2 anh em “thiếu oxy não” di chứng tâm thần, gia cảnh quay quắt vì Covid-19

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiếng la hét, đập phá... những âm thanh từ 2 đứa con tâm thần của bà Sâm khiến không ít người khiếp sợ. dịch Covid-19 ập đến, hơn tháng nay, gia đình bà quay quắt với miếng ăn, viên thuốc cho con.
2 anh em “thiếu oxy não” di chứng tâm thần, gia cảnh quay quắt vì Covid-19
Người mẹ đau lòng lén quay mặt đi giấu nỗi buồn vào công việc tách vỏ hạt sầu riêng trước hành động của đứa con điên dại.

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng bà Sâm, tiếng hú, tiếng hét, tiếng đập phá vang ra từ căn nhà nhỏ khiến chúng tôi giật mình và bị ám ảnh bởi những âm thanh đó.

Xem Video: Vợ chồng già nuôi 2 con ngờ nghệch, quay cuồng trong đại dịch Covid-19

Vợ chồng bà Sâm có 3 người con. Trong số này, người con trai đầu và con gái út mắc bệnh tâm thần từ lúc mới lọt lòng. Dù cả 2 đứa con đã hơn 20 tuổi, nhưng nhận thức vẫn như đứa trẻ lên 3, mỗi khi lên cơn lại la hét, đập phá đồ đạc trong nhà.

Vợ chồng bà Sâm tuổi đều ngoài 60, bao năm nay ông bà vất vả mưu sinh nuôi 2 người con mắc bệnh tâm thần. Nhưng có lẽ, bậc làm cha mẹ mới thấu đến quặn lòng khi thấy hai núm ruột của mình tự hành hạ bản thân mỗi khi phát bệnh. Vì thế, ở tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, hoàn cảnh của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sâm (sinh năm 1960) và ông Nguyễn Văn Đường (SN 1959) "nức tiếng" khó khăn.

Trong căn nhà được dựng tạm, rộng chừng 30 m2 chật chội, xoay qua xoay lại không cẩn thận là người va vào nhau. Để làm "công viên" cho 2 đứa con tâm thần, vợ chồng Sâm kê một chiếc giường ngoài sân cho 2 con ngồi chơi, bà cũng dễ dàng để mắt trong lúc làm việc.

"Công viên" của 2 đứa con tâm thần là chiếc giường cũ kĩ kê bên ngoài ngôi nhà tạm.

Thương 2 đứa con bà Sâm ra đời đều bị thiếu oxy não mà di chứng kéo dài đến suốt đời.

Trong câu chuyện của mình, người phụ nữ 61 tuổi không giấu nổi những nỗi niềm u uất, lo lắng cho số phận của những đứa con. Người phụ nữ có cuộc đời đầy bất hạnh kể, những đứa con lần lượt ra đời là cú sốc nặng với ông bà..

Năm 1996, bà Sâm sinh con đầu lòng là Nguyễn Đình Nguyên. Con trai được 8 tháng tuổi thì bà phát hiện bất thường. Cậu bé không nghe được người lớn gọi, chỉ biết lật chứ không biết bò. Cứ nghĩ con ăn uống thiếu chất, chậm phát triển nhưng mãi sau này đi khám thì bà mới biết con bị thiếu oxy não, di chứng để lại đến tận ngày hôm nay.

Cô con gái út Nguyễn Thị Thơ (SN 2000), cũng giống anh trai, thiếu oxy não mà chân tay co quắp, người lúc nào cũng điên dại. Xen giữa 2 đứa con tâm thần, Nguyễn Thị Thủy (SN 1998) là người con may mắn có được thể trạng phát triển bình thường. 

Những nét khắc khổ luôn hiện rõ trên khuôn người mẹ, bà bảo, cha mẹ nào chẳng thương con! Mỗi lần nhìn các con la hét, đập phá, lòng bà lại đau như cắt. 

Người mẹ khuôn mặt khắc khổ, giọng nhưng nghẹn lại, bà lấy tay quệt ngang dòng nước mắt bảo: "thương nhất thằng Nguyên, mỗi lần nó lên cơn là lại dùng tay đập thình thịch vào ngực rồi đập đầu xuống nền nhà. Bây giờ, trên đầu nó có mấy khối u lớn, tóc cũng không mọc được. Có những người lần đầu nhìn thấy nó, họ ám ảnh, sợ hãi mà không dám lại gần".

Còn cô con gái út thì cho gì ăn nấy và là người khiến vợ chồng bà Sâm khổ sở nhất. Mỗi khi lên cơn, Thơ đánh đập anh trai hoặc la hét như "bị trời đày".

"Cháu hay lên cơn lúc nửa đêm. Vợ chồng tôi không đêm nào yên giấc vì mỗi đêm con bé chỉ ngủ được 2-3 tiếng rồi lại dậy quậy phá", bà Sâm lắc đầu xót xa nhìn về phía 2 đứa con mắc bệnh, mỗi đứa một tính nết. Ở tuổi ngoài 60, vợ chồng bà không có gì ngoài nỗi lo toan cho 2 người con chưa từng một lần cất tiếng gọi bố, mẹ.

Tận mắt chứng kiến gia cảnh bà Sâm chúng tôi thấy thật sự ái ngại. Con cái bệnh tật, dở điên, dở dại. Bao năm qua, từ những đồng bạc lẻ tích cóp được thì vợ chồng bà Sâm đều dồn cả vào cho 2 đứa con tâm thần. Cha mẹ nào chẳng thương con!

Mới đây, ông Nguyễn Văn Đường lại mắc thêm căn bệnh tiểu đường, mắt mờ, chân chậm lại thêm bệnh gai cột sống phải điều trị dài ngày, bà Sâm một mình xoay xở để vừa có cơm cháo nuôi con, vừa có tiền đóng viện phí cho chồng.

Cũng bởi lý do ấy mà trong câu chuyện của mình, vợ chồng bà Sâm luôn nhắc đi nhắc lại: "Nếu vợ chồng tôi lỡ có chết trước thì biết các con sống sao?".

Vợ chồng bà Sâm luôn lo lắng, nếu vợ chồng bà mất đi thì không biết 2 đứa con sẽ sống ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đường tâm sự, may mắn người con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Thủy lành lặn, được học hành tử tế. Song tốt nghiệp đại học gần nửa năm nay, Thủy vẫn chưa có việc làm. Bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thủy hiện đang mắc kẹt tại TPHCM.

Ông Đường cho biết, hiện nay ngoài số tiền hỗ trợ 1,6 triệu đồng từ chính sách dành cho thân nhân người khuyết tật vợ chồng ông cũng chẳng có thu nhập gì. May mắn, mới đây một người hàng xóm tốt bụng thuê bà Sâm ngồi bóc hạt sầu riêng để có đồng ra, đồng lo đủ miếng cơm, viên thuốc cho 2 con.

Những khối u trên đầu Đình Nguyên khiến chàng trai đau đớn, vật vã.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil cho biết, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, địa phương đã hỗ trợ gia đình bà Sâm 60 kg gạo và các nhu yếu phẩm.

Ông Lương cho biết, hoàn cảnh của gia đình bà Sâm là đặc biệt khó khăn, hiện nay không có đất ở, đất sản xuất. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào số tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật là chủ yếu.

"Địa phương rất mong mỏi các nhà hảo tâm chung tay để gia đình bà Sâm ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil chia sẻ.

Ông Đường bị tai biến, lại mắc tiểu đường nên ông chỉ có thể làm mấy việc lặt vặt ở nhà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật