Vẻ đẹp tiềm ẩn của Vịnh Hạ Long

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không chỉ được công nhận giá trị về cảnh quan, giá trị địa chất - địa mạo và giá trị văn hóa, lịch sử, di sản Vịnh Hạ Long còn được đánh giá có sự đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Vẻ đẹp tiềm ẩn của Vịnh Hạ Long
Hoa bông mộc đang được trồng, nhân rộng ở các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Tạ Quân

Chính điều này đã và đang tạo thêm giá trị riêng có, quý giá của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đồng thời đặt ra yêu cầu khắt khe, nghiêm túc hơn đối với công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Nhắc đến đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long là nhắc đến sự đa dạng về hệ sinh thái và đa dạng loài sinh vật. Đây là khu vực được xác định có sự đa đạng cao các hệ sinh thái với nhiều kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới, như: Hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo và hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều đáy mềm, hệ sinh thái vùng triều đáy cứng, hệ sinh thái bãi triều cát, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng - áng và hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ.

Về các loài sinh vật, hiện nay, Vịnh Hạ Long đã thống kê được 1.949 loài động thực vật với 1.259 loài sống trên cạn và 1.553 loài sống trong thủy vực. Trong đó, có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau theo Sách Đỏ Việt Nam, Công ước CITES, danh mục đỏ của IUCN và 17 loài thực vật đặc hữu thuộc Vịnh Hạ Long, như: Cọ Hạ Long, thiên tuế Hạ Long, nhài Hạ Long và ngũ gia bì Hạ Long...

Hoa lan hài đốm trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Phạm Lê Minh (CTV)

Đặc biệt, trong số các loài thực vật phong phú có rất nhiều loài hoa có giá trị thẩm mỹ cao, có tiềm năng lớn trong nâng cao giá trị cảnh quan di sản, như: Bông mộc, hài vệ nữ hoa vàng, khổ cử đài tím, lan hài đốm... Các loài thực vật này phân bổ nhiều trên các đảo đá, các điểm tham quan, hang động của Vịnh Hạ Long, không chỉ tạo nên sức sống, vẻ đẹp riêng cho di sản mà còn trở thành lợi thế trong phục vụ phát triển du lịch.

Vì vậy, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn nguyên trạng các giá trị, trong đó có giá trị về đa dạng sinh học luôn được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Ban đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và triển khai các chương trình, kế hoạch khảo sát, điều tra đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long. Từ đây, tạo cơ sở quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp, kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học nói riêng và giá trị di sản nói chung.

Theo đó, Ban Quản lý Vịnh đã triển khai các giải pháp khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý, hiếm, đặc hữu trên vịnh, đồng thời bảo tồn các loài thực vật quý. Riêng trong 2 năm 2020-2021, đã trồng 1.060 cây bông mộc trên các điểm tham quan của Vịnh Hạ Long.

Cùng với đó, thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản, đa dạng sinh học và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên, giá trị, đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học...

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long hiện đang định hướng cho du lịch nghiên cứu đối với các rạn san hô. Ảnh do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cung cấp

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Lâu nay chúng ta mới đang tập trung vào việc phát huy các giá trị đa dạng sinh học là giá trị bổ sung cho giá trị địa chất, địa mạo và giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ phải đưa ra chiến lược quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị đa dạng sinh học ở tầm là một tiêu chí được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (Vịnh Hạ Long hiện đang trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”, trong đó có tiêu chí về đa dạng sinh học - PV). Điều này, đặt ra bài toán bảo tồn để làm sao giữ vững được các hệ sinh thái tiêu biểu, đặc thù trên Vịnh Hạ Long nhưng cũng đòi hỏi phải phát huy được và đưa đến với công chúng, du khách những giá trị to lớn của di sản.

Vừa qua, tỉnh đã có Quyết định về việc đưa toàn bộ rừng núi đá vôi trên Vịnh Hạ Long vào rừng đặc dụng, và chúng tôi đang làm hồ sơ để đưa toàn bộ khu vực biển của Vịnh Hạ Long trở thành khu bảo tồn biển. Do đó, tất cả các giá trị về đa dạng sinh học, về núi đá vôi hay các giá trị trên mặt nước sẽ được bảo tồn nghiêm ngặt. Trên cơ sở này, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn các hệ sinh thái, các giống, loài và các điểm tham quan mà ít chịu tác động nhất của du lịch để đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Đó sẽ là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính chất đặc thù, đặc trưng về đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật