Các phi hành gia Trung Quốc trở về Trái đất sau 3 tháng trong không gian

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phi hành đoàn Thần Châu-12 hiện đã hoàn thành chuyến bay vũ trụ dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Các phi hành gia Trung Quốc trở về Trái đất sau 3 tháng trong không gian
Các phi hành gia Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm khi vừa đáp xuống mặt đất.

Lần đầu tiên, Trung Quốc đã thành công đưa các phi hành gia đến và đi từ trạm vũ trụ mới của mình trong không gian.

Ba phi hành gia Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo đã trở về sau ba tháng lưu trú trên trạm vũ trụ quay quanh Trái đất mới của quốc gia này. Viên nang hạ cánh đã bung dù xuống sa mạc Gobi ở khu tự trị Nội Mông vào khoảng 1h30 chiều hôm qua 17/9. Hàng triệu người đã theo dõi trực tiếp sự kiện lịch sử, được truyền hình trực tuyến để chứng kiến thời khắc lịch sử, bởi đây là chuyến du hành vũ trụ có phi hành đoàn đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2016.

Khi cánh cửa của viên nang trở về mở ra, ba phi hành gia đã được các nhân viên hỗ trợ nhấc ra khỏi tàu vũ trụ và vẫy tay chào đám đông. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ được đưa đến Bắc Kinh bằng trực thăng và trải nghiệm bữa tối đầu tiên trên Trái đất sau vài tháng ăn đồ ăn không gian, trước khi trải qua một cuộc quan sát y tế kéo dài một tuần.

"Vũ trụ thật rộng lớn, đẹp đẽ và hấp dẫn. Tôi đã may mắn và hạnh phúc khi có cơ hội bay lên bầu trời một lần nữa và đi bộ trên trạm vũ trụ của chúng ta", phi hành gia Boming nói sau khi hạ cánh, theo SpaceNews.

Tang, người nhỏ tuổi nhất trong bộ ba, đã gửi một tin nhắn trên sóng truyền hình trực tiếp đến cha mẹ ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung nước này, rằng: "Ba, mẹ, con đã về. Con đang có sức khỏe tốt, tinh thần tốt - rất tốt ".

Bộ ba phi hành gia bắt tay vào sứ mệnh, được đặt tên là Thần Châu-12, để xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vào ngày 17/6 năm nay. Trước đó vào tháng 4, nước này đã phóng lên không gian mô đun lõi mang tên Thiên Hà. Tàu vũ trụ của họ đã cập bến với một mô-đun dài 16 mét, chứa các khu sinh hoạt cho phi hành gia.

Phi hành gia người Trung Quốc Tang Hongbo làm việc bên trong mô-đun lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung, khi các đồng nghiệp của anh đang thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian, ngày 20/8/2021.

Sau khi đến nơi, ba phi hành gia thực hiện một loạt nhiệm vụ tại trạm vũ trụ, bao gồm cả hai lần đi bộ ngoài không gian và thường xuyên giao tiếp với những người ở Trái đất qua các vlog ngắn hay những bức ảnh chụp nhanh.

Các phi hành gia cũng đã lắp đặt nhiều thiết bị bên ngoài trạm vũ trụ và điều chỉnh góc của camera toàn cảnh được sử dụng để chụp ảnh Trái đất. Hai nhiệm vụ này được cho là đã chứng minh các chức năng của trạm vũ trụ thế hệ mới của Trung Quốc, cũng như mở đường cho các hoạt động tương tự trong tương lai.

Toàn bộ trạm vũ trụ Thiên Cung dự kiến hoàn thành vào năm 2022, nặng 66 tấn. Nó nhỏ hơn đáng kể so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nặng khoảng 450 tấn và có chiều dài gần bằng một sân bóng đá. Các nhà lập pháp Mỹ đã cấm các phi hành gia Trung Quốc lên ISS từ năm 2011. Tuy nhiên, ISS đang "già" đi và có thể không còn khả năng thực thi các nhiệm vụ không gian vào những năm 2030.

Một bức ảnh chụp màn hình cho thấy một viên nang hạ cánh đang bung dù, đưa các phi hành gia Trung Quốc trở về từ trạm vũ trụ chưa hoàn thành, ở Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 17/9/2021

Các nhà phân tích trong ngành cho rằng chuyến đi này là "một thời điểm quan trọng đối với chương trình không gian của Trung Quốc", thứ sẽ thúc đẩy chương trình không gian đầy tham vọng của đất nước.

Trung Quốc có kế hoạch phóng một tàu vũ trụ chở hàng lên trạm vũ trụ của mình vào cuối tháng này, tiếp theo là một sứ mệnh khác có phi hành đoàn - được đặt tên là Thần Châu 13 - vào tháng 10. Ba phi hành gia cho nhiệm vụ sắp tới có kế hoạch sẽ ở trong không gian khoảng sáu tháng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật