Nga nói gì khi Pháp cay đắng với liên minh Mỹ-Anh-Úc?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi từ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Nga, giờ Pháp mới thấm cảm giác bị đâm sau lưng mình?
Nga nói gì khi Pháp cay đắng với liên minh Mỹ-Anh-Úc?
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral mà Pháp từng hứa đóng cho Nga.

Phản ứng của phía Pháp với việc Mỹ giúp Úc đóng tàu ngầm theo thỏa thuận liên minh mới của Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) trong ngày 17/9 được cho là chưa từng có tiền lệ.

Paris đã triệu hồi hai Đại sứ của mình tại Mỹ và Úc để tham vấn trong khi không cần triệu hồi Đại sứ tại Anh bởi cho rằng, London là "một kẻ cơ hội".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian coi quyết định của Australia là một đòn "đâm sau lưng". Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên ngày 17/9 cho rằng, Anh đã hành động một cách "cơ hội" trong thỏa thuận giữa Mỹ và Australia dẫn đến việc Canberra từ bỏ thỏa thuận đã ký với Paris trước đó.

Nhà ngoại giao Pháp nói: “Anh đã tiếp tay cho vụ này một cách đầy cơ hội. Chúng tôi không cần tham vấn với đại sứ của mình để biết phải nghĩ gì cũng như rút ra kết luận gì từ chuyện này”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trước quyết định của Australia, nhắc lại vụ Pháp phá vỡ hợp đồng đóng 2 tàu đổ bộ Mistral với Nga.

Bà Zakharova viết trên kênh Telegram của mình: "Sự tức giận và cay đắng đến từ đâu? Việc phá vỡ hợp đồng đối với Pháp dường như là chuyện thường tình. Năm 2015, Paris đã hủy bỏ thỏa thuận với Nga về hai tàu Mistral. Hay đó chỉ là những nhát dao mà các ngài cảm thấy vào lưng mình?”.

Trong năm 2011, Pháp đồng ý đóng 2 tàu đổ bộ chở trực thăng đa nhiệm lớp Mistral cho Nga theo hợp đồng trị giá 1,2 tỉ euro (1,4 tỉ USD). Tuy nhiên, hợp đồng bị hủy vào năm 2015 do những diễn biến ở miền Đông Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea.

Hai tàu Mistral sau đó được bán cho Ai Cập và Pháp cũng chấp nhận trả lại Nga gần 950 triệu euro, theo TASS.

Được biết, Pháp nổi giận về vụ thỏa thuận Mỹ-Anh-Úc đến mức đã hủy sự kiện đánh dấu 240 năm trận chiến Capes, dự kiến diễn ra vào tối 17/9 tại Đại sứ quán Pháp và trên một tàu hộ vệ Pháp neo đậu ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland (Mỹ). Sự kiện đó nhằm ca ngợi việc hải quân Pháp hỗ trợ Mỹ đấu tranh giành độc lập vào năm 1781.

Trung Quốc phản ứng khi Mỹ-Anh-Úc lập liên minh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản đối "sự can thiệp của các thế lực bên ngoài" trong khu vực, trong khi Úc tiếp tục phớt lờ cơn giận của Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu trước thềm sự kiện Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 17-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục lãnh đạo các nước "tuyệt đối chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào khu vực của chúng ta vì bất kỳ lý do gì, giữ vững tương lai phát triển và tiến bộ của chúng ta trong tay chính chúng ta".

Lời kêu gọi của ông Tập được đưa ra sau khi Mỹ, Anh, Úc thiết lập quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng và Úc quyết định mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Canberra "ngây thơ" khi tài trợ cho "canh bạc chiến tranh lạnh của Mỹ".

Tuy nhiên, Thủ tướng Úc Scott Morrison đáp trả rằng Trung Quốc cũng có "chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân rất quan trọng".

"Họ có mọi quyền quyết định đối với các thỏa thuận quốc phòng vì lợi ích quốc gia nên dĩ nhiên Úc và các nước khác cũng thế" - ông Morrison nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật