Nhiều cửa hàng ở phố trà sữa tại TP.HCM đóng cửa, gây tiếc nuối

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên đường Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (quận 1), nhiều tiệm trà sữa kín khách xếp hàng, chờ mua đồ uống. Ngay cạnh đó, không ít quán đóng cửa, treo biển cho thuê lại mặt bằng.
Nhiều cửa hàng ở phố trà sữa tại TP.HCM đóng cửa, gây tiếc nuối
Khách chờ mua trà sữa tại phố Nguyễn Huệ.

Sau một tuần mở cửa trở lại, nhân viên tại cửa hàng trà sữa Sharetea trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) làm việc hết công suất, ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến.

Quỳnh Như (25 tuổi, quản lý cửa hàng) cho biết tiệm đông nhất vào mỗi buổi tối cuối tuần khi nhiều bạn trẻ đi dạo chơi tại phố đi bộ. Buổi sáng, tiệm ít khách hơn, đơn hàng chủ yếu đến từ các ứng dụng đặt hàng online.

"Từ hôm mở cửa trở lại đến nay, tiệm có lượng khách đông hơn cả những ngày trước dịch, trung bình mỗi ngày bán hơn 500 ly nước. Đa số khách tới đây là giới trẻ. Sau nhiều tháng giãn cách, họ rất hào hứng khi lại được thưởng thức hương vị quen thuộc", Như nói với Zing.

Tấp nập bán hàng ngày bình thường mới

Quỳnh Như chia sẻ cô và các nhân viên cảm thấy rất vui khi được nhìn đường phố sôi động trở lại sau thời gian dài căng thẳng vì dịch.

Để đảm bảo an toàn trong trạng thái bình thường mới, Như luôn yêu cầu nhân viên của mình đảm bảo các quy tắc phòng dịch như tiêm đủ 2 mũi vaccine, test nhanh Covid-19 3 ngày một lần.

Theo Như, điều khó khăn nhất đối với tiệm chính là vấn đề thiếu hụt người làm. Nữ quản lý cho biết khoảng 50% nhân viên của tiệm đang mắc kẹt ở quê nên những người ở lại phải cố gắng nhiều hơn để hoàn thành khối lượng công việc lớn.

"Sau nhiều tháng ’đóng băng’ vì dịch, tôi cảm thấy tiệm còn hoạt động tốt như thế này là điều rất may mắn. Từ trước giãn cách, nhiều cửa hàng trên phố này đã phải trả mặt bằng vì không thể cầm cự nổi", Như nói.

Một số tiệm đồ uống trên đường Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế đông đúc người tới mua mang về vào buổi chiều.

Buổi trưa và chiều cùng ngày, tiệm trà sữa KOI Thé trên đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) cũng có khá đông khách đứng xếp hàng, chờ đợi mua đồ uống. Bảo vệ tại đây hướng dẫn từng người lần lượt vào quét mã khai báo y tế rồi mới được gọi nước, nhắc nhở đảm bảo khoảng cách an toàn.

Nguyễn Nguyên Phương, quản lý cửa hàng, chia sẻ trong 3 ngày đầu mở cửa trở lại, khách mua hàng tại tiệm tăng gấp đôi so với trước dịch và chủ yếu là khách đến mua trực tiếp.

"Hiện tại, trung bình mỗi ngày chúng tôi bán 500-700 ly nước. Buổi tối, nhiều người thường gửi xe ở đường đối diện, xếp hàng dài mua trà sữa", Phương nói.

Khách xếp hàng giãn cách theo quy định, chờ tới lượt mới vào mua trà sữa.

Những ngày cuối tuần, 5 nhân viên trong ca trực của tiệm luôn phải làm việc hết công suất để vừa phục vụ khách tới mua trực tiếp, vừa chuẩn bị đơn hàng qua ứng dụng.

"Tôi thấy rằng điều khác biệt lớn nhất sau giãn cách chính là khách hàng có ý thức phòng dịch cao hơn hẳn. Ngày trước, khi nhân viên nhắc đeo khẩu trang hay đứng giữ khoảng cách, nhiều khách khó chịu và quát ngược trở lại. Bây giờ, ai cũng tự giác thực hiện", Phương cho hay.

Trả mặt bằng

Tuy nhiên, trái ngược với cảnh đông đúc ở những nơi đã mở lại, rất nhiều cửa tiệm khác trên các "con phố trà sữa" khu vực trung tâm quận 1 như Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu đã không thể cầm cự được qua đợt dịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục tiệm trà sữa, giải khát, ăn vặt trên "khu phố vàng" đã phải đóng cửa và gỡ biển hiệu, treo thông báo cho thuê, sang nhượng mặt bằng.

Đường Ngô Đức Kế vốn là "phố trà sữa" thu hút giới trẻ TP.HCM, nay chỉ có 2 tiệm trà sữa lớn còn hoạt động, bên cạnh đó, những tiệm khác đã đóng cửa, gỡ biển.

Nhiều tiệm trà sữa đã trả mặt bằng, đóng cửa sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Phóng viên đã liên hệ theo số điện thoại của người môi giới mặt bằng được dán trên mặt tiền của một tiệm trà sữa đã đóng cửa trên đường Hồ Tùng Mậu. Người này cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiệm trà sữa trên đã trả mặt bằng.

Giá thuê cửa hàng này hiện là 9.000 USD/tháng. Mức giá này không thay đổi so với trước khi dịch bùng phát.

Trong lúc đứng xếp hàng mua nước tại một tiệm trà sữa trên con phố Ngô Đức Kế, Hà Thanh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng khá hụt hẫng bởi sau 4 tháng giãn cách, quán "ruột" cô hay ngồi uống với bạn bè đã nghỉ bán.

"Trước đây, cuối tuần nào tôi cũng lên phố đi dạo và ghé tiệm trà sữa đó cùng hội bạn. Giờ quay lại thấy nhiều quán đóng cửa, cả những chỗ tôi hay ăn vặt cũng không còn", Thanh nói.

Trong khi đó, Phương Thảo (22 tuổi, sinh viên) cũng cho biết cô khá bất ngờ khi quay trở lại những tuyến phố như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế sau giãn cách xã hội và nhìn thấy nhiều tiệm trà sữa, đồ ăn đã tháo dỡ biển hiệu.

"Tôi và bạn dự định ghé mua đồ uống ở quán quen rồi mang đi, nhưng tới nơi, quán đã gỡ biển, bên ngoài thông báo tìm người thuê mặt bằng", Thảo chia sẻ.

Khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, những con đường nổi tiếng về ẩm thực trở nên vắng vẻ, nhiều nơi gỡ biển, thông báo tìm người thuê.

Thời điểm trước dịch, "phố trà sữa" trên đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) thu hút bởi hàng loạt quán trà sữa san sát nhau. Lượng khách hàng thường xuyên tới đây gồm học sinh, sinh viên, giới trẻ văn phòng…

Tháng 8/2019, theo thống kê của Savills, giá thuê một căn nhà tùy thuộc vào vị trí cụ thể và diện tích ở khu vực này dao động từ 6.000 USD - 20.000 USD/căn/tháng.

Thời điểm đó, mặt bằng tại các tuyến đường này rất khan hiếm do đây đều là những tuyến đường “hot”, tập trung nhiều thương hiệu nhà hàng và đồ uống, tạo thành một quần thể ăn uống.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, những con đường nổi tiếng về ẩm thực này đã cho thấy sự đuối sức khi trở nên vắng vẻ, các thương hiệu trả mặt bằng, đóng cửa, nhiều căn nhà mặt tiền dán chằng chịt những tấm biển thông báo cho thuê.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật