Nga “siết chặt” châu Âu trong vòng vây năng lượng

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tờ Jyllands-Posten của Đan Mạch viết, Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, chủ yếu từ Nga và mùa thu đông 2021 là một bài kiểm tra ’đau đớn nhất’ về điều này.
Nga “siết chặt” châu Âu trong vòng vây năng lượng
Trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt đang ở mức thấp kỷ lục cùng những hạn chế trong việc tìm kiếm các nguồn cung khác, EU rất có thể sẽ ngày càng phụ thuộc vào Nga để tránh tình trạng thiếu

Theo đó, 60% năng lượng cần thiết của EU được nhập khẩu và trong tình hình khi nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới ngày càng tăng, hậu quả dưới hình thức tăng giá kỷ lục là rất đáng chú ý khiến hàng triệu hộ gia đình châu Âu buộc phải thanh toán hóa đơn năng lượng cao hơn đáng kể.

Cho dù đó là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hay than đá, Nga vẫn có mặt ở khắp mọi nơi ở châu Âu, rõ ràng nhà cung cấp chi phối cho thị trường này là Moscow.

Khí đốt được cung cấp thông qua các đường ống qua Belarus, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như qua Baltic và Biển Đen. Nếu như nhìn vào bản đồ, nó trông giống như một “mê cung” hay “gọng kìm” vây quanh EU. Theo ước tính, gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở EU đến từ Nga.

Bất chấp Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 gần đây, không có dấu hiệu nào cho thấy châu Âu ngay cả trong trung hạn sẽ có thể giảm các yêu cầu nhập khẩu không chỉ đối với một lượng đáng kể năng lượng nói chung, mà đặc biệt đối với năng lượng có nguồn gốc từ hóa thạch.

“Ngay cả khi chúng ta tin tưởng vào việc thực hiện kịch bản mà theo đó vào năm 2050, có thể giảm phát thải khí nhà kính xuống mức thấp nhất như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã vạch ra, thì vào giữa thế kỷ này, vẫn sẽ có nhu cầu về dầu và khí đốt tự nhiên”, Giám đốc Điều hành tập đoàn dầu khí khổng lồ BP, ông Bernard Looney, phát biểu tại Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi.

Theo kịch bản của IEA, đến năm 2050, nhu cầu toàn thế giới sẽ giảm từ khoảng 100 triệu xuống 24 triệu thùng/ngày. Đây là một mức giảm đáng kể, nhưng ngay cả khối lượng như vậy vẫn đủ để lấp đầy 10 tàu chở dầu cỡ lớn mỗi ngày.

“Bất kỳ người có lý trí nào nhìn nhận viễn cảnh này từ một quan điểm khách quan đều phải thừa nhận rằng hydrocacbon sẽ tiếp tục đóng một vai trò nào đó. Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất hydrocacbon với tác động ít nhất đến khí hậu”, ông Looney nói.

Đầu năm nay, ông Looney thông báo rằng BP sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu và khí đốt tự nhiên tới 40% vào năm 2030 và ngừng mọi hoạt động thăm dò ở các quốc gia mới.

Mỏ dầu khổng lồ

Những quyết định như vậy có nghĩa là sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga có thể tăng lên nhiều hơn nữa trong những năm tới. Theo các chuyên gia, đây vẫn là một kịch bản tiềm năng, nhưng Nga đã chuẩn bị cho nó.

Mới đây, các công ty dầu khí do nhà nước kiểm soát của Nga được cho là đã ký một thỏa thuận phát triển mỏ khí đốt tự nhiên mới có tên Chalus được Iran phát hiện ở Biển Caspi.

Ngoài các công ty dầu khí của Nga, công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc cũng mua lại cổ phần của mỏ này.

Tehran cho biết, Chalus nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Iran ở Biển Caspi, giáp với Azerbaijan và Turkmenistan. Nhờ đó, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) có thể tự mình khám phá mà không cần quan tâm các lợi ích nước ngoài. Tuy nhiên, các yếu tố khác hiện chiếm ưu thế.

Theo thống kê, trữ lượng dầu thương mại của Chalus ước tính là 48 tỷ thùng và 8.250 tỷ mét khối khí tự nhiên. Các thương vụ trị giá hàng tỉ USD vẫn chưa được chính thức công bố, nhưng tin đồn đã lan truyền rộng rãi trong ngành dầu mỏ thế giới.

Về phía Nga, nước này thông qua các tập đoàn nhà nước độc quyền xuất khẩu như Gazprom có thể nhận khí đốt tự nhiên của Iran thông qua mạng lưới đường ống của mình và sau đó xuất khẩu sang châu Âu.

Tuy nhiên, điều thú vị nhất, Nga có ý định thu hút các công ty năng lượng và các nguồn tài trợ khác từ Đức, Áo và Italy, vì khí đốt tự nhiên từ Chalus sẽ có thể bao phủ khoảng 70% tổng lượng khí đốt tự nhiên mà 3 nước cần trong vòng 20 năm.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là chỉ riêng mỏ khí đốt tự nhiên này của Iran sẽ có thể đáp ứng hơn một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên ước tính của EU, đồng nghĩa với việc gia tăng sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên đến từ Nga.

Biến động giá cả

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào năm 2021 cực kỳ biến động, đặc biệt là do sự không chắc chắn về khối lượng và tính thường xuyên của nguồn cung từ Nga.

Nga có thể đang gửi đi một thông điệp về năng lượng tái tạo, rằng việc chuyển hướng quá nhanh khỏi khí đốt tự nhiên sẽ khiến Châu Âu dễ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp năng lượng mặt trời và gió không ổn định. (Ảnh: AP)

Một yếu tố quan trọng góp phần vào việc này là thực tế trữ lượng khí tự nhiên ở châu Âu vào đêm trước của mùa sưởi ấm hóa ra thấp hơn bình thường. Đặc biệt, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Gazprom ở Đức và Áo không được lấp đầy.

Cuối tuần qua, lượng khí đốt tự nhiên bắt đầu chảy nhiều hơn đến các cơ sở lưu trữ, nhưng Gazprom được cho là đã không thông báo trước công suất bổ sung cho các đường ống đi qua Ukraine.

Lời giải thích chính cho tình trạng của các cơ sở lưu trữ hiện nay là do các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên năm ngoái đã phản ứng với giá khí đốt xuống thấp bằng cách xả hết kho dự trữ trong nỗ lực giảm bớt những tổn thất có thể xảy ra. Tất cả những điều này xảy ra trên thực tế là nhu cầu về khí đốt cao hơn bình thường.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy Gazprom gặp khó khăn trong việc phục vụ cả khách hàng trong nước và những khách hàng ở châu Âu mua năng lượng theo hợp đồng dài hạn. Tình hình trở nên khó khăn đến mức Gazprom không thể cung cấp thêm khí đốt cho thị trường EU và điều này dẫn đến việc tăng giá”, chuyên gia Mike Fullwood, thành viên cấp cao tại viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết.

“Gazprom đã thông báo, họ có ý định bổ sung sản lượng dự trữ ở Nga không muộn hơn ngày 1/11, sau đó các cơ sở lưu trữ ở EU cũng sẽ được lấp đầy. Ở đây, có lẽ việc đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) không được phê duyệt nhanh chóng như Gazprom mong đợi, đã đóng một vai trò nào đó”, ông Fullwood nói thêm.

Nga có khả năng sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn đáng kể so với sản lượng hiện nay, nhưng theo Tổng thống Vladimir Putin, nước này chưa sẵn sàng đầu tư hàng tỉ USD vào việc mở rộng sản xuất và nâng công suất cho đến khi các bên mua của EU sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn hơn.

Phép thử

Theo giới phân tích, những tuần tới có thể là một bài kiểm tra xem liệu Nga có sẵn sàng “đóng băng” người châu Âu và nâng giá khí đốt tự nhiên lên một tầm cao mới hay không.

“Các dự báo dài hạn hứa hẹn nhiệt độ ở Tây Bắc Châu Âu sẽ xuống dưới mức bình thường trong những tuần tới. Dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng hiện nay dự trữ khí đốt tự nhiên trong các kho đang giảm theo mùa. Điều duy nhất có thể kìm hãm giá trong tình hình này là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga đã bắt đầu tăng cường xuất khẩu khí đốt sang EU”, bà Emily McClain, nhà phân tích thị trường khí đốt cấp cao tại Rystad Energy - công ty tư vấn năng lượng độc lập lớn nhất ở Na Uy nhận định.

“Nếu mùa đông lạnh hơn bình thường, tình hình ở EU có thể trở nên thực sự căng thẳng”, bà McClain nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật