằm tăng cường khả năng ứng phó các trường hợp y tế khẩn cấp. WHO từng đối mặt những lời chỉ trích đã phản ứng chậm trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo chuyên gia Áo Clemens Martin Auer (C.Au-ơ), người đề xuất thành lập ủy ban nêu trên, một trong những thiếu sót trong quá trình xử lý đại dịch Covid-19 là các quốc gia thành viên và cơ quan quản lý không có cơ hội tham vấn ngay sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Ðể khắc phục hạn chế này, ủy ban mới có thể nhóm họp ngay sau khi tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) được ban bố, từ đó kịp thời đưa ra những biện pháp cần thiết.

Mới đây, các quốc gia thành viên cũng đã thông qua quyết định mang tính bước ngoặt đối với vấn đề ngân sách hoạt động của WHO. Hiện kinh phí hoạt động của WHO chủ yếu đến từ các nguồn đóng góp cố định và tự nguyện. Ðóng góp cố định là phí thành viên, theo các mức khác nhau tùy theo dân số và khả năng tài chính của các quốc gia. Ðây là khoản kinh phí hoạt động quan trọng vì tính ổn định và linh hoạt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn thu này chỉ chiếm chưa đến một phần tư ngân sách của WHO.

Trong khi đó, phần lớn ngân sách là những khoản đóng góp tự nguyện của các nước thành viên, quỹ tư nhân và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, số tiền này chủ yếu dành cho các khu vực và dự án theo yêu cầu cụ thể của nhà tài trợ. Mức đóng góp tự nguyện cũng không ổn định. Giới phân tích nhận định, nguồn tài chính không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của WHO chưa thật sự hiệu quả và thiếu linh hoạt trong ứng phó các cuộc khủng hoảng bất thường như đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch cải tổ ngân sách, chậm nhất hoàn tất trong giai đoạn 2030-2031, tổng phí thành viên các nước đóng góp cho WHO sẽ được nâng lên, chiếm 50% ngân sách hằng năm, qua đó tạo điều kiện để WHO xây dựng quỹ hoạt động ổn định, bền vững hơn. WHO cũng sẽ triển khai cải cách nhằm tăng cường tính minh bạch trong chi ngân sách và tuyển dụng. Ông Bjorn Kũmmel (B.Cum-me), người đứng đầu nhóm công tác về tài trợ bền vững của WHO nhấn mạnh, quyết định nêu trên góp phần xây dựng một hệ thống y tế toàn cầu hiệu quả và toàn diện hơn, trong đó WHO đóng vai trò trung tâm.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng khẳng định, WHO có vai trò "không thể thay thế" trong hệ thống y tế toàn cầu và tổ chức này cần được tăng cường các nguồn lực. Với việc tiến hành những bước cải tổ quan trọng, WHO hy vọng xây dựng được nền tảng tốt hơn để tiếp tục đồng hành cùng các nước chăm sóc sức khỏe người dân và ứng phó các đại dịch nguy hiểm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật