1.Luật Nhân quả sai bét. Có phải người tốt nào cũng gặp may mắn đâu. Như hắn đây này, một Tiến sĩ tiếng Nga vào loại xuất sắc, người Nga nghe hắn nói mà còn phải tấm tắc: - Ông đang nói thứ tiếng Nga quý tộc, chính chúng tôi cũng chưa nói được như thế.
Hắn sống tốt bụng, cương trực, thẳng thắn, coi cái ác là kẻ thù, vậy thì vì sao lại có cuộc đời bầm dập tả tơi đến thế? Mà lại luôn gắn với cái hình tam giác quái quỷ này?...
Hắn sốt cao, lúc mê lúc tỉnh mấy hôm nay không ai biết. Mà có biết cũng không ai quan tâm. Thế mới đau chứ. Nằm còng queo trong căn nhà bảy phòng bé tí xíu, phòng nào cũng xây hình tam giác, tri kỉ chỉ có một con chó màu trắng, mắt ướt và hiền, nhìn hắn say đắm như mắt người yêu nhìn người yêu.
Chao ôi! Cách đây hơn chục năm, hắn đã quyết định tự tay xây ngôi nhà này. Làm sao cứ phải thuê thợ xây để chúng nó vừa chặt chém về tiền, vừa cẩu thả để mình vừa tức vừa lo cả đời? Mà mấy thằng thợ xây mới học hết cấp II, giờ lên giọng dạy dỗ một Tiến sĩ? Không bao giờ nhé. Để tao tự tay xây nhà cho chúng mày sáng mắt ra.
Hắn căng dây mực đo đạc cẩn thận, đóng cọc đánh dấu diện tích xây dựng, rồi tự đánh vữa, tự xây ngoài giờ lên lớp. Gần một năm trời thì xây xong, nhà bắn mái tôn xanh lét, nom xa cũng mơ mộng ra phết. Khi đó đang có phong trào xây nhà cho sinh viên thuê phòng trọ. Bẩy phòng nhân với năm trăm nghìn một phòng, mỗi tháng chả bỏ túi ba triệu rưỡi ngon ơ à? Tốp sinh viên đầu tiên tới thuê nhà đầy háo hức, cây cối quanh nhà xanh tốt, cây khế ngọt chín vàng ươm cứ chạm vào cửa sổ như chào mời: - Hãy cắn tôi đi.
Chúng tôi ngọt lịm rồi...! Được chừng ba mươi phút, sau khi ăn thử hết quả chín trên cây, tốp sinh viên quay lại mặt ỉu xìu:
- Bác ơi. Chúng cháu không thuê đâu ạ.
- Sao thế? Giá đấy là mềm rồi đấy. Nhà ông X cạnh đây đòi tới 700 ngàn một phòng cơ.
- Không phải vì giá đâu. Phòng bác xây có hình tam giác, không kê giường được... Đứa con gái có vẻ già dặn nhất bọn đế thêm vào:
- Mới lại, phòng có hình tam giác là độc lắm về phong thủy ý, bố cháu bảo thế, ở có khi càng học càng dốt đi thì sao...
Thế là tan tành mộng kinh doanh phòng trọ! Chọn cái hình tam giác to nhất để ở, trải đệm xuống nền nhà, đàn ông ở một mình thì làm sao ngăn nắp, sạch sẽ? Lâu dần, xuất hiện hai cái ổ thù lù trong phòng, cái to cho hắn, cái nhỏ hơn cho con Bạch. Con chó là bạn thân duy nhất không chê bai, không chửi rủa hắn ở trên đời.
- Bạch ơi! Giá mày là người, tao lấy mày làm vợ thì có phải sung sướng không?!
Nó sẽ là một người vợ không bao giờ cằn nhằn, không đòi nộp lương hàng tháng, hắn có say rượu về muộn cũng sẽ tận tụy ngồi bên cạnh thè lưỡi liếm mặt chủ thật âu yếm, không ca thán bao giờ.
2.Thế là ốm một tuần rồi. Trời mưa dầm, đất với người nhão nhoét. Chả còn sức mà úp mì tôm nữa, ngày ba lần người với chó nhai gói mì tôm sống, uống nước vào thì cũng ổn. Không muốn nhờ cậy ai. Mà còn có ai mà nhờ cậy. Mấy thằng bạn thân đều lần lượt lắc đầu, tắt máy khi hắn gọi điện đến. Từng nghe chúng thì thầm với nhau:
- Thằng ấy tốt nhưng lập dị bỏ mẹ.
Hồi mới học ở Nga về, hắn cao lớn, giỏi giang, lên sân khấu hát "Đôi bờ", "Cây thùy dương", các em sinh viên nữ mê hắn, đi theo hắn có dễ hơn một tiểu đội. Hắn bỏ qua các em xinh tươi để lấy Lý, một sinh viên bình thường nhất, thậm chí còn xấu gái. Lí do thì không ai biết, giờ hắn mới kể cho con Bạch nghe mà thôi. Hắn được trời cho khả năng tìnּh dụּc phi thường, sau khi mở sách tướng số ra xem, Lý có đầy đủ những dấu hiệu đa tình trong Tướng mạo học.
Này nhé, người cao, chân dài, da bánh mật, eo lưng nhỏ tí xíu khi vòng ba khổng lồ, còn bộ ngực thì như hai quả núi. Khi Lý học giờ thể dục, em mới chỉ khởi động chứ chưa chạy hay vào xà kép, ngực em đã rung lắc dữ dội, hắn chỉ dám liếc qua mà đã hoa cả mắt phải như thế mới hòa hợp lâu dài được.
Một ưu điểm tuyệt vời nữa của Lý là em biết làm thơ. Những bài thơ em viết tặng hắn có đồi hoa sim tím, vầng trăng dõi nhìn qua cửa sổ, rồi một túp lều tranh hai trái tim vàng... Thế là hắn "chết" đứ đừ trong vòng tay em. Quả thực cứ như hai núi lửa gặp nhau. Khổ! Phòng tập thể, giường cũ, hắn phải mang gạch về kê đỡ cho thang giường, giát giường khỏi rên rỉ mỗi khi đêm về.
Than ôi! Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Hắn đi học nghiên cứu sinh ở Nga mấy năm, có bao nhiêu tiền chỉ mua sách đóng thùng gửi về, không thèm nhìn đến bàn là, tủ lạnh, máy khâu, áo bay gì hết. Những cuộc cãi vã tăng dần lên, tỉ lệ thuận với số lượng sách hắn mang về. Khi về nước, hắn ngã ngửa người vì Lý đã cặp bồ với gần chục thằng trai trẻ và tay cửa hàng trưởng lương thực huyện. Trong cuộc nói chuyện cuối cùng, Lý ném vào hắn những lời lạnh lùng:
- Không có ai ăn thơ, nuốt nhạc mà sống. Con ốm, tôi đốt sách anh gửi về cho nó uống à? Mà tôi đang thì xuân sắc, anh bỏ đói tôi năm năm, nhưng sức tôi ngày nào cũng phải ăn vài bát cơm. Nhịn thế nào đươc. Thôi thế là tan một mối tình, một cái hình tam giác ra đi, để lại bao chua xót.
3. Con Bạch bỗng rên ư ử, nhìn hắn đầy cầu khẩn. Hắn biết nó đói. Ăn mì tôm sống mãi, đến chó cũng nóng ruột nữa là người. Đành mặc áo mưa ra chợ, mua gạo, thịt, rau, về cho tất vào nồi áp suất, chín tới là múc ra hai bát to tổ bố, dặn dò con Bạch:
- Đây là súp nấu theo kiểu Liên Xô. Mày biết chưa? Mà có được ăn bao giờ mà biết! Bổ lắm đấy. Lại dễ nuốt. Từ từ hãy ăn kẻo nóng. Bát này là cho cả bữa trưa và chiều nay đấy.
Con Bạch nhìn hắn, bỗng có hai giọt nước mắt trong veo chảy ra từ mắt nó. Hắn ôm lấy con chó, kéo đầu nó vào ngực mình, rồi cả hai đều khóc theo những cách riêng của chó và người. Nhưng khóc cách nào thì nước mắt vẫn mặn như nhau.
Ừ. Người vợ thứ hai của hắn cũng hay khóc, nhưng không khóc thầm như con Bạch. Vân là cô giáo cấp II, quá lứa nhỡ thì, người bé bằng cái kẹo. Khi gặp hắn, Vân nói: - Em yêu trái tim cao thượng, chính trực của anh. Và chỉ cần thế, em không có bất cứ đòi hỏi gì thêm... Hồi mới lấy nhau, sinh hoạt vợ chồng khó khăn lắm, "cậu bé" của hắn quá dài, vợ không chịu nổi, lần nào gần gũi cũng kêu đau. Hắn ngượng nghịu tìm tay bác sĩ quen thân, gãi đầu gãi tai mãi mới trình bày những trở ngại do dài - ngắn, nông - sâu không tương hợp này. Tay bác sĩ cười chảy nước mắt bảo:
- Khó nhở. Không thể đem cắt bớt cho ngắn đi được. Y học thế giới cũng bó tay trước ca này. Thôi dùng mẹo dân gian vậy, cậu về cắt một cái "long đen" bằng vật liệu tớ cho đây, khi sinh hoạt thì lắp vào là ok.. .hế hế hế.
Hắn về làm thử, tốt thật. Quả là việc tế nhị, khó nói, giờ kể cho con Bạch nghe mà hắn còn ngượng. Con chó tròn mắt nhìn hắn, nghe xong bỗng rít lên ăng ẳng rồi chạy ra ngoài gốc khế. Chẳng lẽ nó xấu hổ? Nhưng rồi cuộc hôn nhân này cũng đổ vỡ để cái tam giác thứ hai rời khỏi cuộc đời hắn. Hôm đó đi chấm thi tuyển sinh cao học, một tay Trưởng phòng nổi tiếng trung thực, liêm khiết túm lấy hắn ở nhà để xe:
- Thầy Hồng ơi! Con tôi thi đợt này. Chả giấu gì thầy, cháu nó giỏi chuyên môn nhưng dốt ngoại ngữ. Học như nhồi vịt mà nói tên mình, quê quán, gia đình còn khó. Xin thầy cho cháu 5 điểm, đủ để trúng tuyển thôi. Chả kịp mua gì, tôi xin gửi thầy một chút để thầy chè thuốc.
Hắn cười nhạt, không nói gì mang cả số phách, bài thi và cái phong bì kia lên báo cáo Hiệu trưởng:
- Con nhà nông dân học trào máu mũi còn trượt. Nay con giáo viên lười học, ham chơi lại đỗ thì cuộc đời còn công lí không? Anh ta đưa tôi cái phong bì đây. Chả lẽ tôi lại bán mình bởi nó hay sao.
Hiệu trưởng tức tốc tổ chức cuộc họp gồm hắn, tay Trưởng phòng kia và thanh tra thi, sau khi cho hai bên trình bày thì kết luận:
- Việc này về lí là sai rồi, không phải bàn cãi gì. Thầy Hồng đã thể hiện bản lĩnh và sự trung thực tuyệt vời. Nhưng về tình, việc gian dối này chưa xảy ra, chưa đủ điều kiện cấu thành khuyết điểm. Thầy K phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Xin hoan nghênh tinh thần của thầy Hồng. Nền giáo dục của chúng ta cần lắm những người thầy vừa "hồng" vừa "chuyên" như thầy ...
Hắn cười nở mày nở mặt về khoe với vợ:
- Từ xưa đến giờ, anh vẫn sống và làm việc như thế. Người ta có thể khinh anh nghèo nhưng không thể khinh anh về chuyên môn và nhân cách.
Vợ hắn tức đến mức mặt tím ngắt, mắt trợn trừng, giọng như xé vải:
- Tôi chưa thấy ai ngu như anh. Chó không chê cứt. Người không chê tiền. Anh chờ mà xem, rồi tai họa đến cho trắng mắt ra.
tai họa thì chưa có, nhưng từ đấy trường không bao giờ gọi hắn đi chấm thi tuyển sinh nữa. Rồi cháu gái con chú em lên ở nhờ để ôn thi Đại học. Khổ! Nhà chú ấy nghèo, mỗi tháng xin góp mười cân gạo, còn lại thiếu đâu chúng em xin hai bác. Anh em ruột thịt không thương nhau thì thương ai? Nào ngờ từ hôm ấy, bão táp liên tục nổ ra trong căn phòng tập thể mười hai mét xuông này. Vợ hắn gào choang choác, chẳng còn giữ ý trước mặt cháu:
- Nhà bằng lỗ mũi. Ba mạng người nhét vào còn chật. Giờ thêm nó ở vào đâu? Mười cân gạo mà đủ à. Còn tỉ thứ đi theo. Ông ngu vừa thôi, ngu thế này là hết phần thiên hạ đới.
Hắn đã tát vợ một cái. Lần đầu tiên trong đời hắn có hành động thô bỉ đến thế. Nào ngờ vợ hắn bé nhỏ, yếu ớt, máu mồm máu mũi ộc ra, phải cấp cứu. Hắn vào viện hết lòng chăm sóc, ân hận vô cùng, rồi mọi chuyện cũng qua. Nhưng chiều hôm ấy đang dạy thì đau bụng, hắn xin phép nghỉ để về nhà, không thể tưởng tượng nổi, vợ hắn đóng cửa kín, dùng dây điện vụt lấy vụt để, đứa cháu gái nom như mèo hen lăn lộn gào khóc dưới đất.
Không thể tha thứ được nữa, đã muốn tan thì cho tan luôn. Thế là thành trai độc thân cơm niêu nước lọ, hắn gầy sút đi, mặt từ trái xoan giờ nom hao hao hình tam giác - một tam giác có râu ria xồm xoàm. Gắn trên đó là đôi mắt một thời sáng quắc, đầy trí tuệ, giờ đây lờ đờ mệt mỏi, thêm vào đó sự nhẫn nại, cam chịu.
4. Sau khi bị cho thôi chức tổ trưởng bộ môn và kỉ luật ở mức khiển trách vì làm đơn tố cáo vượt cấp về những tiêu cực trong xây dựng của nhà trường, hắn xin về hưu sớm rồi về quê. Cứ tưởng đã gặp ánh sáng cuối đường hầm, hạnh phúc lại nở hoa trên thân cổ thụ. Hắn đã gặp Xoan - người đàn bà làm ruộng góa chồng, vất vả nuôi bốn đứa con sàn sàn trứng gà trứng vịt. Vì Xoan mới học hết lớp 3, được xem bằng Tiến sĩ của hắn, cô đã nhìn hắn như con chiên nhìn chúa Giê-su. Xoan đặt cơm lên bàn mời hắn, không dám ăn cùng "ông xã", cười tủm tỉm đón bát xới cơm, lấy khăn dấp nước nóng cho hắn lau mồm, lau tay. Còn khi hắn đọc thơ Puskin cho Xoan nghe, em ngồi bó gối, miệng há ra như nuốt từng lời, mắt sáng long lanh, thi thoảng lại reo lên như trẻ nhỏ:
- Hay thế anh. Em thấy hay lắm mà không hiểu gì...
Hắn thấy mình thực sự là Hoàng đế trong gia đình này. Có bao nhiêu tiền tích góp được bỏ hết ra xây lại nhà, mua sắm xe máy, ti vi, rồi cho bốn đứa con của Xoan đi học lại, mua thêm hai con trâu cho chúng nó chăm. Nhưng trời ơi, số phận lại một lần nữa độc ác với hắn. Sáng hôm đó, Xoan quỳ trước hắn, nước mắt đầm đìa:
- Anh ơi! Anh là ân nhân của cả mấy mẹ con em. Nhưng các con em không đồng ý. Cháu gái lớn bảo sẽ bỏ nhà đi làm cave, cháu trai thì nhăm nhăm giết anh khi anh ngủ. Em dập đầu tạ lỗi trước anh.
Liếc sang, đứa con gái lớn nhìn hắn mắt long sòng sọc, thằng con trai mới khoảng mười lăm tuổi mà lăm lăm một con dao chọc tiết lợn. Thế này thì lại ra đi chứ còn biết làm thế nào?
Là người có lòng tự trọng, làm sao còn để người ta đuổi đến lần thứ hai? Ra đến cổng, ngoái nhìn lại lần cuối, thấy Xoan và bốn đứa trẻ đứng xếp hàng thành hình tam giác nhìn theo. Chẳng biết đây là hình đầu mũi tên hay là hình chiếc lưỡi cày? May còn căn phòng tập thể ngày xưa được cơ quan thanh lí, xây thành phòng trọ để có chỗ chui ra chui vào.
5. Bây giờ chỉ còn tao với mày thôi... Hắn cầm chân trước của con Bạch lên đi một đường trong điệu Valse, nhớ một thời tưng bừng vũ hội. Có hôm ăn ổi, khế trừ bữa, vẫn nấu cơm cho chó ăn. Ở lâu cùng nhau rồi nảy sinh tình nghĩa. Nhưng dù sao nó cũng chỉ là một con chó mà thôi. Đành mang sách tiếng Nga ra dịch vậy. Thi thoảng, truyện ngắn và thơ do hắn dịch được đăng tải trên một số báo, tạp chí văn nghệ, vừa vui lại vừa có thêm đồng ra đồng vào. Thế rồi chả biết vì sao lại tí toáy làm thơ, viết hàng trăm bài gửi báo, tuyệt nhiên không có hồi âm, mãi rồi có một bài được đăng trên tờ báo địa phương tỉnh H, hắn vui sướng mua thịt bò về làm bữa liên hoan cùng con Bạch, cạn mấy cốc rượu thì ngâm thơ sang sảng, đêm ấy, vườn cây cùng con Bạch mất ngủ vì tiếng ngâm thơ:
Nhà tam giác
Mặt cũng hình tam giác
Nhưng trái tim không tam giác bao giờ
Vì quá yêu cái đẹp và lẽ phải
Nên cuộc đời nhận bao sóng xô
Ta là mũi tên bắn lên trời thẳng tắp
Để khi rơi không phải thẹn bao giờ...
Sáng hôm ấy, chim hót rộn ràng khác thường, lửa bếp cứ reo phần phật. Lạ! Lấy đâu ra niềm vui bất ngờ đến với một lão già sáu mươi tuổi, văn dốt võ dát chỉ giỏi mỗi tiếng Nga, mà bây giờ tiếng Anh mới là thời thượng. Bất ngờ, chiếc xe con sang trọng đỗ ngoài ngõ, một người đàn ông lịch lãm bước vào:
- Ông Hồng có nhà không? Sao để ngõ đầy lá vàng và rác thế này?
- Ôi giời ôi! Bạn Huy, bạn về nước bao giờ, sao Rồng lại đến nhà Tôm thế này?
- Tôi về mấy năm rồi, mở công ty du lịch ở Nha Trang, chuyên đón đưa khách du lịch hai chiều Nga - Việt. Vẫn khâm phục vốn tiếng Nga siêu đẳng của ông. Ông vào với tôi nhé. Hợp đồng lao động mang sẵn đây. Nếu đồng ý, tôi gọi đặt vé máy bay cho ông bay vào tuần tới, lương cứng bảy triệu một tháng.
- Còn gì bằng, tôi cứ ngồi đây, định đếm lá vàng rơi cho đến ngày ra đi.
- Thôi, thôi. Sáu mươi tuổi bây giờ mới là tuổi vào độ chín nhất của đời người. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Bán quách cái nhà tam giác này đi. Hãm lắm. Tôi bảo thật lòng, vào đấy rồi lấy một em xứ Trầm hương đi, vừa dịu dàng vừa chung thủy. Này, hình như những ai gắn bó với nhau thuở đói nghèo thì tình nghĩa sắt son hơn thì phải, vẫn nhớ lần ông cưu mang tôi ngày ấy...
- Ha ha.. .Tôi hãi cái món tam giác lắm rồi. Nhưng mà sẽ khóa cửa để đấy, nơi đây có hạnh phúc và đắng cay, không thể nào quên. Nhưng phải có con Bạch cùng đi thì tôi mới đi…
Mưa xuân ào tới. Mưa ấm và ngọt vô cùng. Con Bạch chỉ biết cười bằng mắt, mắt nó cứ sáng long lanh một niềm vui không thốt thành lời. Hình như có số phận thật. Có người may mắn, lại có người rủi ro hơn một chút. Có những điều hết sức bình thường với người này lại là thiêng liêng với người khác.
Nhưng hạnh phúc là gì nhỉ? Hắn quay đầu bịn rịn nhìn ngôi nhà, cây khế ở đầu hồi bị lũ trẻ vặt quả, bẻ cành xơ xác, lại vừa qua mấy cơn giông dữ dội, vậy mà vẫn cố ra mấy chùm hoa li ti, thơm lặng lẽ.