Nể cụ ông 20 năm dọn rác miễn phí cho khu phố: Ai tặng tiền đều để dành chữa bệnh cho em

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 20 năm dài đằng đằng, trong con hẻm 205 đường Âu Cơ, khu phố 3, P.5, Q.11, TP.HCM, có một người đàn ông tên Thái Thành (80 tuổi) đã làm công việc quét rác không lương chỉ vì một mong ước, giúp hàng xóm có môi trường sống sạch đẹp.
Nể cụ ông 20 năm dọn rác miễn phí cho khu phố: Ai tặng tiền đều để dành chữa bệnh cho em
Dù nắng hay mưa, ông Thành vẫn cặm cụi làm công việc vì cộng đồng (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Hỏi “ông già rác”, mỗi lần hỏi làm việc có thấy mệt không? Ông nở nụ cười đôn hậu, kèm câu nói ngắn gọn: “Quen rồi, thấy rác không quét không chịu được”.

Đã 2 thập kỷ, “lộ trình” của “ông già rác” trở nên quen thuộc với bà con trong hẻm. 5g sáng, trời còn nhá nhem, đôi chân ông đã đi từ đầu đến cuối hẻm quét rác.  Sáng ra, ông lại lọ mọ xách từng bao tải rác chất lên xe ba gác, rồi tự mình hì hục chở đến điểm trung chuyển rác trên đường Tống Văn Trân để đổ.

Tối đến, người ta lại thấy tấm lưng còng của ông thoắt ẩn thoắt hiện trong con hẻm nhặt nhạnh, kỳ cọ cho bằng hết rác rưởi vương vãi trên đường. Những nơi dơ bẩn, hôi hám bỗng chốc trở nên sạch sẽ tinh tươm khi có tiếng chổi của ông đi qua.

Nói về việc làm của “ông già rác”, ông Tăng Tam (sống cùng khu phố) chỉ tay ra con hẻm sạch láng trước nhà tấm tắc: “Không có ông lão làm sao con hẻm sạch được như thế này. Cứ 5g sáng là ông lão đã ra đây quét rác đến 22g mới về nhà”. Cứ thế, con hẻm ấy không ngày nào ngơi ngớt tiếng chổi tre “loẹt quẹt” của ông.

(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Phía sau nụ cười đôn hậu và một việc làm ý nghĩa ấy, ít ai hình dung “ông già rác” lại có một cuộc sống không mấy yên ả. Ông không có vợ con, cha mẹ mất từ lâu. Có hai người em thì một người xuất ngoại, người em gái còn lại bị bệnh đang nằm điều trị ở bệnh viện tâm thần.

Người em trước khi xuất ngoại có để lại cho ông căn hộ tại một chung cư ở Q.11 nhưng ông rất ít khi ở đó, có chăng chỉ để ngủ. “Cuộc sống của ông ấy hầu như gắn bó với con hẻm này.

Ngoài quét rác, ai nhờ việc gì ông đều nhiệt tình giúp đỡ không chút nề hà. Nhờ vậy, thi thoảng bà con trong hẻm người cho 50.000 - 100.000 đồng để ông chăm lo cho em gái, người cho ngày hai bữa cơm, người cho ông tắm ké…”., ông Tăng Tam nói.

Cũng theo chính quyền địa phương ghi nhận, ông Thái Thành tự nguyện quét rác làm sạch khu phố khoảng hơn 20 năm nay. Dù công việc nặng nhọc nhưng ông không hề đòi hỏi gì cả. Và năm nào ông Thành cũng được tuyên dương trong hội nghị tổng kết năm.

Dù đã có tuổi nhưng ông Thái tỏ ra là một người rất khỏe. Có lúc đạp và có lúc đẩy cả xe rác tới điểm trung chuyển rác cách đó 2km. Tối đến ông lại tiếp tục với công việc quét rác quen thuộc của mình.

Ngưỡng mộ ông, cảm phục ông nhưng cũng xót xa cho ông quá. Cả đời vất vả, khó khăn nhưng nghị lực sống lại rất đẹp. Ông không buông xuôi, chán nản hay hận đời mà vẫn lạc quan để làm chuyện có ý nghĩa. Hơn 20 năm, đủ để một đứa trẻ lớn lên và trưởng thành – nghĩa là quãng thời gian ấy không hề ngắn.

(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Vậy mà ông kiên trì, âm thầm nhặt rác đều đặn mỗi ngày vì bà con, làng xóm, vì cả chính mình.  Nhìn hình ảnh ông lao vào trong mưa nhặt rác, mới thấy lòng tốt thật đáng quý biết bao.Chân thật, giản dị không màu mè, mới là đức tính khiến ông được bà con nể trọng, yêu thương.

Chưa kể, ông còn là một người anh trai có trách nhiệm, dù sức yếu và tuổi cao vẫn chăm sóc cho em gái hết lòng. Mọi người thường bảo, đất Sài Gòn có giàu tình cảm, ấm áp và dễ thương lắm, quả là không sai chút nào và ông Thành chính là một tấm gương đầy cao đẹp. Hy vọng ông có thêm nhiều sức khỏe và luôn sống trong vòng tay yêu thương của bạn bè, làng xóm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật