Phía trước ghềnh đá nước tung sóng bạc, hàng vạn cọc gỗ đen thẫm đầu bịt sắt nhọn như những chiến binh đột nhiên nhổm dậy từ lòng sông đứng tựa vào nhau san sát trong muôn vàn sóng nước nhấp nhóa.
Chủ tướng Ngô Quyền cùng Phạm Bạch Hổ trên thuyền nhẹ nơi lòng sông Bạch Đằng. Sau một ngày khảo sát khắp các luồng lạch nơi cửa sông Bạch Đằng, nhất là đoạn ghềnh đá ăn thông ra biển, Ngô chủ tướng sai bọn có tài bơi lặn đo vẽ thám sát rất kỹ lưỡng.
Phạm Bạch Hổ dùng thuyền nhỏ chia nhau luồn lách khắp trong các bãi sú vẹt, đánh dấu từng chỗ nông sâu, lại sai tùy tướng chia từng giờ khắc ứng với mực nước thủy triều lên xuống biên chép lại. Họ Phạm còn cho mời các lão chài vùng cửa biển tới để hỏi. Từng nhiều năm lăn lộn nơi cửa biển Ái Châu, Ngô chủ tướng mau chóng nắm bắt tường tận quy luật của thủy triều khi đàm đạo với các lão chài vốn nhiều đời sinh sống ở cửa sông Bạch Đằng.
Trò chuyện với các lão chài, Ngô Quyền hỏi han mọi việc vô cùng kỹ lưỡng. Ngay trong lòng thuyền, Ngô tướng quân cho đắp nổi một chiếc sa bàn bằng đất sét dẻo. Những mỏm núi, triền sông, cửa biển hiện lên từ lòng tay chai sạn của các lão chài. Mỗi chỗ nông sâu, mỗi ghềnh đá cát đều được các lão chài chỉ rõ. Những điểm còn tồn nghi, đích thân Phạm Bạch Hổ lập tức cùng các tướng giỏi bơi lặn dùng sào tre, dây xích tới tận nơi khảo sát tường tận.
Sau hai ngày đêm gần như không chút nghỉ ngơi, chiếc sa bàn đất đơn sơ trong lòng thuyền cắm chi chít mục tiêu được đánh dấu cũng là lúc đội thuyền tám mươi chiếc đầu tiên chở đầy cọc gỗ lớn tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Ngô chủ tướng cả mừng cho người gọi hai ngàn tráng đinh của Lê Lân, Trịnh Báo rời doanh trại xuống triền sông tiếp nhận cọc gỗ.
Loay hoay mất hàng khắc không sao cắm nổi cây cọc lớn xuống vị trí đánh dấu nơi sa bàn, bọn Lê Lân, Trịnh Báo cùng đám tùy tướng nghĩ ra một mẹo, cho người lấy thang tre néo ngang trói chặt thân cọc rồi cứ thế tuồn từng cây nghiêng xuống lòng sông mới dựng đứng lên, đoạn bốn tráng sĩ đứng trên hai đầu thang dập dềnh như đánh đu. Từng cây cọc lớn hai đầu vạt nhọn cứ thế được cắm chắc san sát xuống lòng sông. Có chỗ sạn cát đá dưới lòng sông cứng quá không thúc được đầu cọc xuống, các tướng đã nghĩ ra mẹo néo từng chùm cọc ba bốn chiếc xuyên chéo theo hình bàn chông, giữa buộc xích sắt cột đá tảng tạo thành đế vững đặt thẳng từng chùm xuống cửa biển. Lại có kẻ hiến kế làm giáo tre bắc thành từng dãy trên mặt nước để thuận tiện cho việc cắm cọc hình chữ chi vừa nhanh vừa vững, lại đánh dấu để thuyền vào ra khỏi vướng cọc. Ở những nơi xung yếu, các tướng cho ngầm buộc từng cây luồng dài theo từng dãy cọc liên hoàn rồi cột thêm đá tảng néo giữ vô cùng chắc chắn.
Cuối buổi chiều, khi hoàng hôn kéo xuống nhập nhoạng cũng là lúc binh tướng vừa đóng xong tám mươi thuyền cọc gỗ tức thì phía thượng lưu đoàn chiến thuyền hơn trăm chiếc lặc lè xuôi tới đầu ghềnh đá. Đám tráng đinh cùng các tùy tướng chỉ kịp mỗi người ăn tạm nắm cơm với khúc cá biển luộc bốc hơi nghi ngút lại lập tức trần trùng trục hò nhau vận chuyển cọc gỗ trên thuyền xuống các giàn giáo đang chờ sẵn.
Không kể ngày đêm, hàng ngàn binh lính, tráng đinh thành thạo bơi lội trần mình trong sông nước. Đang khi triều cường, mặt sông rộng mênh mông nhấn chìm hàng ngàn cọc gỗ lim dưới nước biển đen thẫm. Nếu không có sào tre dài buộc đánh dấu những lá cờ đuôi nheo cỡ hơn bàn tay, không ai có thể nhận ra ẩn tàng dưới tầng sâu nước siết kia là vạn đội thần binh đang nhất tề chờ giặc. Từ chiều, hơn trăm thuyền lớn nhỏ chở đầy gỗ đá gạo muối từ cửa biển Hải Triều được tướng Ngô Tôn Tư đưa tới. Lòng sông Bạch Đằng bỗng chốc nhộn nhịp hẳn lên. Đám tráng đinh ở cửa biển Hải Triều thành thạo luồng lạch lại giỏi bơi lặn chuyên nghề sông nước nên công việc tiến triển rất nhanh. Hàng trăm chiếc cối đá lỗ to như đế cột đình được xếp trên mặt thuyền khiến từng chiếc thuyền như lún hẳn xuống mặt nước. Những là rìu lớn búa to, câu liêm dây xích, chão dài chạc ngắn được vận dụng linh hoạt khiến từng thuyền gỗ lớn vơi dần mà bãi cọc chỉ sau hơn ba ngày đêm đã trở thành bãi chông nhọn mênh mông nơi cửa biển.
Trong trướng hổ nơi soái thuyền, Ngô chủ tướng mấy ngày liền dầm sông nước bây giờ mới thấy thấm mệt nằm thiếp đi trên chiếc ghế lớn đặt giữa trướng hổ. Phạm Bạch Hổ và Ngô Tôn Tư đã rời soái thuyền đi đôn đốc các tráng đinh cùng binh lính đang hăng hái lặn ngụp đóng cọc trong đêm trăng lạnh. Tiếng sóng nước sì soạp, tiếng người hò dô vang trên mặt sông. Có cả những tiếng hát bất thần ngân lên loang trên sóng nước. Giọng người Đằng Châu đùng đục, giọng người Ái Châu nằng nặng, cả giọng ồm ồm người cửa biển Hải Triều hòa quyện vào nhau dưới ánh trăng bàng bạc như khói tỏa trên mặt sông rộng mênh mang.
Sau nhiều ngày đêm dầm nước bố trí bãi cọc nơi cửa sông ngày càng dày vững ẩn tàng dưới lòng biển, Ngô chủ tướng đích thân kiểm tra từng vạt cọc cắm chi chít xuống lòng sông dáng vẻ rất đăm chiêu. Từ hôm tới cửa biển Bạch Đằng, Ngô tướng quân hầu như không rời các lão chài một khắc. Ngô tướng quân hỏi đủ mọi chuyện từ tổ tiên gia tộc đến sinh kế hàng ngày.
Hóa ra các lão chài đều là dân tứ xứ trôi dạt đến đây. Có làng chài là cư dân vùng Phong Châu do ham buôn bán đánh bắt cá tôm mà đồng lòng xuống cửa sông Bạch Đằng lập nghiệp, còn đang chuẩn bị gỗ đá để làm ngôi đình tưởng nhớ về miền đất Phong Châu. Có lão chài quê gốc vùng Cổ Loa theo cháu con về đây cũng đã sinh cơ lập nghiệp đến bốn đời vẫn đêm ngày nhớ về quê tổ. Chính các lão chài nơi cửa sông Bạch Đằng đã không chỉ cung cấp mọi ngọn nguồn luồng lạch, thủy triều lên xuống vô cùng chính xác mà còn khơi đắp niềm tin mãnh liệt vào trong lòng vị tướng họ Ngô.
Cứ nhìn vào bàn tay thô ráp sần sùi chai sạn của các lão chài miệt mài đắp từng nắm đất nhỏ trong sa bàn, chỉ rõ tường tận mọi vị trí cả một khúc sông rộng, trong lòng vị tướng họ Ngô chợt như thắt lại. Mạch nguồn mọi chiến thắng bao giờ chẳng bắt rễ từ tấm lòng bình dị của muôn dân. Nay mai, sau khi đánh bại Lưu Hoằng Tháo, nhất định ta sẽ trở về khúc sông này ngồi trên thuyền nhỏ cùng các lão chài ngắm trăng uống rượu ôn lại việc cũ. Cỏ cây sông núi chắc sẽ vẫn xanh tươi như tấm lòng rộng mở của các lão chài vùng sông nước Bạch Đằng.
Mờ sáng hôm sau, được tin hơn trăm chiến thuyền Phong Châu cùng với hai tướng Đỗ Cảnh Thạc, Đặng An chở trên ba ngàn binh lính vùng Đỗ Động cùng lương thảo, khí cụ, tiến xuống cửa sông Bạch Đằng, đích thân Ngô chủ tướng dùng thuyền nhẹ tiến ra tận soái thuyền cắm cờ hiệu Phong Châu. Soái thuyền còn chưa dừng hẳn, Ngô tướng quân đã nhanh nhẹn từ thuyền nhỏ nhảy phắt lên mạn thuyền gọn gàng thuần thục trước cặp mắt sững sờ của binh tướng.
Đỗ Cảnh Thạc trang phục gọn gàng vội bước từ trong lòng thuyền tiến tới tươi cười thi lễ:
- Bẩm Ngô chủ tướng! Mạt tướng vâng theo lời dặn của Ngô chủ tướng, xin được đem toàn bộ chiến thuyền Phong Châu của Kiều Công Chuẩn tới Bạch Đằng để chủ tướng thuận tiện bày trận phá giặc.
Ngô Quyền xúc động bước tới vỗ vỗ lên đôi vai vạm vỡ của châu mục Đỗ Động Giang:
- Ta thay mặt các tướng vô cùng cảm ơn Đỗ tướng quân! Ngài quả là trung nghĩa mới cảm hóa được Kiều Công Chuẩn. Binh tướng An Nam thật may mắn khi có được người trung dũng đảm lược như Đỗ tướng quân đây. Ta cùng các tướng mấy ngày qua đang bày trận cọc, lát nữa mời tướng quân lên thuyền chỉ giáo thêm cho. Còn binh tướng Đỗ Động Giang hãy đưa cả lên bờ Bắc, tìm các hiểm địa để vây phục Giao vương Hoằng Tháo. Ta đã đưa một trăm thớt voi cùng cung thủ chiêng trống qua sông sang bờ Bắc đóng ở các mỏm đồi đỉnh núi nhằm gây thanh thế khiến binh tướng Giao vương dẫu có chết chìm dưới sông cũng không dám lên bờ vì toàn là tử địa. Nay ta giao cho tướng quân đám voi ngựa đó. Các chiến thuyền Phong Châu hãy giao cho Phạm Bạch Hổ phân phó vào đội thủy quân.
Đỗ Cảnh Thạc lên soái thuyền cùng Ngô Quyền xem khắp một lượt sa bàn. Họ Đỗ không khỏi kinh tâm khi thấy chỉ vài ngày Ngô tướng quân cùng các tướng đã bố phòng một trận địa cọc khổng lồ dài đến vài dặm ẩn tàng trong lòng nước thẳm như có thiên binh thiên tướng giúp rập. Cùng bàn bạc với Đỗ tướng quân, Ngô chủ tướng không giấu bất kỳ một dự tính nào cho cuộc đại chiến Bạch Đằng. Thấu hiểu Ngô chủ tướng muốn một phen khiến nhà Nam Hán ôm nhục ngàn năm, lại thấy được sức quân, lòng dân An Nam đang theo về chống giặc Bắc vô cùng vô tận, Đỗ Cảnh Thạc tài trí hơn người bất giác nhận thấy vị tướng họ Ngô dường như không phải người phàm. Những là nước xuống nước lên, phàm mọi khe lạch núi đồi gần xa cao thấp, Ngô tướng quân đều chỉ rõ quân ta sẽ nhử địch ở đâu, triệt thoái ra sao, vờ thua trận giờ nào, đánh tử thủ khắc nào, thuyền lớn khi nào xuất chiến, thuyền nhỏ khi nào cho đốt lửa, binh lính cung tên khi nào bắn, các dũng sĩ đục thuyền giờ nào xuất trận, thảy đều thuộc lòng trong tim óc được chính Ngô Quyền rành rẽ nói từng lời. Vốn con nhà tướng, nắm bắt mọi việc cực nhanh mà Đỗ Cảnh Thạc không khỏi giật mình trước tài bố trận liên hoàn thủy bộ của Ngô Quyền.
Hai người trò chuyện say sưa đến quá Ngọ, bỗng Ngô Quyền cầm tay Đỗ Cảnh Thạc chỉ về phía đầu ghềnh xa xa. Họ Đỗ dụi mắt nhìn về phía trước lần nữa giật mình kinh hãi khi thấy lòng sông đột nhiên như nhỏ thắt lại, tiếng nước réo ồ ồ như trăm ngàn con sông cùng lúc chui qua một cái phễu cực lớn. Phía trước ghềnh đá nước tung sóng bạc, hàng vạn cọc gỗ đen thẫm đầu bịt sắt nhọn như những chiến binh đột nhiên nhổm dậy từ lòng sông đứng tựa vào nhau san sát trong muôn vàn sóng nước nhấp nhóa.
Đỗ Cảnh Thạc gần như quỳ xuống vái lạy Ngô Quyền:
- Ngô chủ tướng quả là thông suốt huyền cơ, lại được linh khí núi sông hun đúc, thiên thời địa lợi nhân hòa ban tặng, chắc chắn sẽ cùng muôn quân chôn vùi binh tướng Giao vương Hoằng Tháo ở Bạch Đằng giang này. Mạt tướng thật là phúc lớn được đánh giặc cùng chủ tướng.
Ngô Quyền xúc động nói:
- Đỗ tướng quân quá lời rồi. Ta mới là người may mắn có được các tướng trên dưới một lòng đánh giặc. Ta đâu màng đến công lao, càng không dám cho mình tài trí hơn đời. Tất cả những điều mà tướng quân thấy, đều là công sức của các lão chài nơi cửa biển, của huynh đệ tướng sĩ lặn ngụp suốt đêm ngày. Mai kia giặc tan, ta mời tướng quân hãy cùng ta về lại Bạch Đằng tạ ơn các lão chài mới được.
Đỗ Cảnh Thạc lần nữa sững sờ trước câu nói giản dị của Ngô chủ tướng, trong lòng vô cùng cảm khái nói:
- Mạt tướng xin tuân lệnh!
Quả nhiên, chỉ vài ngày sau, trận địa cọc nhọn Bạch Đằng đã chôn vùi binh tướng Giao vương.