Lạng Sơn: Làng của người Tày, nhà cùng xây một hướng, người cùng chung một họ, trai gái vẫn lấy được nhau

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở làng Quỳnh Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) có 450 nóc nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm. Làng có 1700 nhân khẩu là dân tộc Tày cùng chung sống. Đặc biệt, những ngôi nhà của người Tày ở đây đều được xây theo hướng Nam, cả làng đều mang họ Dương...
Lạng Sơn: Làng của người Tày, nhà cùng xây một hướng, người cùng chung một họ, trai gái vẫn lấy được nhau
Đồng lúa màu mỡ nằm trọn trong thung lũng của người dân Quỳnh Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Gia Tưởng

Làng Tày trồng lúa làm nương, người dễ thương, cảnh dễ mến

Khoảng 10 năm trở lại đây, cái tên làng Quỳnh Sơn luôn được du khách ưa khám phá ước ao đặt chân tới.

Ngôi làng không ở chốn thâm sơn cùng cốc, mà tọa lạc ngay giữa thung lũng Bắc Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), khí hậu quanh năm mát mẻ.

Điểm nhấn ở Quỳnh Sơn là những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào người Tày nằm liền kề, bao quanh là những cánh đồng lúa một năm cho hai mùa vàng bội thu, và những dãy núi đá vôi trùng điệp. Chỉ có thể thốt lên rằng, Quỳnh Sơn quá đẹp mà thôi.

Theo những bậc cao niên trong làng Quỳnh Sơn, cho đến bây giờ thì không ai nhớ chính xác được làng được lập từ bao giờ!

Qua những dấu tích khai phá ruộng lúa nước và những ngôi nhà sàn được tổ tiên trong làng dựng, làng Quỳnh Sơn dễ đến hàng trăm năm tuổi. Và làng có số lượng nhà sản đồ sộ hiếm thấy ở vùng cao là 450 nóc nhà.

Theo ông Dương Công Bằng (69 tuổi), từ thượng cổ đến nay, làng Quỳnh Sơn chỉ có nghề làm nông. Do thiên nhiên ưu đãi, những thửa ruộng của làng được núi đá vôi bao quanh đổ nước xuống, nên lúc nào cũng màu mỡ. Hạt gạo ở Quỳnh Sơn cũng tròn trịa, mập mạp, dẻo thơm hơn hạt gạo ở các làng xung quanh trong vùng.

Dẫn chúng tôi đi qua những ruộng lúa trĩu bông đang chờ thu hoạch, ông Bằng chia sẻ: "Ở làng chúng tôi, bà con cấy được lúa năng suất cao là do biết làm bờ vùng bờ thửa tốt. Để ruộng giữ được nước quanh năm, bà con tưới tiêu theo ý của mình, và chỉ tháo đi khi vào mùa gặt".

Người nông dân Quỳnh Sơn yêu công việc làm nông. Ảnh: Gia Tưởng

Cũng theo ông Bằng, trước kia, nhà nào ở Quỳnh Sơn chăn nuôi trâu bò ngay dưới gầm nhà sàn. Nhưng bây giờ ngoài làm ruộng, bà con đã biết kết hợp với du lịch cộng đồng. 

Do đó, bà con quy hoạch khu chăn nuôi gia súc ra xa khu nhà ở, nhưng vẫn đảm bảo được nguồn phân chuồng, phân xanh ủ mục bón cho những cánh đồng lúa.

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó của người dân tộc Tày, lại biết ứng dụng kinh nghiệm thời tiết, khoa học kỹ thuật vào việc cày cấy, nên việc mất mùa ở Quỳnh Sơn hầu như không có.

Bất kỳ ai đặt chân tới Quỳnh Sơn đều thấy một vẻ no ấm, bình yên, dung dị đến lạ thường ở ngôi làng này.

Khám phá những mái nhà sàn

Nếu đến Quỳnh Sơn mà chỉ nhìn ngắm cảnh đẹp thôi thì chưa đủ. Phải trải nghiệm cuộc sống của bà con người Tày ở đây thì mới thấy người dân Quỳnh Sơn dễ mến, thân thiện đến nhường nào.

Người dân Quỳnh Sơn không chỉ tiếp khách, chiều khách bằng cả tấm lòng của mình, mà họ có sự hiểu biết văn hóa rất cao, thể hiện qua sự yêu mến, tự hào về chính ngôi làng của mình.

Chúng tôi gặp chàng trai Dương Công Trọng có vẻ ngoài chắc chắn, mập mạp của người Tày, khuôn mặt tròn phúc hậu, da trắng. Tuy mới 21 tuổi, nhưng Trọng lại hiểu biết rất kỹ về văn hóa truyền thống của vùng đất nơi mình sinh ra.

Một ngôi nhà sàn đặc trưng của người dân làng Quỳnh Sơn. Ảnh: Gia Tưởng

Trọng chia sẻ, ở làng Quỳnh Sơn có 450 nóc nhà sàn, mái được lợp bằng ngói âm dương nên rất mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Toàn bộ cột kèo được làm bằng gỗ, đây là vật liệu sẵn có ở rừng được bà con khoanh nuôi bảo vệ.

Nhà sàn của người Tày ở xã Quỳnh Sơn có kết cấu thường là 3 gian 2 chái. Gian giữa dùng để thờ cúng tổ tiên, còn 2 gian ngoài dùng để gia chủ tiếp khách, 2 chái bên cạnh dùng làm phòng ngủ. Nhà sàn thường có 9 bậc cầu thang để dẫn lên tầng 2.

Trước kia, bà con chỉ ngủ trên tầng 2, vì tầng trệt thường tận dụng nuôi nhốt trâu bò, để nông cụ và làm kho chứa thóc lúa. 

Nhưng giờ tầng dưới cũng được xây ngăn làm phòng ngủ, hoặc cải tạo làm chỗ chơi, tránh lúc mưa nắng.

Cũng theo Trọng, ở Quỳnh Sơn, mọi ngôi nhà đều nhìn về một hướng, đó là hướng Nam. Bởi vì các cụ có dạy "lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam".

"Cả làng Quỳnh Sơn đều là dân tộc Tày và đều mang họ Dương. Tuy nhiên, người trong làng vẫn lấy được nhau, vì có 3 nhánh là Dương Công, Dương Đoàn và Dương Đình. Hằng năm cứ vào dịp hội Lồng Tồng, trai gái trong làng vẫn tổ chức hát Then giao lưu với nhau để xem ai xứng đôi vừa lứa. Cái bụng mà ưng nhau thì sẽ nhờ ông mai bà mối đến thưa chuyện với gia đình", Trọng kể.

Ban thờ chính của nhà sàn cổ ở làng Quỳnh Sơn. Ảnh: Gia Tưởng

Trọng bảo, tuy bố mẹ không biết hát Then nhưng Trọng đã tự học hát Then và chơi đàn tính được hơn 10 năm qua. 

Đến giờ, Trọng đã thể hiện được thành thạo rất nhiều bài Then cổ của dân tộc Tày. Trọng cũng tham gia tích cực vào đội văn nghệ xã Quỳnh Sơn, thường xuyên đi giao lưu biểu diễn trong huyện, trong tỉnh Lạng Sơn.

Thế rồi, Trọng tự nhiên thể hiện một bài Then bằng giọng hát mượt mà và những ngón đàn điêu luyện. Chắc hẳn, những điệu Then của Trọng đã chinh phục và làm mê đắm mỗi du khách đến du lịch trải nghiệm ở Quỳnh Sơn, khiến ai gặp cũng thấy dễ mến và khó quên.

Ông Nguyễn Ngọc Thiều - Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: "Phải nói rằng chúng tôi rất may mắn khi bà con dân tộc ở đây đã xây dựng những ngôi làng văn hóa như Quỳnh Sơn. Tuy phát triển hiện đại, sóng 4G phủ khắp làng, nhưng bà con vẫn giữa được những giá trị truyền thống cốt lõi về văn hóa và bản sắc của dân tộc mình".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật