Áp lực khi chi hỗ trợ đợt 3

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP HCMTiêu chí “hoàn cảnh thực sự khó khăn” không cụ thể, số người đăng ký nhận bổ sung quá lớn, tiền chưa về kịp khiến địa phương gặp áp lực khi chi hỗ trợ.
Áp lực khi chi hỗ trợ đợt 3
Cán bộ phường 14 (quận Gò Vấp) chi hỗ trợ cho người dân ở trọ, ngày 1/10. Ảnh: Lê Tuyết

Ở gói thứ 3, khu phố 9, phường 17 (quận Gò Vấp) có hơn 1.700 người cần giúp đỡ. Bà Ngô Thị Thanh Lam, trưởng khu phố cho hay sau 10 ngày việc chi tiền gần hoàn tất. Hiện, khu phố phát sinh 500 người đăng ký nhận hỗ trợ với lý do không nằm trong nhóm loại trừ. Họ cho rằng bản thân không tham gia bảo hiểm xã hội, không có lương tháng 8/2021 hoặc trợ cấp nên đương nhiên được nhận.

Bà Lam ví dụ một gia đình có chồng nhận lương hưu, hai con đi làm, có phòng trọ cho thuê vẫn đăng ký cho người vợ ở nhà nội trợ và hai đứa cháu nhận hỗ trợ. Tổ trưởng dân phố giải thích rằng cả nhà ba trường hợp phụ thuộc nhưng ba người khác có lương, chưa kể thu nhập từ phòng trọ. Do đó, địa phương không thể đưa vào danh sách vì xét hoàn cảnh không khó khăn.

"Nói thế nào họ cũng không chấp nhận. Có người gửi đăng ký đến 7 lần", bà Lam nói và giải thích theo Nghị quyết 97 của HĐND TP HCM người lao động mất việc, không còn thu nhập nào khác do dịch sẽ được giúp đỡ nhưng phải kèm theo tiêu chí "có hoàn cảnh thực sự khó khăn". Do đó, khi rà soát cán bộ cơ sở sẽ đưa những người tạm trú, ở nhà trọ, thành viên hộ nghèo, cận nghèo vào danh sách ưu tiên. Sau đó mới xét các trường hợp thường trú, có nhà cửa ổn định.

Bà Lam cho hay với các trường hợp đăng ký bổ sung, tổ xét duyệt của phường sẽ đến từng nhà thẩm định. Nếu người dân khẳng định mình khó khăn và muốn nhận hỗ trợ cần ký phiếu cam kết để chính quyền làm cơ sở thẩm tra sau này.

Tương tự, những ngày qua, sau khi chi hỗ trợ cho hơn 21.000 người, cán bộ phường 14 (quận Gò Vấp) tiếp tục rà soát 33.000 trường hợp bổ sung. Theo Chủ tịch UBND phường 14 Nguyễn Thế Dũng, bên cạnh những người thật sự khó khăn được các tổ công tác cập nhật, có nhiều người tự đăng ký vì cho rằng không thuộc nhóm loại trừ, tức đương nhiên được nhận, không phải xét duyệt.

Ông Dũng cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do các văn bản quy định, hướng dẫn gói hỗ trợ thứ 3 của thành phố không rõ ràng, không thống nhất giữa các địa phương. Tiêu chí "có hoàn cảnh thực sự khó khăn" nghiêng về định tính hơn định lượng. Đơn cử, ở phường 14 nếu người đăng ký nhận hỗ trợ có nhà lầu, xe hơi, gia đình có điều kiện sẽ được không xét. Trong khi đó ở nơi khác lại duyệt chi nên người dân so bì và có lời lẽ khá nặng nề với cán bộ phường.

Cán bộ phường 14 (quận Gò Vấp) kiểm tra lại danh sách người dân nhận hỗ trợ đợt 3. Ảnh: Lê Tuyết

Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho hay danh sách hỗ trợ đợt 3 của toàn quận hơn 374.000 người, hiện tỷ lệ chi đạt 84%. Hơn 10 ngày qua, các phường, khu phố phản ảnh số người dân yêu cầu nhận hỗ trợ rất lớn. Hiện các tổ công tác của phường đến từng nhà thẩm tra sớm lên danh sách duyệt chi bổ sung.

"Các trưởng khu phố, tổ trưởng đang chịu rất nhiều áp lực, nhiều người xin nghỉ nhưng phường, quận động viên làm tiếp", bà Thư nói.

Không chỉ lúng túng về tiêu chí "có hoàn cảnh thực sự khó khăn", một số quận, huyện gặp áp lực khi kinh phí cấp chưa đủ so với danh sách được xét duyệt. Ở đợt hỗ trợ thứ 3, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) có hơn 40.000 người cần giúp đỡ nhưng đến nay mới chi được một nửa vì hết tiền.

Ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch UBND phường cho hay số tiền nhận được phải rải đều cho 8 khu phố, sau đó phân về các tổ dân phố chi trả cho dân. Kinh phí có hạn nên có những người chưa nhận được, phải chờ đợt sau khiến họ phản ứng gay gắt. "Trước câu hỏi khi nào có tiền của người dân chúng tôi không dám hứa thời gian cụ thể vì phụ thuộc ngân sách ở trên rót về", ông Vương nói.

Theo Phó chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính, toàn địa bàn có hơn 609.000 người khó khăn cần giúp đỡ, nhưng đến nay mới chi hơn 300.000 người, số còn lại đang chờ vì hết kinh phí. Quận đã có văn bản gửi UBND TP HCM và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị cấp số tiền còn lại.

Tương tự, bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch UBND quận 11 cho hay địa bàn có 146.000 khó khăn cần giúp đỡ, đến nay đã chi được 60%, số còn lại đang chờ do thiếu tiền. Trước đó quận yêu cầu các phường ưu tiên chi trả cho các trường hợp có hoàn cảnh bí bách, người ở trọ, các xóm lao động nghèo.

"Những người chưa nhận được liên tục gọi điện, chưa kể các trường hợp đăng ký nhận bổ sung khá lớn khiến cán bộ cơ sở rất áp lực", bà Trâm nói.

Người dân hẻm 1072 Trường Sa nhận tiền hỗ trợ do cán bộ phường 12 trao, sáng 30/9. Ảnh: Hà An

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM nói mục tiêu của gói hỗ trợ thứ 3 giúp đỡ 7,3 triệu người thật sự khó khăn, bị mất việc làm do dịch, không còn thu nhập nào khác. Theo tiêu chí này, thành viên hộ nghèo, cận nghèo, những người sống ở các khu nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu lưu trú công nhân được ưu tiên xét duyệt.

Hiện một số địa phương có yêu cầu người nhận tiền ký cam kết "thực sự khó khăn", ông Tấn nói rằng thành phố không có quy định này, người nhận tiền chỉ cần ký nhận là xong. Tuy nhiên, nếu tổ công tác nghi ngờ trường hợp không đúng tiêu chí có thể yêu cầu ký cam kết để sau này thẩm tra, nếu sai sẽ thu hồi.

Gói hỗ trợ đợt 3 được TP HCM thông qua hồi cuối tháng 9, với kinh phí 7.300 tỷ đồng. Khác những đợt trước, lần hỗ trợ này không tính theo hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận một triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Tính đến ngày 9/10, đã có hơn 3,2 triệu người được giúp đỡ.

Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngoài gói đang giải ngân, thành phố đã thực hiện hai gói hỗ trợ riêng với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn. Ngoài ra, thành phố cấp 14.000 tấn gạo và hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật