Độc đáo kiến trúc của một trong những đình làng cổ lớn nhất xứ Thanh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được xây dựng từ thời chúa Trịnh Tùng, trải qua hàng trăm năm với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình làng Đông Môn được xem là một trong những đình cổ lớn nhất xứ Thanh.
Độc đáo kiến trúc của một trong những đình làng cổ lớn nhất xứ Thanh
(Ảnh: Thanh Tùng)

Tọa lạc tại vị trí đắc địa, đình làng Đông Môn, thuộc làng Đông Môn (xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nằm cách cổng thành phía Đông của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ khoảng 70 m. Theo Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ thì đây là một trong những ngôi đình làng cổ lớn nhất Thanh Hóa.

Xem Video: Độc đáo kiến trúc của một trong những đình làng cổ lớn nhất xứ Thanh

Đình ban đầu được xây dựng bằng tranh, tre dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623). Mặc dù là trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ là ông Vũ Khắc Minh cai quản. Ông Vũ Khắc Minh là con cháu họ Vũ, người có công lao lớn đối với họ Lê và chúa Trịnh. Ông từ Hà Nam Ninh vào Thanh Hóa và được phong trang ấp họ Trịnh. Ông chiêu nạp con cháu họ Vũ và nhân dân khai ấp họ Trịnh khôi phục lại làng Đông Môn. Ông Vũ Khắc Minh mất ngày 15/4/1680, được nhân dân suy tôn là thành hoàng làng. Sau này nơi đây trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của cả làng. Trải qua hàng trăm năm, mái đình nhiều lần được trùng tu để tránh mưa nắng làm hư hỏng đến thân cột, kèo phía trong đình (Ảnh: Thanh Tùng).

Đến năm Cảnh Hưng thứ 15 triều Vua Lê Hiển Tông (năm 1753), đình làng Đông Môn được xây cất lại bằng gỗ (Ảnh: Thanh Tùng).

Đình có kiến trúc gồm 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái. Đình trong giáp với đình ngoài tạo nên kết cấu theo kiểu chữ đinh (J) (Ảnh: Thanh Tùng).

Kết cấu vì kèo của đình rất độc đáo, hai vì giữa chạm trổ cầu kỳ, phía trên kết cấu theo kiểu "giá chiêng, chồng rường", soi gờ kẻ chỉ. Hai vì có hình đầu rồng được chạm trổ với đường nét tỉ mỉ (Ảnh: Thanh Tùng).

Phần nách của 2 vì được chạm trổ hình tứ linh (long - ly - quy - phượng) với đường nét tinh vi, mềm mại (Ảnh: Thanh Tùng).

Một thân kèo gỗ được chạm trổ tứ quý (tùng - cúc - trúc - mai) (Ảnh: Thanh Tùng).

Đình được dựng bởi 24 cây cột gỗ có kích thước lớn. Đến nay, những thân cột gỗ này còn khá chắc chắn (Ảnh: Thanh Tùng).

Cấu trúc 4 mái đã tạo ra nét cổ kính, độc đáo riêng của ngôi đình. Trong ảnh là một phần góc mái đình được thiết kế tinh xảo (Ảnh: Thanh Tùng).

Để bảo tồn những nét văn hóa của kiến trúc ngôi đình cổ, nhiều nét hoa văn và kiến trúc được tu bổ, trùng tu suốt nhiều năm qua (Ảnh: Thanh Tùng).

Một vì kèo được trang trí mặt hổ phù, hay còn được gọi là quỷ la hầu (Ảnh: Thanh Tùng).

Phối cảnh tổng thể đình làng Đông Môn và khu vực hậu cung thờ thành hoàng làng Vũ Khắc Minh (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm 1995 đình làng Đông Môn được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng, làng Đông Môn đều tổ chức lễ hội thành hoàng làng tại ngôi đình này với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thu hút đông đảo bà con nhân dân và khách thập phương tham gia (Ảnh: Thanh Tùng).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật