Nếu Nga tấn công? Cựu binh Ukraine từng “vào sinh ra tử” ở Donbass thề chiến đấu đến cùng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các cuộc khảo sát gần đây cho biết, có ít nhất 1/3 dân số Ukraine cho biết họ sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu nếu Nga tấn công nước này.
Nếu Nga tấn công? Cựu binh Ukraine từng “vào sinh ra tử” ở Donbass thề chiến đấu đến cùng
Quân dự bị Ukraine. Ảnh: Sergey Dolzhenko/EPA

Theo The Guardian, mặc dù căng thẳng với Nga leo thang, nhưng tâm trạng của người Ukraine vẫn bình lặng một cách kỳ lạ. Kiev đón trận tuyết đầu mùa, nhiều người tổ chức đón Giáng sinh Chính thống giáo hoặc đi nghỉ lễ ở nơi khác. Không khí Giáng sinh bao trùm khắp nơi - dù nguy cơ chiến tranh bùng nổ gia tăng.

Người Ukraine đã mệt mỏi khi đất nước đã rơi vào tình trạng chiến tranh trong 8 năm - kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc xung đột tàn khốc ở miền Đông nước này đã cướp đi sinh mạng của gần 14.000 người.

Nhưng nếu kịch bản Nga tấn công Ukraine thực sự xảy ra thì sao? Khi đó người Ukraine nên ở lại, bỏ chạy hay chiến đấu? The Guardian trích dẫn kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho biết, có ít nhất 1/3 dân số Ukraine cho biết họ sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu.

"Chúng tôi sẽ bảo vệ ngôi nhà của mình"

Serhii Filimonov, chủ một doanh nghiệp an ninh, cho biết: Nếu Nga tấn công, anh sẽ tập hợp các "anh em" của mình: "Chúng tôi có khoảng 50 người. Chúng tôi sẽ gặp nhau và quyết định nơi chúng tôi có thể chiến đấu tốt nhất". Filimonov cho biết nhóm này gồm những người thuộc tầng lớp trí thức, trung lưu: nhân viên IT, nhà thiết kế, diễn viên, nhà báo...

Đây có thể là một con số nhỏ - so với lực lượng được Nga điều đến khu vực gần biên giới với Ukraine: hơn 100.000 quân. Tuy nhiên, những người dân Kiev này cũng không phải dạng vừa: Họ biết cách sử dụng súng. Họ đều là những cựu binh thiện chiến từng tham gia chiến đấu năm 2014.

Filimonov đã tham gia vào trận chiến đẫm máu ở Ilovaysk, và bị thương do trúng đạn cối của quân Nga. Sau một cuộc phẫu thuật loại bỏ mảnh đạn, anh trở lại mặt trận trên tư cách quân tình nguyện của tiểu đoàn Azov.

"Chúng tôi có vũ khí hợp pháp. Chúng tôi sẽ bảo vệ ngôi nhà của mình", Filimonov nói. "Như những gì diễn ra ở Belarus, Kazakhstan, [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đang muốn đế chế Nga trở lại. Đây là cuộc chiến của các nền văn minh, là cuộc đối đầu của phương Tây đấu với Á-Âu, của dân chủ chống lại chế độ n‌ô l‌ệ và chủ nghĩa độc tài. Chúng tôi muốn dân chủ và tự do."

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng lực lượng lục quân, không quân và hải quân vượt trội hơn hẳn của Nga có thể nhanh chóng chiếm lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Kyiv, tin rằng quân Nga sẽ ngay lập tức đối mặt với sự kháng cự từ Ukraine, nếu họ cố gắng chiếm lấy các thị trấn và thành phố.

Ông Zagorodnyuk bình luận với tờ Observer: "Chắc chắn sẽ không có sự hoảng loạn nào cả. Tôi không thấy có chút hoảng sợ nào". Những người như Filimonov và các nhóm quân tình nguyện nhỏ lẻ sẽ phát động các cuộc tấn công đảng phái đẫm máu.

Ông Zagorodnyuk thừa nhận sự yếu kém tương đối về khả năng quân sự của Ukraine, nhưng ông cho biết Kiev có khoảng 500.000 binh sĩ bao gồm cả quân dự bị. và lực lượng này đã sẵn sàng cho chiến tranh du kích "quy mô lớn".

Masi Nayyem, một luật sư người Ukraine, thừa nhận rằng ông mong muốn được chiến đấu với người Nga một lần nữa. Năm 2016, ông từng chiến đấu với một lữ đoàn nhảy dù ở Avdiyivka, vị trí tiền tuyến của Ukraine bên ngoài Donetsk do quân ly khai nắm giữ.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ, NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu đã kết thúc vào tuần trước trong ngõ cụt. Điện Kremlin đã yêu cầu chính quyền Biden đảm bảo rằng Ukraine và Gruzia sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Ông Putin cần Ukraine?

Các nhà bình luận phương Tây cho rằng Nga muốn đảo ngược trật tự thời hậu chiến tranh Lạnh - khôi phục khu vực Trung và Đông Âu dưới ảnh hưởng của Nga theo kiểu Hiệp ước Warsaw, từ đó quân đội và vũ khí của NATO bị cấm.

Theo The Guardian, mục tiêu thực sự của Nga vẫn là điều bí ẩn. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhận định rằng có thể Tổng thống Putin đang muốn tạo cớ cho chiến tranh khi yêu cầu Mỹ và các đồng minh viết lại các quy tắc an ninh quốc tế có lợi cho Nga.

Giáo sư Andrew Wilson từ Đại học College London, nhận định đây là thời điểm thích hợp đổi với Nga, khi Nga đang hưởng lợi do giá năng lượng tăng, và trên trường quốc tế, Điện Kremlin đang đối đầu với một chính quyền Mỹ được coi là "yếu kém và thiếu quyết đoán".

Vậy tiếp theo sẽ là gì? Giáo sư Wilson nhận định: "Khuấy động khủng hoảng để tạo cơ hội là những gì [người Nga] làm. Tôi nghĩ cuộc xâ‌m lượ‌c toàn diện sẽ không phải ưu tiên số 1, khi Nga hiểu rõ chi phí khổng lồ của cuộc xâ‌m lượ‌c và chiếm đóng. Nhưng ông Putin phải đạt được thắng lợi nào đó về an ninh châu Âu, hay chính Ukraine."

Và như vậy, cuộc khủng hoảng Ukraine không giống như những cuộc khủng hoảng thông thường, mà phần lớn nó nằm trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo, theo The Guardian.

Nataliya Gumenyuk, một nhà báo và tác giả người Ukraine thừa nhận: "Không có gì xảy ra trên thực địa thì thật khó để đưa tin, nhất là khi Ukraine thường có vẻ như một người ngoài cuộc. Chúng tôi luôn ở trong vị thế chờ đợi ’kịch bản xấu nhất’ mà không có cơ hội tác động đến kết quả."

Gumenyuk nói rằng điện Kremlin muốn quay ngược đồng hồ trở lại đầu những năm 1970, trước khi Liên Xô ký hiệp ước Helsinki đảm bảo nhân quyền - mà theo giới lãnh đạo hiện tại của Nga là một sai lầm.

Nhưng có nhiều ý kiến khác lại cho rằng ông Putin muốn quay ngược thời gian trở lại xa hơn nữa - về thời kỳ đế quốc vào thế kỷ 19, khi các cường quốc hùng mạnh lấn lướt những cường quốc kém hơn.

Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá Ukraine có nguy cơ cao bị Nga "xâ‌m lượ‌c". Trong khi đó, phía Ukraine cho rằng Moskva có thể đang lên kế hoạch cho một "hành động khiêu khích được dàn dựng".

Những người thuộc lực lượng dự bị như Filimonov cho biết họ sẵn sàng cho "một cơn bão" đang đến: "Chúng tôi tin rằng điều gì đó sẽ xảy ra. Ông Putin cần Ukraine. Việc Nga muốn chiếm Ukraine là không thể tránh khỏi. Và khi đó chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng"

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật