‘Malignant’: Tỉnh dậy thấy sát nhân

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người phụ nữ thường xuyên thấy mình ở hiện trường những vụ án mạng khi thức dậy giữa đêm trong phim kinh dị “Malignant”.
‘Malignant’: Tỉnh dậy thấy sát nhân
Annabelle Wallis đóng Madison trong “Malignant“. Ảnh: Warner Bros. Pictures

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Madison (Annabelle Wallis) sống cùng chồng nhưng thường xuyên mâu thuẫn, khao khát có con sau nhiều lần sảy thai. Một lần khi tỉnh dậy giữa đêm, cô phát hiện chồng chết ở phòng khách vì bị bẻ gãy cổ. Một sinh vật không rõ mặt xuất hiện trong nhà khiến Madison hoảng sợ, bỏ chạy và ngất xỉu. Kể từ đó, cô thường xuyên thấy không gian xung quanh dịch chuyển, đưa cô đến hiện trường những vụ án mạng. Madison tận mắt thấy kẻ giết người đang hành động, tỉnh giấc không rõ mơ hay thật. Cô quyết tâm đi tìm lời giải với sự trợ giúp của em gái Sydney (Maddie Hasson).

Phim do James Wan đạo diễn, Akela Cooper biên kịch dựa trên câu chuyện do cô sáng tạo cùng Wan và vợ anh - Ingrid Bisu. Tác phẩm có hơi hướng trinh thám khi các cảnh sát xuất hiện, lần theo dấu vết tội phạm, gợi nhớ The Silence of the Lambs (1991) hay Halloween (1978). Nội dung trọng tâm kể về kẻ sát nhân hàng loạt, nhưng điều lôi kéo khán giả là mối liên hệ giữa hắn với Madison. Nửa đầu phim hơi rối vì nhiều nhân vật được giới thiệu và các vụ án đan xen. Nửa cuối hấp dẫn hơn khi các mảnh ghép được gắn vào nhau, nguồn gốc tên giết người được sáng tỏ.

Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của James Wan với thể loại kinh dị kể từ The Conjuring 2 (2016). Trên Total Film, anh nói lấy cảm hứng từ dòng kinh dị thập niên 1980, đặt nạn nhân vào góc nhìn kẻ giết người. Wan đặc biệt yêu thích các dòng phụ (sub-genre) trong thể loại kinh dị, muốn làm một phim giống như The Eyes của Laura Mars, nhưng pha trộn phong cách Brian De Palma, Dario Argento và Mario Bava - ba đạo diễn từng chinh phục thành công thể loại kinh dị theo hướng đi riêng.

Kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong phim. Hiệu ứng CGI được dùng để lột tả cảm giác khi Madison được đưa đến chỗ sát nhân. Cô đang ngồi một mình trong nhà thì mọi vật xung quanh thay đổi. Bước tường vỡ ra như đang lột da, nội thất tan chảy như nến. Quay phim Michael Burgess khai thác góc máy đa dạng, đặt dưới gầm giường, để trên cao chĩa xuống hoặc ngược lại. Ống kính khi xoay quanh người Madison, khi lại lần theo sau lưng nhân vật, không ngừng rung lắc.

Nỗi sợ bắt nguồn từ nhiều yếu tố, từ âm thanh, ánh sáng đến thiết kế bối cảnh. Các nhà sản xuất đặt ngôi nhà chìm trong bóng tối. Nhiều khung hình dùng tông màu đỏ chủ đạo với âm thanh tạo cảm giác ghê rợn, hồi hộp. Để dẫn dắt câu chuyện, đạo diễn pha trộn nhiều dòng như máu me (gore), c‌ơ th‌ể (body), tâm lý (psychological) đến chém giết (slasher). Khi hành động, gã sát nhân dùng dao đâm liên tục vào những chổ hiểm nhất trên người nạn nhân. Càng về cuối, số cảnh B.L ở mức R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) càng tăng lên như mổ não, xẻ thịt, bẻ xương... không phù hợp những người yếu tim.

Điểm trừ nằm ở phần kịch bản. Nhiều tình tiết phi lý và thiếu sự kết nối. Biên kịch tập trung vào vụ án giết người nên không đầu tư khai thác tâm lý nhân vật, từ chính như Madison đến phụ như Sydney. Ở cuối phim, tình cảm gia đình, mối quan hệ chị em giữa Madison và Sydney được sử dụng để đẩy mạnh cảm xúc, nhưng không thành công. Tác giả Michael Ordoña của tờ Los Angeles Times nhận định thoại trong phim thiếu điểm nhấn, các nhân vật hành động không hợp lý. Nhà phê bình Charles Bramesco của The Guardian cho rằng có lúc kịch bản như phim hạng B, đạo diễn và biên kịch mất nhiều thời gian để sắp đặt ý đồ.

Nữ diễn viên Annabelle Wallis có kinh nghiệm đóng phim kinh dị qua Annabelle (2014) và Annabelle: Creation (2017) nên không khó khăn khi hóa thân Madison. Mô-típ nhân vật cũng quen thuộc trong phim kinh dị, chỉ thể hiện cảm giác sợ hãi qua cơ mặt hoặc ánh mắt, ít có cảnh hành động. Vào vai em gái Sydney, nữ diễn viên sinh năm 1995 Maddie Hasson ít đất diễn, không để lại nhiều ấn tượng.

Giới phê bình có đánh giá phim thấp hơn các tác phẩm kinh dị trước của James Wan, với 6.3/10 điểm trên Rotten Tomatos và 50/100 điểm trên Metacritic. Tác giả Hanna Flint của Empire chấm 3/5 sao, cho rằng phim gợi nhớ dòng phim kinh dị thập niên 1970 và 1980, nhưng các tuyến truyện không được kết hợp tốt. Cây viết Frank Scheck của tờ THR nhận xét phim vay mượn nhiều yếu tố từ các tác phẩm của Dario Argento, David Cronenberg và Brian De Palma. Trang Indiewire chấm phim ở mức C, đánh giá phim không đi theo công thức nào, nên tạo thành một hỗn hợp khó hiểu.

Khởi chiếu tại Mỹ ngày 10/9, phim lỗ vốn khi thu về 14,7 triệu USD so với kinh phí 40 triệu USD. Điểm số khán giả trên IMDb là 6.3/10, kết quả bình chọn của CinemaScore ở mức C. Theo báo cáo của PostTrak, số khán giả chấm điểm tích cực là 59%, chỉ 38% nói họ sẽ giới thiệu phim.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật