Chủ bỏ tàu, thủy thủ kẹt trên “nhà tù” giữa biển khơi

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi phải đối mặt với khoản nợ quá lớn hay không đủ tiền sửa chữa, nhiều công ty vận tải chọn cách bỏ rơi tàu, đẩy nhiều thuyền viên vào tình trạng mắc kẹt hàng năm trời trên biển.
Chủ bỏ tàu, thủy thủ kẹt trên “nhà tù” giữa biển khơi
Nhiều thủy thủ đang mắc kẹt ở những con tàu bị bỏ rơi. Ảnh: Wall Street Journal.

Ngoài khơi Romania, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và nhiều quốc gia khác, nhiều thủy thủ đang mắc kẹt trên những con tàu ngoài khơi. Họ bị nợ lương và không thể trở về nhà.

Một số người đã ở trên tàu nhiều năm. Tình trạng cạn kiệt lương thực, thực phẩm và nhiên liệu diễn ra thường xuyên. Đã có những người mang ý định t‌ּự t‌ּử.

“Chúng tôi không thể sống ở đây”, một kỹ sư trên tàu MV Aizdihar, mắc kẹt tại cảng Bandar Abbas, Iran, chia sẻ với Wall Street Journal. “Xin hãy giúp chúng tôi”.

Theo ước tính của Liên đoàn Công nhân Vận tải Thế giới (ITWF), hơn 1.000 thuyền viên đang bị bỏ rơi trên các tàu chở hàng và container. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều, khi một số thuyền viên ngại lên tiếng vì sợ bị đưa vào “danh sách đen”.

Ông Mohamed Arrachedi, điều phối viên của ITWF tại Trung Đông, cho biết ông nhận được rất nhiều tin nhắn từ các thủy thủ mắc kẹt trên khắp thế giới.

“Đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu”, ông nhận xét.

Tình trạng đáng báo động

Ngành công nghiệp vận tải biển, trị giá hơn 14.000 tỷ USD, đang chứng kiến tình trạng ông chủ bỏ rơi tàu cao chưa từng có.

Theo định nghĩa của Tổ chức Hàng hải Thế giới, tình trạng “ông chủ bỏ rơi tàu” xảy ra khi chủ tàu không trả lương cho thuyền viên từ 2 tháng trở lên, hoặc không trả tiền để đưa thuyền viên về nhà.

Trong năm 2020, tổ chức này ghi nhận 85 trường hợp như vậy trên toàn thế giới. Con số này gia tăng hơn 2 lần so với năm 2019 và được dự báo còn gia tăng trong năm 2021.

Sự gián đoạn thương mại gây ra bởi đại dịch Covid-19 và bản chất cạnh tranh cao của ngành công nghiệp vận tải biển là nguyên nhân của sự gia tăng này.

Khi phải đối mặt với khoản nợ lớn hay không đủ tiền sửa chữa tàu, một số công ty vận tải lựa chọn phương án bỏ rơi hoặc bán tàu làm phế liệu. Những hạn chế do dịch Covid-19 khiến việc mua bán khó khăn hơn. Kể cả trong điều kiện thông thường, quá trình giao dịch cũng có thể mất nhiều năm để hoàn tất.

Khi công ty tàu biển hết tiền, thuyền viên thường không còn lại gì. Họ chỉ có một con tàu mắc kẹt làm chỗ trú ngụ.

Một số quốc gia yêu cầu thuyền viên ở lại trên tàu cho đến khi chủ tàu trả phí cảng biển. Bên cạnh đó, nhiều thuyền viên từ chối lên bờ vì lo ngại sẽ mất trắng khoản tiền lương trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Họ quyết tâm không ra về tay trắng.

Theo Công ước Lao động Hàng hải, chủ tàu phải đóng bảo hiểm để chăm sóc thuyền viên bị mắc kẹt. Tuy vậy, nhiều quốc gia Trung Đông không ký kết công ước và không áp đặt điều luật này.

Khu vực quanh kênh đào Suez, Ai Cập là nơi có số tàu bị bỏ rơi cao hàng đầu thế giới. Có những người bị mắc kẹt tới 4 năm, như trường hợp của thủy thủ người Syria Mohammad Aisha trên con tàu MV Aman.

Tháng 8 vừa qua, ba quốc gia có số lượng thuyền viên lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Indonesia và Philippines - đề xuất thành lập một quỹ khẩn cấp để giúp đỡ những người bị bỏ rơi.

Thủy thủ người Syria Mohammad Aisha nói chuyện với gia đình từ tàu MV Amman. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhà tù giữa biển khơi

Năm 2020, con tàu MV Ali Bey bị bỏ rơi tại cảng Constanta, Romania khi thanh tra phát hiện các thuyền viên không có hợp đồng thích hợp. Một số người đã không nhận lương trong hơn một năm.

Từ thời điểm đó, 4 thuyền viên quyết định ở lại trên tàu để chờ nhận lương. Họ chỉ có một chiếc lò sưởi nhỏ để sưởi ấm. Điện lúc có lúc không. Để giết thời gian, họ chỉ biết chơi bài và ném xương gà vào lũ chó hoang trên cảng.

“Chúng tôi đang sống giữa xiềng xích. Đây là địa ngục”, thuyền trưởng Abullah Dahha chia sẻ. Tuy vậy, các thuyền viên không muốn rời tàu vì lo ngại mất trắng khoản tiền lương lên tới 200.000 USD.

Năm 2017, ông Riasat Ali, một kỹ sư 52 tuổi người Pakistan, ký hợp đồng làm việc 12 tháng trên tàu MT Iba với mong muốn kiếm tiền cho con học đại học. Ông không ngờ bản thân sẽ phải ở trên tàu tới 4 năm.

Alco Shipping, công ty sở hữu tàu MT Iba, không thể trả nợ. Do đó, ông Ali và ba thuyền viên khác bị mắc kẹt ngoài khơi UAE.

“Tất cả những gì chúng tôi ăn là cơm, dù là bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối”, ông Ali nói. “Thậm chí, chúng tôi không có đường và muối”.

Trước nguy cơ chết đói, các thuyền viên phải cầu cứu một tổ chức từ thiện để có thức ăn và nước uống.

“Cuộc sống như n‌ô l‌ệ vậy. Chúng tôi phải cầu xin thức ăn”, ông Vinay Kumar, một kỹ sư từ Ấn Độ, than thở.

Tàu MV Ali Bey bị bỏ rơi tại cảng Constanta, Romania. Ảnh: Wall Street Journal.

Đầu năm 2021, một cơn bão lớn phá hỏng hai dây neo của tàu. Trong 12 tiếng đồng hồ, tàu bị nghiêng 45 độ. “Tôi ở trên đài chỉ huy cùng kỹ sư chính. Hai chúng tôi sợ đến mức không dám nói chuyện với nhau. Tôi và anh ấy cố gắng nằm, nhưng độ nghiêng khiến chúng tôi buồn nôn”, ông Ali hồi tưởng.

Con tàu trôi dạt hơn 30 km trước khi mắc cạn gần bãi biển Umm Al Quwain, một địa điểm giải trí nổi tiếng tại Dubai.

Đến tháng 2, sau khi con tàu được bán cho một công ty có trụ sở tại Dubai, ông Ali có thể rời tàu với 70% mức lương chưa được chi trả.

“Chúng tôi không nhận đủ những gì đáng được hưởng”, ông Ali nói. “Nhưng chúng tôi cần về nhà với gia đình”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật