Những gia đình mất trụ cột trong đại dịch

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần một tháng nay, anh Huỳnh Thanh Hậu bắt đầu cuộc sống “gà trống nuôi con“ bằng việc tập cho đứa con 7 tháng tuổi bú bình.
Những gia đình mất trụ cột trong đại dịch
Ảnh minh họa

Không chỉ có vậy, hàng ngày anh phải dậy sớm giặt giũ, chuẩn bị đồ ăn cho con lớn 13 tuổi. Những việc này không khó nhưng có hai việc khiến người đàn ông 39 tuổi, ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cảm thấy bối rối: Không biết lịch tiêm chủng của con nhỏ thế nào và càng không biết dạy con lớn học ra sao.

"Bình thường những việc này vợ tôi lo hết", anh Hậu nói.

Anh Hậu đã tập được cho con trai 7 tháng tuổi ti bình, sau khi vợ mất vì Covid-19 đầu tháng 9. Hiện ba bố con anh sống trong ngôi nhà của bố mẹ vợ ở Liên khu 56, Bình Hưng Hòa B. Ảnh: Tấn Phát

Hôm 23/8, chín trong số 10 người của gia đình anh nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Anh Hậu đi theo mẹ vợ vào bệnh viện, những người khác điều trị tại nhà. Mỗi ngày anh gọi về vẫn thấy vợ nấu ăn, chăm con, nhưng một sáng đầu tháng 9 nhận tin vợ qua đời.

Cả nhà vẫn đang trong quá trình điều trị Covid-19 nên bé 7 tháng tuổi phải nhờ một người hàng xóm chăm sóc hộ. Ngày đón con về, cậu bé không chịu theo ai. Con khóc, người cha dỗ hoài không được, đặt bé trong nôi định để cho khóc mệt rồi ngủ. "Anh nó xót quá, chạy lên dỗ dành, may sao bé nín", anh Hậu kể.

Sau khi biết cách cho con bú bình, mấy bữa nay anh Hậu đang học người em họ làm các món ăn dặm cho bé. Không giúp được con trai lớn chuyện bài vở, anh chỉ còn biết thi thoảng ghé phòng lúc con học online như thể động viên.

Tiền bạc trong nhà đã gần cạn, anh Hậu không thể nhờ ông bà phụ chăm cháu để đi làm. Sau lần mắc Covid-19, hai cụ đều đã rất yếu. Anh tính đợi cho con nhỏ đầy năm rồi mới gửi trẻ. Song mấy tháng tới lấy tiền đâu để sống là một câu hỏi chưa có lời giải.

"Gà trống nuôi con khó đủ đường", anh thở dài.

Ở Việt Nam, chưa có thống kê chính xác nào về số gia đình mất vợ hoặc chồng vì Covid-19, lâm vào hoàn cảnh như anh Hậu. Trong làn sóng dịch thứ tư, TP HCM đã có gần 400.000 người nhiễm và 14.000 người t‌ử von‌g. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, khoảng 1.500 học sinh mất cha hoặc mẹ trong đợt dịch vừa qua. Có thể thấy, số gia đình mất trụ cột ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này sẽ lên tới hàng nghìn.

Chị Ngọc Hà trong ngôi nhà chồng mới sửa sang cho ba mẹ con trước khi ra đi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Covid-19 là cỗ máy tàn phá các gia đình, mỗi đợt bùng phát có thể tạo ra số lượng góa phụ lớn chưa từng có trên khắp thế giới", báo cáo của Quỹ Toàn cầu về Góa phụ, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, viết hồi tháng 5/2020.

Báo cáo khẳng định, bên cạnh nỗi đau mất chồng, người ở lại sẽ phải vật lộn để tái thiết cuộc sống. Tuy nhiên với sức của một người, điều này có vẻ không đơn giản.

Chị Võ Thị Ngọc Hà ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 thừa nhận việc một mình gồng gánh gia đình là nhiệm vụ rất nặng nề. "Anh ấy ra đi giống như bầu trời đổ sụp", chị Hà nói. Lý do duy nhất níu chị là hai đứa con 13 và 1‌8 tuổ‌i.

Bao năm qua, chồng chị là trụ cột của cả gia đình. Anh lo kinh tế, vợ chỉ đưa đón, chăm sóc con. "Khi con trai lớn gặp áp lực học hành, anh đưa 3 mẹ con về Tây Ninh, một mình ở lại thành phố bươn trải", chị Hà kể chuyện 4 năm trước.

dịch ập tới, chị Hà bất chấp nguy hiểm đèo hai con bằng xe máy vào Sài Gòn, giữa cao điểm dịch cuối tháng 7. Vợ chồng ở bên nhau được hơn chục ngày thì anh qua đời.

Chị Hà bắt đầu đảm nhận vị trí trụ cột gia đình từ việc nhỏ nhất là đi chợ mua đồ ăn mỗi sáng. Mất chồng, đồng nghĩa với gia đình mất thu nhập nên tới đây chị sẽ phải đi làm. Một người bạn đã xin cho công việc soát vé nhưng chỉ bắt đầu đi làm khi thành phố mở cửa hoàn toàn. Chuyện nuôi dạy con trai lớn cũng khiến chị đau đầu. "Thằng bé vốn chỉ nghe bố, giờ mẹ nói lúc nghe lúc không. Tôi đang nhờ một đồng nghiệp của chồng đến nói chuyện với con", chị giãi bày.

Ở một số quốc gia, những người mất vợ, chồng vì Covid-19 đã tìm cách kết nối với nhau. Tại Mỹ có một nhóm Facebook tập trung hàng nghìn người, nơi họ chia sẻ sự biệt ly đột ngột, đám tang không người tiễn đưa, nỗi lo kinh tế hay nuôi dạy con đơn thân. Tại Ấn Độ hay Indonesia, đã có các tổ chức hỗ trợ tâm lý và giúp đỡ những người mất vợ, chồng kiếm kế sinh nhai. Chính phủ các nước cũng vào cuộc hỗ trợ nhóm này ổn định cuộc sống.

Theo phó giáo sư nhân học và xã hội học Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, "những gia đình đột ngột mất vợ, chồng trở thành vấn đề của xã hội và các hệ lụy có thể kéo dài vài thập niên".

TP HCM đang mở cửa dần. Dường như mối lưu tâm phần nhiều tập trung vào các kế hoạch phục hồi kinh tế, tái thiết lại hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo khả năng thích ứng, sống chung với dịch bệnh. Song ở một khía cạnh khác, đại dịch còn tác động vào trong từng đơn vị gia đình, vợ mất chồng, chồng mất vợ, con cái mất cha/mẹ.

Ông Lộc cho rằng, vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế cho những hoàn cảnh này cần phải đưa lên bàn nghị sự là một ưu tiên không kém những ưu tiên khác khi triển khai kế hoạch phục hồi. Các giải pháp đưa ra cần chú ý đến nhận thức và khuôn mẫu hành vi của từng nhóm dân cư. Không nên chỉ quy giản chính sách đơn thuần là hỗ trợ các gói tài chính mà còn cần được trợ giúp, đồng hành bởi các chuyên viên tâm lý, công tác xã hội về gia đình.

"Cần đặt họ vào chính bối cảnh cộng đồng họ đang sống để có thể nhanh chóng thích ứng vào giai đoạn phục hồi của xã hội. Đó mới là sự hỗ trợ mang tính bền vững", phó giáo sư nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật